Sau Tết Nguyên đán, những cô cậu bé hớn hở tung tăng cắp sách đến trường nhưng vẫn không quên xách tùng teng bên mình một bị vỏ lon để nộp Kế hoạch nhỏ theo sự phát động của nhà trường trước khi nghỉ Tết Nguyên đán.
Có bé lớp 1, trên vai với chiếc cặp nặng trĩu, không thể xách bị lon đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn. Nhìn những hình ảnh ấy không khỏi cảm giác xót xa.
Góc lớp thành nơi chứa vỏ lon (Ảnh tác giả) |
Những gia đình có khá nhiều vỏ lon nên việc thu gom cho các bé đi nộp đôi khi chẳng vấn đề gì. Thế nhưng, không ít gia đình hoặc đã gom bán hết cho đồng nát, hoặc không có một vỏ lon nào đã thật khó xử khi con cứ về đòi phải nộp vỏ lon.
Thế là, trong cơn bực tức, không ít phụ huynh đã mắng nhà trường, thầy cô hành hạ trẻ. Có người đưa tin lên hội nhóm, lên các trang mạng cộng đồng với lời lẽ khó nghe. Hàng trăm ý kiến nhảy vào chửi hộ.
Vì sao phong trào Kế hoạch nhỏ trước đây được ca ngợi là thế mà giờ đây nhiều khi lại gặp phải phản ứng như vậy?
Những chuyện nghe cười mà mắt cay cay
Khi một trường học nào đó phát động phong trào cũng thường đưa ra mục khen thưởng và không tránh khỏi việc nhắc nhở, phê bình lớp thực hiện chưa tốt. Giáo viên vì sợ ảnh hưởng thi đua nên cũng ráo riết áp chỉ tiêu lên đầu mỗi học sinh.
Hằng ngày, mỗi khi vào lớp dạy, nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm ráo riết đòi học sinh phải nộp giấy vụn, lon bia chẳng khác gì đòi nợ.
Có em lên nói rằng, con về đòi vỏ lon bia, ba con bảo: "Lên nói với cô mua bia cho ba uống rồi mới có vỏ lon để nộp".
Có em lên mếu máo với thầy cô, ba nói nhà con nghèo không có tiền đâu mà uống bia để lấy vỏ lon. Em lại nói rằng nhà con không có ba nên Tết cũng chẳng có ai uống bia cả…
Đã có học sinh ra quán đứng canh người uống ném lon bia xuống đất lao vào tranh giành. Thậm chí trong nhà hai anh em cũng đánh nhau vì anh giành trước nên lấy hết phần của em.
Có phụ huynh thương con nên vào hàng đồng nát mua báo cũ hoặc vỏ lon. Khổ nỗi, giấy báo phụ huynh phải mua 3 ngàn đồng/kg, vỏ lon mua một ngàn 2 lon nhưng mang lên trường nộp, nhà trường bán lại cho hàng đồng nát chỉ với giá 500 đồng/kg giấy và 1 ngàn đồng 5 vỏ lon.
Ý kiến của một phụ huynh (Ảnh CTV) |
Có phụ huynh than phiền nhà không có giấy vụn cũng không có vỏ lon nhưng con ngày nào cũng đòi đến phát bực nên gọi điện yêu cầu giáo viên thu tiền cho tiện, thầy cô cứ quy ra tiền cho chúng tôi nộp vừa nhanh vừa đỡ rắc rối.
Thế nhưng chẳng trường nào dám thu tiền vì sợ vi phạm quy định nên nhất định chỉ thu giấy vụn và vỏ lon bia.
Có nên duy trì phong trào nộp vỏ lon sau mỗi kỳ nghỉ Tết?
Nếu làm một cuộc thăm dò trên mạng xã hội “Có nên duy trì phong trào nộp vỏ lon sau mỗi kỳ nghỉ Tết?”, tôi tin chắc rằng số người bảo không nên sẽ chiếm đại đa số.
Có người đã chia sẻ thẳng thắn với người viết: "Mình thấy không có tác dụng gì về việc dạy trẻ, đem lon phế liệu đến trường. Cái này là thuở xa xưa đề ra phong trào tuổi nhỏ làm việc nhỏ.
Ý nghĩa nằm ở chỗ đi trên đường nông thôn, hay đường phố, thấy cái chai nhựa, hay lon bia người ta vứt ra đống rác, mình nhặt mang về, gom góp lại đem nộp.
Mấy chục năm rồi, nên chuyển sang hướng khác đi là vừa, làm thế khổ cả học sinh lẫn thầy cô.
Tự nhiên cứ áp dụng bao năm mà không thay đổi, không sáng tạo, cứ tới dịp là hú nộp giấy nộp lon. Nếu đúng việc, đúng tình, đúng giáo dục, thì bọn nhỏ hiểu được ý nghĩa công trình là phụ huynh ủng hộ hết mình, không than vãn một câu".
Nếu hỏi học sinh phong trào Kế hoạch nhỏ có ý nghĩa gì? Đảm bảo rằng tới 99% học sinh đều nói do “thầy cô dặn nộp” hay “nhà trường bắt nộp”… mà ít có em học sinh nào hiểu được ý nghĩa thật của phong trào ấy.
Vẫn duy trì phong trào Kế hoạch nhỏ nhưng thay bằng cách làm khác được không?
Trước đây, vào năm học 2019-2020, Hội Đồng đội thị xã La Gi (Bình Thuận) ra công văn yêu cầu các trường phát động phong trào làm Kế hoạch nhỏ bằng cách giao chỉ tiêu thu gom đối với học sinh Tiểu học: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 1,5 kg giấy/em/năm học.
- Đối với học sinh Trung học cơ sở: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 2,5kg giấy/em/năm học.
Từ năm học 2021-2022 trở lại đây, Hội Đồng đội thị xã đã chỉ đạo “Triển khai thực hiện có hiệu quả, cách làm hay trong phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại trường.
Với cách chỉ đạo này, rõ ràng không áp đặt, không bắt buộc nhà trường phải thu gom vỏ lon để nộp. Tuy nhiên, rất nhiều trường học vẫn thực hiện việc thu gom phế liệu như những năm học trước đây.
Vì sao lại thế? Vì làm theo kiểu cũ sẽ tốn ít công sức, sẽ tránh việc phải nghĩ nhiều và bao giờ cũng làm dễ hơn việc triển khai cách làm mới.
Nếu không thu gom vỏ lon, học sinh có thể làm gì để thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ?
Đã nhiều năm, việc cho học sinh thực hiện việc thu gom giấy vụn ngay tại trường khá hiệu quả khi các lớp học để 1 cái bao đựng giấy vụn ngay tại cuối lớp. Giáo viên công bố với cả lớp và yêu cầu học sinh thực hiện.
Mỗi giờ thủ công, những tờ giấy vở viết bị hỏng, những cuốn sách cũ, cuốn vở bài tập đã học xong, những cuốn vở đã hết giấy… tất cả sẽ được gom lại để vào bao.
Siêng nhặt chặt bị, xong một năm học thì cả lớp cũng sẽ có ít nhất vài chục kg giấy. Nếu gom cả trường học, cũng thu được một số lượng giấy loại không hề nhỏ.
Với những cách làm như trên, chắc chắn học sinh cũng sẽ học được bài học về tiết kiệm và ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ, đồng thời cũng chung tay giữ gìn vệ sinh trường, lớp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.