Chuyên gia: Có thể xem xét cho ĐH Quốc gia TP.HCM thí điểm bổ nhiệm GS, PGS

12/09/2024 06:33
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo GS.TS Mai Ngọc Chừ, có thể trao quyền công nhận giáo sư cho một số trường tốp đầu thí điểm và rút kinh nghiệm.

Ở nhiều nước trên thế giới, trường đại học, các viện nghiên cứu lớn được quyền công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đồng thời, chức danh này được coi là một vị trí việc làm, không phải là một danh vị suốt đời như tại Việt Nam.

Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cho phép thí điểm bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư và trợ lý giáo sư thu hút nhiều sự quan tâm.

Vì sao Việt Nam áp dụng mô hình Nhà nước quản lý việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học từ năm 2019-2023 cho biết, hiện nay trên thế giới có 2 mô hình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư phổ biến. Mô hình thứ nhất là giáo sư được xét công nhận bởi Hội đồng giáo sư Nhà nước, giống như cách mà Việt Nam đang làm.

Mô hình thứ hai là trao quyền xét công nhận giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học, như một số nước trên thế giới đang thực hiện. Ở mô hình này, việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư tùy thuộc vào các trường đại học và gần như Nhà nước không can thiệp.

Giáo sư Mai Ngọc Chừ cho rằng, mỗi mô hình đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định theo đặc điểm của từng quốc gia. Việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư theo mô hình thứ nhất, với điều kiện của Việt Nam trong những năm qua là hợp lý. Bởi Việt Nam là đất nước trải qua thời gian dài bị tàn phá bởi chiến tranh, các cơ sở giáo dục đào tạo đang trên đà hình thành, phát triển từ thấp đến cao và mở rộng dần.

gs mai ngoc chu.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học từ năm 2019-2023. Ảnh: NVCC

Trước đây, nước ta chỉ có các trường đại học công lập do Nhà nước cấp ngân sách, không có các trường dân lập, tư thục. Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải áp dụng mô hình Nhà nước quản lý việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư để đảm bảo chất lượng giáo dục. Hơn nữa, một số trường đại học hiện nay cũng chưa đủ năng lực để thực hiện việc xét công nhận đó.

Tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 3 cấp hội đồng: Cấp cơ sở (trường – cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành/liên ngành và cấp Nhà nước. Mỗi hội đồng đều có nhiệm vụ riêng và đều rất quan trọng để công tác xét công nhận minh bạch, chuẩn xác.

Với bước lọc đầu tiên để xét ứng viên, cơ sở giáo dục đại học nào có Hội đồng Giáo sư cơ sở thì ứng viên là giảng viên của trường được xét ở hội đồng trường đó. Nếu trường không đủ chuyên gia thẩm định theo quy định thì có thể mời chuyên gia bên ngoài đủ tiêu chuẩn tham gia Hội đồng xét duyệt.

Bước lọc thứ hai là Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành. Theo thầy Chừ, đây là bước lọc quan trọng nhất vì các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực chuyên môn sẽ hiểu và đánh giá chuẩn xác về trình độ của ứng viên.

Bước lọc thứ ba là Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Đây là bước lọc cuối cùng để hoàn thiện các thủ tục. Hiện nay, văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước có đội ngũ chuyên viên hỗ trợ thẩm định khách quan, kỹ càng các điều kiện cứng trong hồ sơ ứng viên. Ý kiến của các chuyên gia văn phòng sẽ giúp Hội đồng giáo sư Nhà nước xem xét kỹ hơn, chuẩn xác hơn tất cả những hồ sơ đã qua hai vòng thẩm định.

Cơ sở giáo dục xét công nhận giáo sư, phó giáo sư có "cả nể"?

Một vị giáo sư, tiến sĩ từng nằm trong tốp 100 nhà khoa học xuất sắc của Châu Á chia sẻ, hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư vẫn là mô hình chuẩn và định hình được chất lượng giáo dục. Nếu giao cho các trường đại học xét công nhận giáo sư, phó giáo sư có thể dẫn đến lợi bất cập hại.

