Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

05/06/2018 07:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được Bộ Giáo dục xây dựng từ năm 2009, những con số khái toán kinh phí cứ nhảy múa liên tục.

Kinh phí biên soạn chương trình, sách giáo khoa được duyệt là 462 tỷ đồng

Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tháng 10/2014 để xin ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (sau này là Nghị quyết 88/2014/QH13), phần Phụ lục V, Dự toán kinh phí tổng cộng 462 tỷ đồng.

Ngày 15/10/2014 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình số 407/TTr-CP về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, xin bổ sung kinh phí 316,8 tỷ đồng, tổng cộng kinh phí dự kiến là 778,8 tỷ đồng [1], trong đó:

a) Phần kinh phí thực hiện xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và thẩm định chương trình và sách giáo khoa giữ nguyên 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: 

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình và sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2010-2016 Phạm Vũ Luận, ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2010-2016 Phạm Vũ Luận, ảnh: TTXVN.

Xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 04 bộ);

Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; 

Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; 

Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; 

Tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

b) Dự toán bổ sung phần kinh phí hỗ trợ việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới là: 316,8 tỷ đồng, để thực hiện các nhiệm vụ: 

Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; 

Ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc); 

Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên. [1]

Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa ảnh 2

Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ

Ngày 28/11/2014 Quốc hội ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Điều 1 của nghị quyết này nêu rõ:

"Tán thành chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Đề án của Chính phủ."

Tờ trình số 407/TTr-CP ngày 15/10/2014 và Nghị quyết số 88/2014/QH13 là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 ghi rõ:

a) Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng, thử nghiệm chương trình.

- Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện), trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử.

- Thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa.

- Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, sách giáo khoa mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới.

- Cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.

b) Huy động kinh phí của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân để biên soạn các sách giáo khoa (ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn) và triển khai các hoạt động khác của Đề án không sử dụng kinh phí của Nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD, đối ứng 3 triệu USD (tổng cộng gần 1800 tỷ đồng)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ vay vốn Ngân hàng Thế giới 80 triệu USD (vốn vay 77 triệu USD và vốn đối ứng 3 triệu USD). Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 455/QĐ-TTg ngày 8/4/2015 phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông;

80 triệu USD tương đương khoảng 1789 tỷ đồng (tạm tính theo tỉ giá USD quy đổi VNĐ của Vietcombank ngày 8/8/2016).

Dự án này chia làm 4 thành phần với phân bổ kinh phí cụ thể như sau:

Phân chia kinh phí 80 triệu USD cho 4 thành phần Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Đơn vị tính là USD. Ảnh chụp màn hình trên Báo VietnamNet.
Phân chia kinh phí 80 triệu USD cho 4 thành phần Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Đơn vị tính là USD. Ảnh chụp màn hình trên Báo VietnamNet.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với khái toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mà Chính phủ trình Quốc hội để xin ra Nghị quyết 88/2014/QH13 (gồm 8 hạng mục), có nhiều hạng mục điều chỉnh về nội dung, kinh phí, cụ thể:

Những con số nhảy múa

Theo Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014 của Chính phủ do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký, về việc đề nghị ban hành nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thì Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông được Bộ chuẩn bị từ năm 2009.

"Ngày 19 tháng 01 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”  (Công văn số 71/VPCP-TH).

Từ tháng 6 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai các nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sau năm 2015.", (trích Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014).

Nói cách khác, đây chính là đề án 70 ngàn tỷ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến dư luận đầu tháng 6 năm 2011. 

Ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó cho biết: 

Dự toán kinh phí là 70.000 tỷ đồng, trong đó số tiền chi cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỷ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán). 

Số tiền còn lại chi cho các việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 nghìn tỷ (chiếm 1/2 tổng dự toán);

Mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 nghìn tỷ (gần một nửa tổng dự toán), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên 390 tỷ đồng…[2]

Dư luận phản ứng gay gắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo rút lại Đề án này.

Đến ngày 14/4/2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với khái toán kinh phí 34 nghìn tỷ đồng. Dư luận phản đối dữ dội.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về 34 ngàn tỉ để đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên VTV 1 tối 16/4/2014. Ảnh chụp màn hình.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích về 34 ngàn tỉ để đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên VTV 1 tối 16/4/2014. Ảnh chụp màn hình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Văn Học bình luận:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết cách làm một đề tài khoa học.

Dự án nghị quyết này dù chỉ là xin chủ trương thì cũng phải có thông tin cho đại biểu. Cả một đề án mà chỉ có vài gạch đầu dòng, không có cái gì để đọc, có cảm giác các cố vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết cách làm." [3]

Chiều ngày 16/42014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chi tiết khái toán kinh phí đề án này. Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Phương cho biết:

Phần biên soạn chương trình, sách giáo khoa và sách giáo viên dự trù khoảng 105 tỉ đồng. Dạy thử nghiệm trên 340 ngàn học sinh 910 tỷ đồng; triển khai đại trà 8.150 tỷ đồng; mua trang thiết bị dạy học 20.100 tỷ đồng; ứng dụng công nghệ thông tin 5.010 tỷ đồng. [4]

Thế nhưng đến tối 20/4/2014 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định trên VTV, bản thân ông cũng thấy đó là khoản chi phi lý và lãng phí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, con số này không có trong Tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) nêu con số này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “sai sót, sơ suất rất đáng tiếc” và trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên VTV giải thích và bảo vệ con số 34 nghìn tỷ được 4 ngày, tối 20/4/2014 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lên VTV bác bỏ con số này. Ảnh chụp màn hình.
Sau khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lên VTV giải thích và bảo vệ con số 34 nghìn tỷ được 4 ngày, tối 20/4/2014 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lên VTV bác bỏ con số này. Ảnh chụp màn hình.

