Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Mục đích của bộ Chuẩn này được sử dụng làm cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, “nếu tập trung vào các tiêu chí, tiêu chuẩn đó thì khác gì so với Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học?”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại đánh giá cao mục đích và sự cần thiết của việc ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, bộ Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với các tiêu chí về kiểm định chất lượng có vai trò và sứ mệnh khác nhau.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn |
"Chuẩn là cái tối thiểu"
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, từ trước tới nay tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về chuẩn, tuy nhiên, chưa có khái niệm thống nhất liên quan tới chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Một số "chuẩn" thường thấy như: trường đạt chuẩn, trường chuẩn quốc gia,... Những tiêu chí, yêu cầu liên quan tới các chuẩn này đặt ra là hướng để các trường thi đua, phấn đấu để đạt chuẩn, chứ không phải là cái tối thiểu cần đạt được. Trong khi đó, ông quan niệm chuẩn là cái tối thiểu, nếu không đạt chuẩn thì cần ngay lập tức có chế tài điều chỉnh.
Theo đó, Tiến sĩ Khuyến đồng ý với khái niệm về chuẩn cơ sở giáo dục đại học được nêu ra tại dự thảo:
“Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng hoặc kết quả hoạt động mà một cơ sở đào tạo phải đáp ứng nhằm bảo đảm quyền lợi và giảm thiểu rủi ro đối với các bên có lợi ích liên quan” (trích Khoản 2, Điều 2, Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học).
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc ban hành một bộ chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ góp phần xây dựng hệ thống quản lý thông thoáng hơn, giúp loại bỏ cơ chế xin cho.
Theo đó, các trường khi đã đảm bảo đầy đủ điều kiện đạt chuẩn sẽ chủ động triển khai các kế hoạch của đơn vị, thay vì phải qua nhiều khâu khác nhau như trình lên cơ quan cấp cao hơn, rồi chờ tổ chức thẩm định, xem xét đánh giá có thông qua hay không…
“Các tiêu chuẩn, tiêu chí đã công khai rồi, theo đó cơ sở giáo dục nào đạt chuẩn thì cứ thế mà làm”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Tất nhiên, các khâu thanh tra, kiểm tra giám sát cũng cần được thực hiện đồng thời thường xuyên và chặt chẽ. Khi phát hiện các cơ sở làm sai với các chuẩn quy định, cơ quan quản lý cần đưa ra các chế tài xử phạt, nặng nhất yêu cầu chấm dứt ngừng hoạt động.
Khẳng định thêm về sự cần thiết của quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: Kiểm định là đánh giá những điều cơ sở giáo dục làm phù hợp với tuyên bố về sứ mạng của đơn vị; trong đó, tuyên bố sứ mạng thông thường cao hơn so với chuẩn là cái tối thiểu cần đạt được (hoặc ít nhất phải bằng chuẩn tối thiểu).
Như vậy, kiểm định là một khâu đánh giá cao hơn so với chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Bộ chuẩn đóng vai trò như một “bộ sàng lọc” giúp tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học theo hướng đồng bộ và rút ngắn khoảng cách hơn.
Ảnh minh họa: TL |
Bàn về những tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra tại dự thảo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ sự đánh giá cao với những nỗ lực “cố gắng đưa ra những tiêu chí” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiến sĩ Khuyến cũng nhấn mạnh, “không nên chấp nhận sự cầu toàn”. Như đã nói từ đầu, bộ chuẩn cơ sở giáo dục đại học là quy định mới lần đầu tiên xây dựng, do vậy ở bước đầu thực hiện về cơ bản là vừa làm vừa hoàn thiện từng bước.
“Qua thực tiễn triển khai nếu thấy tiêu chí không phù hợp thì trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉnh sửa và điều chỉnh ngay. Theo đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá, tổng kết về tính hợp lý của các tiêu chí trong bộ chuẩn. Như vậy, từng bước chúng ta sẽ có một bộ tiêu chí mang tính khả thi”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến tin tưởng.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) góp ý thêm, không nên “cào bằng” các tiêu chí giữa 2 đối tượng cơ sở giáo dục theo định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục theo định hướng nghiên cứu.
Thầy Khuyến phân tích thêm, trên thế giới, những trường đại học theo hướng học thuật thì mới cần đạt yêu cầu tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao, thậm chí 80-90%.
Nhưng đối với trường đại học theo hướng định hướng ứng dụng, người ta không lấy tiêu chí giảng viên có trình độ tiến sĩ, mà quan tâm nhiều hơn tới tiêu chí giảng viên là các chuyên gia lành nghề.
Đơn cử như ngành thiết kế thời trang, không phải trên thế giới nơi nào cũng có cơ sở đào tạo tiến sĩ thiết kế thời trang, cái cần hơn chính là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm làm nghề để truyền thụ kiến thức.
Kiến nghị có thêm tiêu chí về hợp tác quốc tế
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến góp ý nên có thêm tiêu chí về hợp tác quốc tế. Điều này nhằm khuyến khích các trường mở rộng quan hệ, giao lưu hợp tác với quốc tế, để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới trong quá trình đào tạo của các nhà trường. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Cũng quan tâm tới dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo trường đại học cho rằng Bộ cần làm rõ hơn về cách thức xử lý đối với cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn.
“Chưa rõ cách thức ứng xử (xử lý) với cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn sẽ như thế nào. Một phương án logic có lẽ là khi cơ sở giáo dục đại học chưa đạt chuẩn (nhất là về tài chính, cơ sở vật chất) thì nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn để đạt chuẩn; còn cơ sở đã đạt chuẩn thì Nhà nước không cần đầu tư nhiều nữa hay phương án sẽ là như thế nào…”, vị này băn khoăn.
Bên cạnh đó, theo vị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ thêm các căn cứ để đưa ra các mức, các tiêu chí chuẩn trong dự thảo này:
“Chưa rõ các căn cứ để đưa ra các mức, các tiêu chí chuẩn; trong khi mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục hiện nay là khác nhau và phương thức cấp tài chính cho các cơ sở giáo dục chưa rõ ràng (ít nhất là tự chủ tài chính thì có 04 mức theo Nghị định 60 là 1, 2, 3, 4)...”, lãnh đạo trường đại học phân tích.
Dự thảo Quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 23/07/2023.