LTS: Một giáo viên đề nghị giấu tên gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phản ánh những bất thường trong việc những năm gần đây, điểm tổng kết của học sinh lớp 12 ngày càng cao, số lượng học sinh khá, giỏi ngày càng nhiều.
Theo đó, tác giả đề xuất ý kiến cần phải bỏ cộng điểm trung bình lớp 12 trong kỳ thi quốc gia để tránh những hệ lụy xấu xảy ra.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Mấy năm nay, khi đưa điểm trung bình cuối năm của các môn học lớp 12 vào xét tốt nghiệp, tự nhiên điểm tổng kết của học sinh cao đến lạ thường.
Nếu như trước đây những học sinh này có điểm trung bình từ 5,0 đến 6,0 thậm chí dưới 5,0 thì càng ngày điểm tổng kết càng tăng cao, từ 7,0 đến trên 7,0 hoặc cao hơn nữa.
Có trường điểm trung bình cuối năm của học sinh lớp 12 thấp nhất cũng 6,5. Vậy là sau ba năm học, các học sinh “đột biến gen” trở nên khá, giỏi hết.
Chính thế mà mà số lượng học sinh tiên tiến, học sinh giỏi cũng tăng kỷ lục.
Có trường thuộc tốp đầu vào thấp, nhiều năm đều thiếu chỉ tiêu, học sinh chỉ cần mỗi môn 0,25 vào trường vậy mà tỷ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi lại quá nửa.
Những năm gần đây điểm tổng kết của học sinh lớp 12 cao đến lạ thường. (Ảnh: Giáo dục và thời đại) |
Sở dĩ có điều nghịch lý như vậy là vì điểm trung bình các môn cuối năm của học sinh lớp 12 được tham gia cộng điểm để xét tốt nghiệp theo tỷ lệ 50:50.
Có học sinh điểm trung bình các môn thi chỉ 2,0 nhưng nhờ cộng điểm học tập và điểm khuyến khích (chẳng hạn điểm thi Nghề) mà nghiễm nhiên đậu tốt nghiệp.
Do vậy, nhiều trường vẫn ngấm ngầm chỉ đạo hoặc là giáo viên thả lỏng nên điểm tổng kết học trò đã tăng đến đến mức kì lạ. Chính điều này dẫn đến tâm lí chủ quan, học sinh không cần học vẫn có điểm cao, vẫn đỗ.
Năm 2013, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Dự thảo thi tốt nghiệp, dư luận không khỏi băn khoăn về điều này vì xảy ra tiêu cực trong việc tổng kết điểm.
May mà Bộ đã bỏ được việc xét miễn thi tốt nghiệp.
Còn nhớ có năm Bộ Giáo dục và Đào tạo còn xét điểm tốt nghiệp để tuyển thẳng đại học nhưng được vài năm phải bãi bỏ vì có trường đại học không còn chỉ tiêu để tuyển sinh.
Về mặt lý thuyết, chủ trương này đúng, nó giúp đánh giá học sinh trong cả quá trình.
Tuy nhiên, nó lại là cái phao cứu sinh cho những học sinh lười học và làm cho học sinh xem thường quá trình học tập, thi cử.
Nó cũng làm cho Ban giám hiệu các nhà trường triệt để o ép giáo viên nâng điểm làm tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp.
Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm bãi bỏ quy chế này.
Nếu không thì sẽ không cộng điểm nếu thí sinh có điểm trung bình các môn học vượt điểm trung bình các môn thi quá 1 điểm.
Có vậy mới chấm dứt những điều nghịch lý có thể xảy ra trong đánh giá giáo dục.