Có nên khuyến khích học sinh, sinh viên nhịn ăn sáng để đóng góp ủng hộ?

02/11/2020 06:54
LAM HỒNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với lứa tuổi học sinh - sinh viên, việc tổ chức quyên góp rầm rộ cần xem lại và nên có các cách làm khác hợp tình hợp lý hơn.

Những ngày vừa qua, khắp cả nước đều sôi nổi hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước, chính phủ trong việc quyên góp tiền, vật chất ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt tàn phá.

Trong đó, có các trường học, từ tiểu học cho tới đại học đều tổ chức quyên góp nhằm mục đích giáo dục học sinh, sinh viên truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam .

Hình ảnh các cháu học sinh tiểu học, trung học lần lượt lên bỏ tiền vào thùng ủng hộ thật cảm động.

Những giây phút ấy thật sự là bài học sinh động, cụ thể về nghĩa tình đồng bào, ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn các em…

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: không nên tổ chức quyên góp đối với học sinh, sinh viên mà có thể vận động quyên góp bằng nhiều hình thức khác.

Có nên quyên góp tiền cứu trợ đối với học sinh, sinh viên? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Baoyenbai.com.vn)

Có nên quyên góp tiền cứu trợ đối với học sinh, sinh viên? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Baoyenbai.com.vn)

Tôi cũng đồng tình với ý kiến ấy vì những lý do sau đây:

Một là: học sinh, sinh viên là những đối tượng còn đi học, chưa làm ra tiền mà sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ.

Tiền ủng hộ của các em là tiền ăn sáng, tiền sinh hoạt hàng tháng (đối với sinh viên, đó là khoản chi tiêu cố định).

Học sinh tiểu học, trung học nếu “nhịn ăn sáng” thì có tốt cho sức khỏe hay không? Ảnh hưởng việc học tập, tiếp thu bài hay không? Và có nên nêu gương, ca ngợi việc học sinh “nhịn ăn sáng” để lấy tiền ủng hộ hay không?

Nghe nói có trường còn biểu dương những học sinh ủng hộ nhiều tiền; những học sinh ủng hộ ít tiền thì không được biểu dương (!).

Hai là: Cha mẹ, ông bà các em đã đóng góp, ủng hộ tại cơ quan, tại địa phương mình rồi. Có khi theo quy định là một ngày lương, có khi là ủng hộ mang tính chất tự nguyện, của ít lòng nhiều…

Nếu các em ủng hộ thì trùng lắp với việc ủng hộ của gia đình, vì còn nhiều đợt ủng hộ như vậy nữa…

Có thể có nhiều cách làm khác, mang tính giáo dục cao về nhiều mặt. Đó là đặt thùng ủng hộ tại một địa điểm phù hợp như văn phòng Đội Thiếu niên; văn phòng Đoàn Thanh niên hoặc trước phòng Chữ Thập đỏ (nếu có) của nhà trường.

Giờ nghỉ giải lao, các em có thể đến đó và tự giác gửi tiền ủng hộ vào thùng. Việc làm này giáo dục học sinh tính tự giác, ý thức tiết kiệm và cao hơn nữa là tạo sự sự đồng cảm, chia sẻ với vùng miền bị bão lụt, thiên tai…

Đến buổi chào cờ ngày thứ hai, nhà trường sẽ thông báo số tiền ủng hộ cho toàn trường biết. Sau đó gửi về trên và phải có biên nhận để công khai cho các em biết tiền ủng hộ của mình đã được gửi đi…

Việc ủng hộ đồng bào, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” là rất cần thiết! Nhưng với lứa tuổi học sinh, sinh viên thì việc tổ chức quyên góp rầm rộ cần xem lại và nên có các cách làm khác hợp tình hợp lý hơn!

LAM HỒNG