LTS: Nhìn lại phong trào bình dân học vụ trước đây, thầy giáo Sơn Quang Huyến mong rằng các lãnh đạo sẽ có những quyết sách hợp lý để đổi mới giáo dục hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ông tôi tham gia kháng chiến từ ngày đầu khởi nghĩa. Ông mất trong một lần tấn công đồn quân Pháp ở địa phương.
Mọi gánh nặng gia đình dành cho bờ vai gầy của Bà. Bà, con ông đồ, nhưng không được học chữ, có nghề làm bánh ướt, bán ở chợ đầu làng.
Chuyện “bình dân học vụ” vẫn trọn vẹn trong gia đình tôi.
Bà tôi học chữ quốc ngữ nhờ “bình dân học vụ” để đi chợ bán hàng, nuôi con (ngày ấy làng tôi quy định, ai đi chợ mà không đọc được chữ phải quay về).
Năm nay Bà đã hơn chín chục, vậy nhưng vẫn đọc báo xem ti vi phụ đề tiếng Việt được.
Những đứa con, cháu trong nhà đi học, Bà vẫn dạy đánh vần. Bọn trẻ trong xóm, không ít đứa trưởng thành, vẫn thương mến gọi Bà “bà giáo xóm”.
Phong trào bifnh dân học vụ. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại |
Xem ti vi, đọc báo mạng, thời gian qua, Bà “mắt tròn, mắt dẹt” về chuyện giáo dục nước nhà.
Bà bảo “có chuyện đánh vần, sao mà tranh luận nhiều thế, cứ như bình dân học vụ ngày xưa, có vài buổi học, Mệ vẫn đọc thông, viết thạo tới giờ đó thôi”.
Bà bảo “mấy ông cải cách giáo dục, không biết vận dụng nội lực, khó thành công lắm.
Nước mình gần trăm triệu dân, số người biết chữ mà không đi dạy vô cùng lớn. Đó là giáo viên không biên chế, không lương, nhưng có tâm lắm con ạ.
Cải cách giáo dục phải có tính kế thừa, huy động được nội lực, nội lực là cha, mẹ, ông, bà, … của học trò đó.
Nếu cải cách mà dùng cái mới quá, chỉ có giáo viên biết, giáo viên dạy, hóa ra độc quyền, độc đoán.
Giờ tụi nhỏ giờ suốt ngày phải đi học, nỏ biết chi chơi chuyền chơi chạc nữa”.
Thế đấy, chuyện đánh vần của con trẻ, làm không ít người phản ứng, rung chuyển mọi giai tầng xã hội.
Chuyện cải cách giáo dục, tưởng đơn giản, nhưng ảnh hưởng của nó không nhỏ, đến mọi ngóc ngách cuộc sống.
"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu? |
Ngành giáo dục đang chuẩn bị cho chương trình giáo dục mới.
Mọi thứ đã trên bệ phóng, từ chương trình đến sách giáo khoa.
Vậy nhưng khởi điểm bắt đầu của việc học là “đánh vần” dường như chưa vượt qua được.
Vậy có cần đổi mới đánh vần không? Đổi mới đánh vần có dạy nên nhân tài không?
Liệu chương trình “bình dân học vụ” của chúng ta quá lạc hậu; không dạy nên người?
Không? Bình dân học vụ, đã dạy nên Người đúng nghĩa của nó, sống vì tổ quốc, chết vì quê hương.
Hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã sẵn sàng hy sinh cho tự do của dân tộc. Họ ra chiến trường không hẹn ngày về, lòng vẫn hướng về tương lai hào hùng cho dân tộc.
Đất nước này, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đang thấm máu và mồ hôi của những học trò bình dân học vụ đó thôi.
Đổi mới giáo dục là cần thiết, thế nhưng đổi mới không thể vì lợi ích của nhà sáng chế mà phải vì lợi ích của cộng đồng.
Đổi mới có tính kế thừa cái hay, cái đẹp của lịch sử, không thể xóa lịch sử, văn hóa dưới từ “đổi mới” được.
Không còn xa nữa, áp dụng chương trình mới. Bao câu hỏi, trăn trở còn bỏ ngỏ chưa có câu trả lời.
Chỉ mong lãnh đạo ngành có quyết sách đúng đắn nhất, đem lại lợi ích cho người học, người dạy, dân tộc, đừng làm nước mắt con trẻ lại rơi trong năm học mới.
Ngẫm lại, bài học bình dân học vụ ngày xưa, vẫn cần cho công cuộc cải cách, chấn hưng nền giáo dục nước nhà.