"Nếu không kiểm soát chặt chẽ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ, nền giáo dục sẽ vô tình chạy theo số lượng và giảm chất lượng. Cần tránh tình trạng sau một đêm trời sáng, cả cơ sở giáo dục đại học đều đầy đủ hết giáo sư và phó giáo sư, thậm chí không còn ai là tiến sĩ. Lúc đó không khác gì 'phổ cập' về chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, nên tập trung thắt chặt chất lượng giáo dục hơn là chạy theo số lượng. Cần có quy định về giáo sư và phó giáo sư sau khi được phong hàm có còn xuất bản các sản phẩm khoa học, đóng góp cho xã hội nữa không?

Nếu không hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ đã quy định thì nên miễn nhiệm, không xứng đáng giữ chức danh đó. Việc làm này sẽ loại bỏ được một số người đã có chức danh nhưng chỉ dùng nó để xưng hô và giới thiệu chứ không làm tròn trách nhiệm. Không nên có chức danh giáo sư, phó giáo sư cả đời", vị giáo sư này cho hay.

Việc phân quyền được thực hiện ở các nước trên thế giới bởi cộng đồng học thuật quốc tế đề cao, tìm cách bảo vệ các chuẩn mực về tính học thuật. Ở các nước trên thế giới, sau 3 năm làm tiến sĩ mà không đăng một bài báo nào, không có công trình nghiên cứu nào thì không ai thu hồi bằng cấp, nhưng giới học thuật cũng không xem tiến sĩ đó thực sự là tiến sĩ nữa.

Khi mô hình này được áp dụng tại Việt Nam, vị giáo sư này lo ngại rằng, nếu không đạt được tiêu chuẩn đó sẽ rất dễ trở thành câu chuyện của "lợi ích nhóm" và sự nể nang. Trong khi đó, việc đảm bảo tính liêm chính trong học thuật là điều cần thiết cho uy tín và danh tiếng của các cơ sở giáo dục, đồng thời duy trì giá trị của các chức danh học thuật.

"Trong hệ thống giáo dục, tôi đã từng ngồi rất nhiều Hội đồng Giáo sư cơ sở và thấy ứng viên ở các Hội đồng Giáo sư cơ sở không trượt, nhưng lên đến Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành hoặc Hội đồng Giáo sư Nhà nước lại trượt. Hội đồng cơ sở cho qua bởi nhiều lý do, trong đó có năng lực của hội đồng, tính cả nể và yếu tố khác".

Quy trình xét công nhận chức danh giáo sư rất chặt chẽ, nhưng đối với phó giáo sư, tôi thấy nhiều ứng cử viên có trình độ ngôn ngữ rất kém, không biết họ viết bài báo quốc tế như thế nào", vị giáo sư này chia sẻ.

Chức danh giáo sư, phó giáo sư là chức danh khoa học cao quý để công nhận, đánh giá năng lực, mức độ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những giáo sư, phó giáo sư có nhiều đóng góp, thành tựu khoa học thì rất xứng đáng được hưởng những đãi ngộ của nhà nước. Trái lại, nếu ứng viên đăng ký xét giáo sư nhằm mục đích tăng bậc lương hoặc hưởng quyền lợi cho đến suốt đời, thì rất có vấn đề và không công bằng.

Cũng theo vị giáo sư này, nếu trao quyền xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học, trong giai đoạn đầu, có thể giao thí điểm với một số đơn vị đào tạo mạnh, uy tín, có đội ngũ nhân lực chất lượng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 5 năm thí điểm thành công, việc phân quyền mới được thực hiện ở các trường khác. Nếu thí điểm không thành công, mô hình này nên dừng lại.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ nêu quan điểm, hiện nay một số cơ sở giáo dục đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác có uy tín quốc tế, đã có đủ năng lực để thực hiện việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư. Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, cán bộ quản lý của các cơ sở này đảm bảo chất lượng.

Theo thầy Chừ nếu trao quyền cho tất cả các trường công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ khó đảm bảo công bằng bởi nhiều trường không đủ năng lực để thực hiện. Nhất là các cơ sở mới xây dựng, đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa có sự phát triển lớn mạnh. Vì vậy, việc này cần triển khai một cách thận trọng và bài bản.

