Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn!

13/09/2019 07:02
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Thôi thì, nhà trường hãy bớt đi những kiểu “tự nguyện” bắt buộc như hiện nay, bớt được cái gì, phụ huynh mừng cái đó.

Trong từ điển tiếng Việt, nghĩa của từ “tự nguyện” là tự mình muốn làm, không phải bị thúc ép hay bắt buộc của một ai đó nhưng từ tự nguyện ở một số trường học bây giờ đã không được hiểu như vậy và có nhiều điều đáng bàn.

Tự nguyện đóng góp theo kiểu bắt buộc, tự nguyện hỗ trợ kiểu ra chỉ tiêu. Phụ huynh nào mà chưa tự nguyện thì bị giáo viên nhắc nhở. Nhắc nhở học sinh trên lớp chưa ổn, giáo viên chủ nhiệm còn nhắc nhở trên mạng zalo để phụ huynh trong lớp cùng chung tay…tự nguyện.

Tự nguyện bây giờ không chỉ trong đóng góp, tài trợ cho nhà trường mà phụ huynh còn phải tự nguyện cho con đi học thêm. Vì thế, không biết nên hiểu thế nào cho đúng nghĩa của từ “tự nguyện”?

Trường học hiện nay có nhiều khoản đóng góp "tự nguyện" (Ảnh minh họa: tienphong.vn)
Trường học hiện nay có nhiều khoản đóng góp "tự nguyện"  (Ảnh minh họa: tienphong.vn)

Phụ huynh “tự nguyện” đóng góp

Mặc dù khi bước vào đầu năm học thì Bộ và Sở Giáo dục luôn ban hành cácvăn bản để hướng dẫn tránh tình trạng lạm thu trong các nhà trường, nghiêm cấm các trường học vận động phụ huynh học sinh đối với một số khoản thu.

Thế nhưng, công văn, hướng dẫn của cấp trên ban hành xong thì cũng đâu lại vào đấy. Nhà trường vẫn vận động theo tinh thần kêu gọi lòng hảo tâm của phụ huynh học sinh trong nhà trường.

Chính vì đánh vào “lòng hảo tâm” của phụ huynh nên các hiệu trưởng nhà trường không mấy khi làm kế hoạch vận động phụ huynh đóng góp. Đây là điều mà hiệu trưởng nào cũng biết rõ là nếu làm kế hoạch vận động thì khi có chuyện xảy ra đương nhiên là hiệu trưởng phải nhận trách nhiệm đầu tiên.

Vì thế, hiệu trưởng “nhờ” hội cha mẹ học sinh vận động hoặc truyền thông điệp, chỉ thị miệng cho giáo viên chủ nhiệm vận động. Tất nhiên, khi vận động thì các hiệu trưởng đã nghĩ ra những lý do để vận động cho nhà trường.

Lúc thì cái nhà xe học sinh, lúc thì tường rào, lúc thì lát lại sân trường, mua sắm ti vi để dạy công nghệ thông tin, quạt điện, tổ chức hoạt động ngoài giờ cho học sinh…Những khoản đầu tư nhà trường đưa ra đều hướng tới việc phục vụ cho học sinh nên dễ dàng nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Ngày họp phụ huynh đầu năm thì giáo viên chủ nhiệm chủ yếu dành thời gian để nêu lên những khó khăn của nhà trường. Khi mà chủ trương vận động được một số phụ huynh đồng ý là giáo viên chủ nhiệm thu tiền.

Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn! ảnh 2Những chiêu trò vận động phụ huynh đóng góp, ủng hộ đầu năm học

Có phụ huynh nộp ngay trong buổi họp phụ huynh, có phụ huynh đưa tiền cho học sinh đến nộp trong các buổi học sau. Nếu phụ huynh nào chưa tự nguyện thì cũng thường được giáo viên chủ nhiệm nhắc khéo.

Hiện nay, việc đầu tiên trong các buổi họp phụ huynh là giáo viên chủ nhiệm xin số điện thoại phụ huynh để tiện liên lạc. Khi có số điện thoại rồi là giáo viên chủ nhiệm tạo nhóm phụ huynh ở trên zalo để tiện cho việc quản lý học sinh và thông báo một số thông tin đến phụ huynh.

