LTS: So sánh về việc học của học sinh xưa và nay, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ những lo lắng về những nghịch lý trong giáo dục hiện nay.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã kết thúc nhưng dư âm về chuyện đề dài và khó vượt tầm suy nghĩ của các em vẫn đang được mọi người bàn tán rôm rả.
Nhiều trang thông tin còn dẫn lời của nhiều vị giáo sư Toán học, nhiều giáo viên dạy chuyên Toán khẳng định rằng:
Với những yêu cầu về kiến thức như thế, cùng với thời lượng ấy, họ còn không thể giải nổi đề toán huống gì học sinh?
Trong khi tỉ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông nhiều năm trở lại đây luôn ở mức cao hơn 95% và con đường vào đại học luôn rộng mở (nhiều trường xét tuyển bằng học bạ) thì việc ra những đề thi khó như thế liệu có hợp lý chăng?
Nghĩ lại việc học và thi cách đây hơn 30 năm, mới thấy sự khác biệt không thể nào so sánh được.
Sự khác biệt giữa việc học xưa và nay. Ảnh: YouTube |
Ngày trước
Thời của chúng tôi, kiến thức chỉ học trong sách giáo khoa là đủ. Học sinh đến trường chỉ nghe thầy cô giảng bài ở lớp.
Về nhà tự ôn bài, tự làm tất cả những bài tập thầy cô cho.
Tuyệt nhiên không bao giờ chúng tôi phải đi học thêm (trừ những học sinh yếu kém có danh sách học phụ đạo riêng của lớp).
Chúng tôi chỉ học một buổi về giúp cha mẹ việc nhà buổi còn lại.
Thế mà, em nào học sinh giỏi là thật sự giỏi, học sinh khá cũng hơn đứt những em khá giỏi sau này.
Phía nhà trường và giáo viên, luôn đặt quyền lợi của học sinh trên hết.
Thầy cô giảng dạy nhiệt tình, truyền thụ hết kiến thức trong các giờ học.
Không có cảnh chèo kéo, chèn ép học sinh phải đi học thêm.
Trường hợp cần phụ đạo học sinh yếu hoặc bồi dưỡng thêm cho học sinh giỏi, giáo viên sẽ dạy học hoàn toàn miễn phí.
Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là sẽ dễ dàng vượt qua các kì thi, đặc biệt là chắc chắn sẽ có tên trong một trường đại học mình mơ ước.
Người học kém hơn, lỡ bước trước giảng đường đại học sẽ đi học cao đẳng, trung cấp hoặc đi học nghề.
Thế mà ra trường, ai nấy đều dễ dàng có được việc làm ổn định. Việc học vì thế rất nhẹ nhàng và không hề áp lực.
Thời nay
Học sinh học tối ngày, học mờ mắt, học bất kể cả lúc ăn, học chiếm cả thời gian lúc ngủ.
Nhiều em than rằng “một ngày con chỉ ngủ 1 đến 2 tiếng còn dành cho việc học”.
Các em học ở trường buổi chính khóa. Học tiếp buổi phụ đạo do nhà trường tổ chức.
Tối về, còn chạy xô đến hết lò học thêm này sang trung tâm học thêm khác.
Về nhà, chưa kịp ăn cơm lại ôm sách vở để học tiếp.
Học hết kiến thức trong sách giáo khoa, học tiếp nhiều giáo trình được biên soạn ở các trường đại học.
Hết giải đề tỉnh này, sang giải đề tỉnh nọ, hết học đúng chuẩn kiến thức lại cày kiến thức nâng cao.
Dù học nhiều như thế nhưng khi thi nhiều em vẫn không làm được bài vì kiến thức học và kiến thức thi vênh nhau quá lớn.
Vì lợi nhuận, nhà trường và giáo viên cũng “đẻ” thêm nhiều hình thức học.
Học phụ đạo, học bồi dưỡng tập trung ở trường, ở trung tâm và cả nhà thầy cô giáo.
Rồi học căn bản, học kiến thức nâng cao, học kèm theo nhóm, học kèm đặc biệt… cũng vì lợi nhuận, nhiều giáo viên đã "tung chiêu" để cạnh tranh học trò.
Thế là nhiều em lại phải vùi đầu vào học "có mục đích", vừa học lấy kiến thức lại duy trì kiểu học lấy lòng thầy cô…
Học miệt mài như thế suốt bao nhiêu năm nhưng khi ra trường lại "xất bất xang bang" vì không thể xin được việc.
Không ít người phải dấu nhẹm tấm bằng đại học để xin làm công nhân.
Bao nhiêu năm đã qua, ngành giáo dục đã trải qua biết bao cuộc đổi mới.
Câu nói “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” nhưng “đổi” thì nhiều mà chưa thấy thật sự “mới” đâu.
Không ít người lại cứ đem giáo dục thời nay ra so sánh để rồi nuối tiếc ngành giáo dục trước đây.