"Trước mắt có thể trao quyền này cho một số trường tốp đầu, sau đó rút kinh nghiệm để thực hiện ở các trường khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giữ vai trò quản lý Nhà nước trong việc xem xét những trường nào được tự chủ trong lĩnh vực này", Giáo sư, Tiến sĩ Mai Ngọc Chừ chia sẻ.

Hội đồng xét duyệt cần có các giáo sư đúng chuyên môn

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy - Cố vấn chương trình đào tạo, Trường Đại học Duy Tân, được công nhận chức danh giáo sư năm 2023 cho biết, mỗi mô hình xét công nhận giáo sư đều có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu thực hiện theo mô hình Nhà nước quản lý việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, quy trình xét duyệt sẽ nghiêm túc hơn.

Cô Thủy không phản đối việc phân quyền cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, quy trình xét duyệt hội đồng và quy định về tiêu chuẩn của giáo sư, phó giáo sư phải thật sự chặt chẽ và khách quan, cũng như tránh chất lượng giáo sư, phó giáo sư không đồng đều và không có sự công bằng.

Để làm được việc đó, Hội đồng giáo sư đóng vai trò quan trọng nhất để xét duyệt, quyết định người nào đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Việc lựa chọn những nhà khoa học có trình độ và thực sự công tâm tham gia vào các Hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư là rất quan trọng.

"Trong Hội đồng Giáo sư cơ sở, tôi thấy phó giáo sư tham gia hội đồng để đánh giá giáo sư thì khá bất hợp lý. Bởi trình độ giữa phó giáo sư và giáo sư chênh lệch một khoảng cách rất xa", cô Thủy nêu quan điểm.

co thuy.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy - Cố vấn chương trình đào tạo tại Trường Đại học Duy Tân. Ảnh: NVCC.

Để tránh được sự gia tăng ồ ạt số lượng phó giáo sư, giáo sư khi chuyển đổi hội đồng xét duyệt về các cơ sở đào tạo, theo cô Thủy, cần có những quy định về thành viên hội đồng.

Cụ thể, thành viên hội đồng phải là giáo sư, có quy định về tiêu chuẩn về số bài báo quốc tế, điểm công trình trong vòng 5 năm, có chuyên môn sâu phù hợp với ngành xét duyệt. Nếu đơn vị không có đủ số lượng giáo sư thì phải mời thêm giáo sư ở bên ngoài. Nhà nước cũng nên quy định tỷ lệ phần trăm nhà khoa học trong và ngoài cơ sở đào tạo.

"Hội đồng giáo sư các cấp nên chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Để xét duyệt công nhận đạt tiêu chuẩn về một chuyên ngành thì Hội đồng chỉ nên có các thành viên chuyên sâu ở lĩnh vực này. Hội đồng Giáo sư cơ sở không nhất thiết phải có tới 11-13 thành viên, chỉ cần 5-7 người là đủ. Tuy nhiên, thành viên trong hội đồng phải đúng chuyên môn hoặc càng gần chuyên môn càng tốt. Như vậy quá trình đánh giá sẽ chính xác hơn", cô Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Bích Thủy nhận định, các đại học vùng và đại học quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn để thành lập hội đồng xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trường hợp nhà khoa học ở các trường không có khả năng tự xét công nhận, có thể nộp hồ sơ vào các đại học vùng, đại học quốc gia. Tuy nhiên, dù ở cơ sở nào cũng phải đảm bảo nguồn lực giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẵn có để đánh giá năng lực thực hiện, đặc biệt là chức danh giáo sư.

Ngoài ra, cô Thủy đề xuất cần có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng thích đáng cho các thành viên Hội đồng đánh giá, vì công việc này đòi hỏi rất nhiều công sức, trong khi mức bồi dưỡng hiện nay còn quá thấp.

Hơn nữa, việc trình bày báo cáo của các ứng viên tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước còn mang tính chất hình thức và nặng nề. Cô Thủy đưa ra kiến nghị, chỉ cần xét hồ sơ ứng viên chứ không cần ứng viên trình bày. Bởi giáo sư và phó giáo sư đều là những nhà khoa học đã phấn đấu cả cuộc đời, nếu để họ phải lo việc chỉ mang tính hình thức là không cần thiết.

Bích Ngọc