Vì thế, danh sách đóng tiền tự nguyện cũng được giáo viên chủ nhiệm đưa lên zalo với lời nhắn là phụ huynh kiểm tra lại xem số tiền hỗ trợ nhà trường mà phụ huynh đã đóng đã đúng chưa. Nhưng, ẩn ý sau lời muốn phụ huynh kiểm tra là lời nhắc nhở khéo cho những phụ huynh chưa đóng tiền ủng hộ thì hãy đóng đi.

Một khi mà giáo viên chủ nhiệm đã công khai trên zalo cho toàn thể phụ huynh biết thì có phụ huynh nào lại không “tự nguyện” ủng hộ nhà trường.

Thực tế, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm thì nhiều thầy cô cũng rất khó xử. Một bên là cấp trên giao, không hoàn thành nhiệm vụ là đương nhiên cũng khó xử với lãnh đạo.

Muốn hoàn thành nhiệm vụ quyên góp, ủng hộ của phụ huynh theo chỉ đạo của nhà trường thì đương nhiên là giáo viên cũng phải tìm nhiều cách để phụ huynh đóng tiền được nhanh nhất, nhiều nhất.

“Tự nguyện” cho con đi học thêm

Ngày họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng nêu lên vấn đề nhà trường mở lớp học thêm trái buổi và cũng trên tinh thần tự nguyện. Giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh giơ tay biểu quyết về việc đồng ý cho con đi học thêm.

Một vài người giơ tay lên rồi đa số lớp cũng đành phải giơ tay lên. Thế là biểu quyết, mà chỉ cần biểu quyết trên một nửa phụ huynh là nhà trường có cơ sở để mở lớp. Biên bản được giáo viên chủ nhiệm ký, trưởng ban đại diện hội phụ huynh của lớp ký đương nhiên sẽ là cơ sở khi có thanh tra, kiểm tra về trường.

Có nhiều kiểu “tự nguyện” trong nhà trường khiến phụ huynh…băn khoăn! ảnh 3Tự nguyện – Chiếc bánh có độc dành cho cha mẹ học sinh

Những lớp học thêm tự nguyện  thường rất đông và cũng ồn ào, náo nhiệt vô cùng. Học sinh không biết có học được cái gì không bởi đầu giờ thì cô, thầy ra bài tập cho tự làm, cuối giờ cô đọc đáp án cho chép vào.

Nhưng, chắc chắn một điều có đi học thêm là không bao giờ thiếu điểm- dù có dở cỡ nào đi chăng nữa. Bởi, học phí học thêm thì cô, thầy đã thu, lẽ nào lại không chu toàn cho học sinh về điểm số. Nếu học thêm mà điểm vẫn thấp thì phụ huynh đời nào cho con mình tham dự học thêm nữa.

Phụ huynh chỉ mong không phải “tự nguyện”

Cho con đi học thì việc đóng góp những khoản tiền bắt buộc là điều đương nhiên, phụ huynh không có ý kiến nhưng việc vận động tự nguyện thì cần minh bạch và có mục đích rõ ràng.

Phụ huynh bây giờ không đến nỗi quá khó khăn như trước đây, nhất là đa phần phụ huynh ở khu vực thành thị.

Nhưng, không phải cứ vận động vô tội vạ mà không căn cứ vào những hướng dẫn hiện hành. Vận động kiểu không dám chính danh để đề phòng khi có sự cố là hiệu trưởng đẩy trách nhiệm cho phụ huynh bởi chẳng có gì làm chứng cứ cho việc nhà trường vận động.

Học thêm tự nguyện cũng vậy, đối tượng học sinh nào cần học thêm, cần phụ đạo và thời điểm nào thì học thêm mới cần thiết là điều mà nhà trường cần tính toán kỹ.

Nhiều đối tượng học sinh còn quá nhỏ mà cứ bắt đi học thêm đại trà thì khổ cho các em quá. Suốt ngày chỉ học chính với học thêm thì còn đâu thời gian tham gia các hoạt động cần thiết, lấy đâu những kỹ năng cần thiết để ứng xử với cuộc đời sau này.

Thôi thì, nhà trường hãy bớt đi những kiểu “tự nguyện” bắt buộc như hiện nay, bớt được cái gì, phụ huynh mừng cái đó. Phần nhiều phụ huynh không muốn “tự nguyện” như cách làm của một số nhà trường hiện nay!

NGUYỄN NGUYÊN