Ông cho biết thêm, vào thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, ông phải đi nước ngoài để giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN, nên không thể tham gia trực tiếp. [5]

Xin hàng chục ngàn tỷ, không biết tiền chi vào đâu

Ngày 16/4/2014 Báo Thanh Niên có bài "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Bộ Giáo dục và Đào tạo không nói được chi tiền vào đâu."

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 (nay là Chủ biên chương trình môn Ngữ văn) khi đó cho biết:

“34.000 tỉ chỉ là một khái toán vì bất kỳ một đề án nào cũng phải hình dung ra tính khả thi, cơ sở vật chất để thực hiện được đề án đó.

Cái này chỉ là con số tạm hình dung và chúng ta phải trải qua một quá trình thẩm định của Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan. 

Chúng tôi cũng xin tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện của các cơ quan, của báo đài, của các tầng lớp và sẽ hoàn chỉnh cụ thể cùng với đề án cụ thể để có đề xuất về kinh phí tiếp theo”.

Cũng theo ông Thống, như vậy là số tiền 70.000 tỉ đồng của đề án năm 2011 là do gộp cả 2 đề án về chương trình, sách giáo khoa và đề án cơ sở vật chất trường học. 

Nay tách ra thì riêng đề án về chương trình - sách giáo khoa chiếm 34.275 tỉ và tất nhiên chưa kể việc xây dựng trường lớp. [6]

Ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015 giải thích về con số 34 nghìn tỷ, ảnh: http://dhsptn.edu.vn.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015 giải thích về con số 34 nghìn tỷ, ảnh: http://dhsptn.edu.vn.

Nói như vậy có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tách đề án 70 nghìn tỉ năm 2011 thành 2 đề án năm 2014 và trình đề án xây dựng chương trình - sách giáo khoa với khái toán 34 nghìn tỷ trước, đề án cơ sở vật chất trường học để lại, trình sau.

Tóm lại, kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo xin để thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cứ “nhảy múa” liên tục, từ 70 nghìn tỉ tháng 6/2011 xuống 34 nghìn tỉ tháng 4/2014 (tách thành 2 đề án và để lại 1, theo lời ông Đỗ Ngọc Thống);

Nghị quyết 88/2014/QH13 chấp thuận Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà Chính phủ trình, trong đó khái toán các công việc liên quan đến biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ có 462 tỷ đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tham mưu cho Chính phủ vay Ngân hàng thế giới 77 triệu USD, đối ứng 3 triệu USD, tổng cộng 80 triệu USD;

Trong đó 37 triệu USD tương đương 778,8 tỉ đồng để thực hiện khối lượng công việc mà Đề án được Nghị quyết 88/2014/QH13 chấp thuận, khái toán có 462 tỷ.

Chỉ đơn cử như khái toán hạng mục xây dựng và thẩm định chương trình (chương trình tổng thể và các chương trình môn học) được Nghị quyết 88/2014/QH13 chấp thuận theo Đề án Chính phủ trình, là 55,2 tỷ đồng, đến nay đã đội lên 145 tỷ đồng.

Hạng mục Đánh giá, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa được Nghị quyết 88/2014/QH13 duyệt theo Đề án Chính phủ trình là 7,7 tỷ đồng, thì trong Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông xuất hiện riêng một Thành phần 3 với dự toán 839,8 tỷ đồng.

Tất nhiên sở dĩ có sự chênh lệch này, Sổ tay Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) cho biết:

Thành phần 3. Đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông có dự toán kinh phí là 37.545.000 USD, bao gồm kinh phí xây dựng Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia và Trung tâm Khảo thí Ngoại ngữ quốc gia (18.535.700 USD).

Tuy nhiên hạng mục (Thành phần 3) này không có trong Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mà Nghị quyết 88/2014/QH13 đã chấp thuận.

Hơn nữa, việc xây dựng Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ quốc gia trong đề án này liệu có chồng chéo với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020?

Hạng mục Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua internet được Nghị quyết 88/2014/QH13 duyệt theo Đề án Chính phủ trình là 2 tỷ đồng, nhưng Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông dự trù lên tới 224,3 tỷ đồng.

Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giải thích rõ những khác biệt nói trên giữa Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã được Quốc hội chấp thuận, với Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP).

Nguồn:

[1]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:bCSWLdYcGd4J:static.giaoducthoidai.vn/uploaded/ngocnd/2014_10_20/tomtatttr_335_vqbl.doc+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[2]https://vtc.vn/bo-gddt-noi-gi-ve-de-an-70000-ty-dong-doi-moi-sgk-d40594.html

[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bo-giao-duc-xin-rut-du-an-34-nghin-ty-172361.html

[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/22924802-105-ty-dong-danh-soan-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-moi.html

[5]http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33904102-bat-cap-trong-xay-dung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi.html

[6]https://thanhnien.vn/giao-duc/doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-bo-gddt-khong-noi-duoc-chi-tien-vao-dau-82905.html

Hồng Thủy