Tổng kinh phí chi NCKH chưa đạt 5% nên con số thu về 5% ở dự thảo rất khó đạt

14/06/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ cần xem xét lại quy định trung bình trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 5%, bởi con số này khó đạt được.

6 tiêu chuẩn, 26 tiêu chí và cách xác định các chỉ số chuẩn trong dự thảo thông tư "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố làm cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham gia ngày hội tư vấn việc làm năm 2023. (Nguồn ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham gia ngày hội tư vấn việc làm năm 2023. (Nguồn ảnh: website nhà trường).

Bàn về một số tiêu chí mới trong dự thảo thông tư "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học", trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng dự thảo thông tư quy định “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” có 2 nội dung đáng chú ý đó là tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chí về tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ.

Dự thảo có đề cập tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với trường không đào tạo tiến sĩ. Theo thầy Tường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An không đào tạo trình độ tiến sĩ. Dự kiến đến năm 2025, nhà trường chỉ đạt khoảng 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian.

“Hiện trường có hơn 100 giảng viên, trong đó khoảng hơn 16% giảng viên trình độ tiến sĩ. Tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ từ năm 2025 đạt trên 25% đối với trường không đào tạo tiến sĩ là khó thực hiện đối với nhà trường”, thầy Tường chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân, theo thầy Tường, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là: “Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;”, do đó, nhiều giảng viên của trường không muốn học tiến sĩ, chỉ đạt trình độ thạc sĩ là có thể giảng dạy trình độ đại học.

Cũng theo thầy Tường, dù các quy định đầu vào đối với người học trình độ tiến sĩ đã “nới”, nhà trường có chính sách hỗ trợ nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn về kinh phí, thời gian, công sức, kiến thức khó… dẫn đến giảng viên ngại học tiến sĩ.

“Có thời điểm, trường cử 10 giảng viên học trình độ tiến sĩ nhưng ít nhất có khoảng 4-5 người không đạt yêu cầu hoặc kéo dài thời gian học. Có giảng viên kéo dài thời gian học tiến sĩ (từ 3-4 năm) lên 7 năm.

Để thu hút giảng viên nâng cao trình độ, Chính phủ có Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030.

Và từ năm học trước, nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ thêm/hỗ trợ 100% học phí, cùng các chế độ khác cho giảng viên đi học tiến sĩ 4 năm. Sau đó, giảng viên này về trường giảng dạy được hỗ trợ 40-60 triệu đồng. Trường cũng động viên giảng viên trình độ tiến sĩ có đủ số năm công tác tích cực công bố công trình nghiên cứu để đủ điều kiện xét học hàm phó giáo sư và sẽ được hỗ trợ 40-60 triệu đồng.

Ngoài ra, trường áp dụng chính sách ưu đãi dành cho tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư về công tác (tiến sĩ được thưởng 200 triệu đồng; giáo sư và phó giáo sư có chính sách cao hơn), nhưng vẫn khó thu hút", thầy Tường chia sẻ.

Cũng theo thầy Tường, Hội đồng trường đã ban hành nghị quyết nhằm đốc thúc hàng năm, hàng kỳ để nâng tỉ lệ giảng viên tiến sĩ. Những trưởng khoa, trưởng bộ môn hiện đang kiêm nhiệm thì phải chuẩn bị đủ điều kiện, nếu không sẽ không được bổ nhiệm lại. Đồng thời, nhà trường làm công tác tư tưởng để giảng viên, sinh viên xuất sắc xác định được lợi ích của việc học lên trình độ tiến sĩ.

"Tiêu chuẩn trình độ giảng viên tuy khó đạt được nhưng không nên giảm thấp tỉ lệ vì ảnh hưởng đến trình độ nguồn nhân lực. Trường sẽ cố gắng để đạt được tiêu chí này", thầy Tường chia sẻ.

Một trong 26 tiêu chí trong dự thảo thông tư mà thầy Tường cho rằng khó thực hiện đó là tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu, tính trung bình trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 5%.

