Học sinh bù đầu vào học còn phải lo gom giấy vụn nộp Kế hoạch nhỏ

04/06/2020 06:18
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không đưa Kế hoạch nhỏ về các trường thì những người phụ trách đoàn đội cấp trên chẳng còn có kế hoạch nào khác hay hơn, thiết thực hơn hay sao?

Sau một thời gian nghỉ dài phòng chống dịch Covid-19, ngày trở lại trường lần này cả thầy và trò đều “vắt chân lên cổ” để chạy chương trình mà chẳng kịp.

Lớp học biến thành nơi thu gom phế liệu thế này (Ảnh: Đỗ Quyên)

Lớp học biến thành nơi thu gom phế liệu thế này (Ảnh: Đỗ Quyên)

Những tưởng giáo viên chỉ chăm lo cho việc dạy, học sinh chỉ chăm lo cho việc học là đủ. Thế nhưng, cái phong trào Kế hoạch nhỏ mà Ban thường vụ Thị đoàn kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi lại chẳng buông tha.

Công văn đưa về triển khai rộng rãi ở 2 cấp học tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều giáo viên bất bình, nhiều phụ huynh phản ứng nhưng lệnh trên ban xuống không thể không thi hành.

Vậy là việc học chưa xong lại phải bù đầu vào lo kiếm tìm lon bia, giấy vụn để nộp làm kế hoạch nhỏ.

Công văn liên kết của 2 cấp là Ban Thường vụ Thị đoàn cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi đã yêu cầu điều gì?

Việc tổ chức thu gom phải được tổ chức thường xuyên theo từng học kỳ (ít nhất 1 lần/học kỳ) để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của phong trào.

Các liên đội tổ chức phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong tổ chức Đội, đội viên, thiếu niên nhi đồng bằng việc thu gom các loại giấy phế liệu (sách, vở, giấy báo cũ…) không còn giá trị sử dụng tại phòng học, sân trường, gia đình.

Tùy tình hình thực tế, các đơn vị có thể phát động thu gom, quyên góp các sản phẩm khác như:

- Ươm cây giống để bán.

- Thu gom vỏ chai, vỏ nhựa, đĩa nhạc, phế liệu, nhằm tạo ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng cảnh quang sạch đẹp.

- Xin hỗ trợ nguồn vật liệu đã qua sử dụng từ các cơ sở khác.

- Tổ chức cho học sinh tham gia thực hiện các phần việc có thể tạo ra giá trị để góp quỹ.

Việc phát động phải tổ chức thành phong trào, có kế hoạch cụ thể, khuyến khích các hình thức tổ chức mang tính giáo dục thường xuyên cho thiếu nhi như:

"Hội chợ phế liệu", “Ngày Hội Kế hoạch nhỏ”, "Giỏ thu gom Kế hoạch nhỏ"; tuyên dương “Kiện tướng Kế hoạch nhỏ” hàng tuần, hàng tháng…

- Đối với học sinh Tiểu học: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 1,5 kg giấy/em/năm học.

- Đối với học sinh Trung học cơ sở: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 2,5kg giấy/em/năm học.

Đơn vị phát động nói gì?

Thắc mắc vì sao giai đoạn này, giáo viên và học sinh đang lo lắng việc dạy và học mà lại có công văn thu gom giấy vụn? Giấy ở đâu mà nộp? Thời gian đâu mà thu?

Người đại diện Thường vụ Thị đoàn nói có nhiều hình thức để nộp không nhất thiết nộp giấy vụn, lon bia.

Trong công văn có nêu nhiều hình thức như hũ gạo tình thương, ươm giống cây để bán, thu gom vỏ chai, vỏ nhựa…tùy đơn vị thấy hình thức nào phù hợp thì làm.

Khi chúng tôi hỏi: “Giờ này học sinh lo học, giáo viên lo dạy cũng không có thời gian để thu gom đâu. Bên trên không biết hay sao còn đưa công văn về? Nghe thế, vị đại diện không nói gì cả.

Giấy vụn ở đâu mà gom? Lon bia, vỏ chai ở đâu mà nộp?

Công văn của Ban Thường vụ Thị đoàn quy định, một năm học sinh sẽ có 2 đợt nộp kế hoạch nhỏ. Đợt 1 trước ngày 19/01/2019. Đợt 2 trước ngày 15/5/2019.

Nhiều năm qua, mỗi khi phát động học sinh nộp giấy vụn, chúng tôi thường nhận được phản ứng của phụ huynh: “Giấy vụn ở đâu mà nộp? Bao nhiêu tiền cô cho tôi nộp đại cho xong”.

Giáo viên nào dám thu tiền nên phụ huynh lại phải đôn đáo ra hàng đồng nát mua lại giấy báo cũ về cho con mang đến trường.

Và cũng ngay sau đó, những chồng báo cũ ấy lại chạy về hàng đồng nát. Một cuộc chạy vòng quanh nhưng số tiền cũng đã hao hụt đi ít nhiều vì mua bao giờ cũng đắt mà bán lại quá rẻ.

Lon bia ở đâu mà đóng? Trẻ chỉ còn biết về nhà kêu ba uống cho nhiều bia vào cho con lấy lon.

Có em còn nói thật tội: “Cô ơi! Con không có ba nên chẳng ai uống bia cả. Nhà con chỉ có vỏ lon nước ngọt được không?”.

Đã đến lúc cần chấm dứt hình thức bắt học sinh làm kế hoạch nhỏ kiểu này

Phong trào Kế hoạch nhỏ trước đây đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Cũng nhờ hiệu quả tốt từ phong trào mà nhiều công trình có ích đã được xây dựng.

Không có nghĩa, phong trào Kế hoạch nhỏ ngày trước tốt thì nay vẫn tốt. Nhiều năm trở lại đây, phong trào Kế hoạch nhỏ đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, cho biết nó không còn phù hợp trong giai đoạn này.

Nếu bạn không tin, hãy lên mạng đánh vào cụm từ kế hoạch nhỏ sẽ thấy hàng chục bài viết phản ánh những mặt trái của phong trào này mang lại.

Có cả những câu chuyện đau lòng khi một số em học sinh vì muốn tranh giành từng lon bia đã đứng ôm cột chực chờ nhìn chăm chăm vào thực khách đang ăn nhậu.

Chỉ để khi chiếc vỏ lon được vứt xuống nền cát thì cùng nhau lao tới giành giật dẫn đến chuyện ẩu đả, đánh nhau.

Chẳng lẽ, không làm kế hoạch nhỏ sẽ không thể được? Chẳng lẽ thấy nơi người ta làm được thì mình cũng phải ráng bắt chước như lời một cán bộ Đoàn nói: "Các huyện khác làm được, mình làm được, không có khó khăn nào là không làm được!"

Lẽ ra thì giai đoạn này, phải ưu tiên, dồn sức cho việc dạy và học thì người ta vẫn quan trọng việc làm phong trào hơn.

Kế hoạch nhỏ cần đến mức không cần quan tâm đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh lúc này hay sao?

Không đưa Kế hoạch nhỏ về các trường thì những người phụ trách đoàn đội cấp trên chẳng còn có kế hoạch nào khác hay hơn, thiết thực hơn để làm?

Đỗ Quyên