Có năng lực nhưng không được phép đào tạo, Trung tâm dịch vụ việc làm "than" khó

07/07/2023 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dù bám sát với nhu cầu của thị trường lao động, thế nhưng, Trung tâm dịch vụ việc làm lại không được phép dạy nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Trên thực tế, trung tâm dịch vụ việc làm của mỗi địa phương là đơn vị nắm sát nhất nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, thực hiện các nhiệm các nhiệm vụ như tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, cung ứng và tuyển nguồn lao động chất lượng theo yêu cầu của nơi sử dụng lao động.

Thế nhưng, từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có hiệu lực thì Trung tâm dịch vụ việc làm không được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp khiến nhu cầu muốn được đào tạo nghề của nhiều lao động gặp khó.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng hiện nay, ông Hoàng Trọng Vinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng bày tỏ, khó khăn của các trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay là không được tham gia, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp dù nhu cầu của người lao động là rất lớn.

Theo ông Vinh, Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị có năng lực đào tạo kỹ năng, dạy nghề; có trách nhiệm tư vấn hỗ trợ giải quyết việc làm; tư vấn về hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng thuộc bảo hiểm thất nghiệp.

Lễ đón đoàn lao động Lâm Đồng tại Hàn Quốc (Nguồn: Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng).

Lễ đón đoàn lao động Lâm Đồng tại Hàn Quốc (Nguồn: Fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng).

Không những vậy, so với các đơn vị có chức năng giáo dục nghề nghiệp khác, trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị nắm được nhu cầu thiết yếu của người lao động, có khả năng tiếp cận rộng với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo đầu ra cho người học.

Hơn nữa, căn cứ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đáng nói, dù có những năng lực và trách nhiệm tư vấn, đào tạo nghề như vậy, thế nhưng lại không nằm trong đối tượng, phạm vi, đối tượng áp dụng, được phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.

Không những vậy, nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay cũng không được đầu tư về cơ sở vật chất để đào tạo nghề cho người lao động.

Cùng bày tỏ quan điểm trước thực trạng trên, ông Bùi Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện nay, theo quy định hiện hành không được cấp mã ngành đào tạo, muốn dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm phải liên kết một số đơn vị có chức năng đào tạo nghề để tư vấn, đào tạo, đặc biệt là cho số lao động thất nghiệp trên địa bàn.

Đáng nói, các Trung tâm dịch vụ việc làm nếu được đào tạo nghề sẽ sát sao với thị trường lao động hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nơi sử dụng lao động so với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

Theo ông Vũ, người lao động nếu không được dạy nghề từ trước, khi làm việc, các công ty, doanh nghiệp, nhà máy,… sẽ phải tốn thời gian thử việc, đào tạo lại cho họ và tất yếu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của những người lao động này.

Trong khi đó, nếu giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp cùng để đào tạo, cung ứng số lao động có đào tạo cho các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian cho người lao động.

Đặc biệt là đối với lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực vùng khó như Đắk Nông vốn quen với việc làm nông, thời gian tự do, nên nếu không qua đào tạo mà vào làm luôn tại các môi trường công nghiệp sẽ khó bám sát được với thực tế công việc.

Hơn nữa, khi được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp các Trung tâm dịch vụ việc làm nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư hơn của địa phương trong việc dạy nghề cho người lao động trên địa bàn.

Khi nhận được sự quan tâm từ địa phương, việc đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết hiện đại phục vụ công tác dạy nghề, gắn với thực tế của nơi sử dụng lao động cũng như lương và chế độ đãi ngộ của giáo viên dạy học sẽ được đảm bảo.

Mặt khác, chia sẻ về tình hình thị trường lao động hiện nay, ông Vũ cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn đã ít hơn cùng những xu thế về kinh tế đã có một số biến động. Tuy nhiên, từ tháng 6/2023 trở lại đây, tình hình đã khởi sắc hơn nhiều, các nhà máy, công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại, tiếp tục mở cửa tuyển dụng rộng hơn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp, từ đó giúp đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu hướng phát triển du lịch, xu hướng của thị trường lao động tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, ông Vũ cũng chia sẻ thêm, một số khó khăn hiện nay của Trung tâm dịch vụ việc làm là theo quy định hiện hành không được thu phí tư vấn việc làm, kết nối xuất khẩu lao động,… Việc này đã tác động đến một số công tác tài chính của đơn vị. Bên cạnh đó, tinh giản biên chế cũng đang làm ảnh hưởng đến việc hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm.

Tường San