Theo thầy Tường, hoạt động khoa học – công nghệ phải tạo nguồn thu, trong khi đó, hiện đối với nhà trường, nguồn kinh phí để phục vụ cho nghiên cứu khoa học chưa đạt 5% chứ chưa bàn đến việc thu về 5% tính trung bình trong 3 năm gần nhất. Nếu trường tự thực hiện nghiên cứu khoa học – công nghệ thì không đạt được tiêu chí tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu. Còn nếu được tỉnh đặt hàng nghiên cứu khoa học thì may ra đạt được tiêu chí này.

"Nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ cần xem xét lại quy định trung bình trong 3 năm gần nhất đạt tối thiểu 5%, bởi con số này là lớn", thầy Tường kiến nghị.

Quan tâm đến tiêu chí về điều kiện dạy và học trong dự thảo thông tư “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học”, hiệu trưởng của trường đại học cho biết, các tiêu chí về số giáo trình, máy tính rất cần thiết đối với sơ sở giáo dục nhưng nên quy định linh hoạt.

Theo vị hiệu trưởng, nhà trường đạt được tiêu chí số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên 1.000 sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền internet trên 1.000 sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps. Bởi vì, tháng 3/2023, nhà trường vừa đầu tư cơ sở vật chất, số lượng máy tính, tốc độ đường truyền internet để phục vụ cán bộ giảng viên, sinh viên.

“Trước đó, sinh viên của trường phản ánh nhiều về việc tốc độ internet của trường chậm, không học tập được. Nên nhà trường xin được nâng cấp đường truyền mạng.

Giảng viên và sinh viên đều có nhu cầu truy cập internet, sử dụng máy tính trong quá trình học tập. Vậy nên, tiêu chí tốc độ đường truyền internet trên 1.000 sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps rất quan trọng và cần được đầu tư”, hiệu trưởng chia sẻ.

Cũng trong tiêu chí về điều kiện dạy và học, có tiêu chí số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một ngành đào tạo ở các trình độ đào tạo không nhỏ hơn 50. Theo vị hiệu trưởng, đội ngũ giảng viên của trường còn non trẻ nên số lượng giáo trình trường tự biên soạn ít (chỉ 10%). Còn lại, trường sử dụng các giáo trình, tài liệu của trường khác. Trong đó, có khoảng 2-3% chương trình học chưa có giáo trình, tài liệu.

Liên quan đến tỉ lệ sinh viên hài lòng về điều kiện dạy và học của cơ sở đào tạo; về chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giảng viên; tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường, đạt trên 70%..., hiệu trưởng này cho rằng, sau khi đánh giá hàng năm, nhà trường đều đạt từ 80-90% nên tiêu chí này cũng không có nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, về tiêu chí số nhập học mới đạt trên 50% so với chỉ tiêu theo kế hoạch tuyển sinh, thì trường không đạt được.

"Chỉ tiêu xác định theo năng lực đào tạo của trường là 1.500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, kế hoạch tuyển sinh của trường là 800-900 chỉ tiêu nhưng chỉ đạt 300-400 chỉ tiêu. Như vậy, trường không đạt 50% số nhập học mới so với kế hoạch tuyển sinh theo tiêu chí trong dự thảo”, vị này chia sẻ.

Bàn về tỉ lệ tốt nghiệp trong khung thời gian không vượt quá 1,5 thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn không thấp hơn 70%, trong đó tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%, theo hiệu trưởng này, các cơ sở giáo dục có quy mô sinh viên từ 1.000 - 1.200 sinh viên sẽ dễ đạt được tiêu chí này. Còn những cơ sở giáo dục từ 3.000 – 4.000 sinh viên trở lên sẽ khó đạt được.

Với tiêu chí tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong 12 tháng (18 tháng đối với ngành y khoa) không thấp hơn 70%... vị hiệu trưởng cho rằng, nếu không xác định cụ thể sinh viên ra trường làm đúng chuyên ngành đào tạo thì nhà trường đạt tiêu chí này vì những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm trong 12 tháng khoảng 80-90%.

Ngọc Mai