Có kết quả thi thử vào 10 mới hối hả tìm giải pháp hạn chế điểm dưới trung bình

26/03/2024 06:42
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Giáo dục là cả quá trình, không thể có giải pháp nào có thể nâng cao chất lượng trong ngày một ngày hai.

Thực hiện chủ trương phân luồng sau giáo dục trung học cơ sở, tại các địa phương, sẽ có khoảng hơn 30% học sinh không vào các trường trung học phổ thông công lập. Các em có thể chọn theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục, trường dạy nghề...

Vì thế, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập ở nhiều địa phương được đánh giá là căng thẳng, áp lực nhất hiện nay với học sinh, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, thành phố lớn.

Ở kỳ thi này, không còn cảnh một giáo viên đóng nhiều vai dạy học, ôn tập, ra đề, coi thi, chấm bài, vào điểm. Vì thế kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập, theo đánh giá của nhiều giáo viên là kỳ thi đánh giá đúng chất lượng dạy và học ở tiểu học và trung học cơ sở.

Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập, “bức tranh” chất lượng giáo dục của các địa phương cũng được “minh bạch” qua các con số thống kê cụ thể. Con số này có thể khiến một số địa phương, cơ sở giáo dục không mấy hài lòng.

Bởi dù tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở tiệm cận ở con số tuyệt đối, nhưng một nơi có điểm chuẩn vào lớp 10 quá thấp, chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn là đậu, đã làm xôn xao dư luận.

Ảnh chụp màn hình 2024-03-22 172013.png
Ảnh chụp màn hình do giáo viên cung cấp

Vì vậy, để chuẩn bị cho kỳ thi vào 10, một số nơi đã cho khảo sát chất lượng hoặc thi thử vào lớp 10 đối với học sinh đang theo học lớp 9.

Có nơi thì tổ chức thi thử vào lớp 10 có thu phí, có nơi tổ chức cho học sinh trong trường mình thi thử không mất phí. Đề thi thử do Phòng ra, nhà trường tổ chức coi chấm thi khách quan, đúng quy chế, kết quả không dùng để làm điểm đánh giá học sinh.

Sau khi hoàn thành công tác coi và chấm thi, điểm số sẽ được báo cho học sinh, phụ huynh, tổng hợp nộp về Phòng, Phòng sẽ tiến hành so sánh chất lượng của các trường trong cùng địa phương.

Điểm thi thử lớp 10 của một số trường khá thấp. Một giáo viên đã chia sẻ với người viết, số học sinh đạt điểm trên trung bình của đơn vị này chỉ khoảng 15%. Nếu tình hình không được cải thiện, không có giải pháp đột phá, chắc chắn khi tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi do sở giáo dục và đào tạo ra, tổ chức thi nghiêm ngặt, chấm thi khách quan hơn thì kết quả có thể cũng tương tự. Kết quả không được "đẹp" như học bạ là điều không cơ sở giáo dục, địa phương nào muốn cả.

Vì vậy, có địa phương đã yêu cầu “lãnh đạo nhà trường báo cáo giải trình nguyên nhân, hạn chế về việc điểm thi thử lớp 10 lần 1 dưới trung bình và có hướng giải pháp trong thời gian tới bằng văn bản”.

Thầy giáo Nguyễn Đình Cường, giáo viên tại một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Thi thử lớp 10 các trường tổ chức nghiêm túc vì kết quả không dùng đánh giá cả thầy và trò. Vì vậy, việc tổ chức thi tương đối nghiêm túc.

Có người còn cho rằng, kết quả thi thử thấp sẽ là chỉ báo cho học sinh và phụ huynh phải học thêm hoặc chủ động tìm hướng sang trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề, không đăng ký thi vào 10. Thậm chí, nhiều năm qua còn râm ran chuyện, trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn học sinh không đăng ký thi vào 10 nếu học lực không tốt.

Sau thi thử, kết quả thấp, lãnh đạo phòng sẽ yêu cầu nhà trường giải trình, tìm giải pháp nâng cao chất lượng, nếu không điểm trung bình trong kỳ thi tuyển vào 10 của cả huyện sẽ bị kéo xuống, thành tích giảm”.

Ai cũng biết, giáo dục là một quá trình, không thể có giải pháp nào có thể nâng cao chất lượng trong ngày một ngày hai.

Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng phải bắt đầu từ lớp 6, chứ không phải chờ thi thử lớp 10, biết chất lượng thật rồi mới chỉ đạo cơ sở tìm giải pháp nâng cao chất lượng.

Đôi điều kiến nghị:

Để có cơ sở chỉ đạo chuyên môn ngay và luôn, cần có kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng, chính nhờ kết quả đó mà các cấp Phòng, Sở mới có số liệu thống kê trung thực để phân tích, đánh giá, chỉ đạo.

Từ thực tế, người viết đề nghị các Phòng, Sở tiến hành kiểm tra định kỳ chung đề do Phòng, Sở ra ngày từ đợt kiểm tra giữa học kỳ I.

Để có kết quả kiểm tra trung thực, tuyệt đối không sử dụng kết quả kiểm tra này để đánh giá, xếp loại giáo viên, nhà trường.

Khi không sử dụng kết quả kiểm tra để đánh giá, xếp loại giáo viên, nhà trường, người viết tin rằng các trường sẽ tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc.

Việc các trường tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc sẽ có nhiều lợi ích:

Thứ nhất, lấy lại sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục, làm đúng "học thật, thi thật, điểm thật". Tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc sẽ chấn chỉnh thái độ học tập của cả học sinh, tác động giáo viên dạy học nghiêm túc hơn.

Thứ hai, giảm bớt được tình trạng làm đẹp học bạ, chạy theo thành tích ở một số nơi.

Thứ ba, cấp trên có số liệu thống kê chính xác để có giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục. Dựa trên kết quả kiểm tra đánh giá đủ độ tin cậy, quản lý giáo dục ở địa phương, lãnh đạo nhà trường sớm tìm các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng thật, không phải chờ đến cuối năm mới đi tìm giải pháp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh