LTS: Vì bản thành tích đẹp của giáo viên, của nhà trường cùng áp lực tính điểm cuối học kỳ nên dù là cấp tiểu học nhưng các em đã phải vất vả ôn thi với cường độ cao.
Phản ánh thực trạng đáng buồn trên cùng những chiêu trò trong việc giáo dục và khâu chấm thi, tác giả Nam Phương đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Chỉ còn 2 tuần nữa học sinh đã kết thúc học kì 1, giai đoạn này các trường học trong cả nước đang tăng tốc để ôn tập cho học sinh. Bao kì vọng của ba mẹ, của thầy cô và của cả nhà trường đang đặt trọn trên vai các em học sinh.
Nhìn những cô cậu học trò cấp 2, 3 còn đỡ thấy tội. Những đứa trẻ vừa lên 7, 8 tuổi đã bị lôi vào cái vòng xoáy thành tích của người lớn nghĩ cũng muôn phần xót xa.
Các em học sinh tiểu học vất vả ôn thi (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn). |
Suốt cả học kì, học sinh tiểu học (lớp 1,2,3) không chấm điểm. Những buổi đi học về, học sinh ít bị những câu hỏi chất vấn của ba mẹ “hôm nay, con được mấy điểm?” để rồi có em nhận được trận mưa lời khen, em lại bị những trận đòn roi giáng xuống.
Bỏ chấm điểm thường xuyên, cũng như kể từ ngày ấy, học sinh lười học hơn, các nhà chuyên gia giáo dục yên tâm rằng mình đã giải phóng cho những cô cậu bé trẻ con thoát khỏi áp lực về chuyện học hành.
Thế nhưng đó chỉ là những bề nổi bên ngoài, cuộc chạy đua ngấm ngầm bên trong vẫn khốc liệt không kém vì cuối kì, cuối năm học, học sinh vẫn phải đánh giá bằng điểm số thể hiện ở những bài thi cuối kì.
Cả năm rong chơi, nên các em học ra sao chỉ có giáo viên trực tiếp giảng dạy biết được. Cuối kì lại đánh giá bằng điểm số nên cả thầy và trò không thể lơ là.
Người ta chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá giáo viên giảng dạy thế nào? Điểm trò càng cao thầy cô giảng dạy càng tốt. Thế nên cuộc ganh đua về điểm số cũng trở nên gay gắt.
Để học trò không bị điểm kém, để giáo viên không bị khống chế thi đua thì thầy cô buộc phải tăng tốc.
Thế là hàng ngày đến lớp (thời gian gần đến ngày thi), giáo viên chủ nhiệm hầu như cắt hết chương trình (hoặc xin đồng nghiệp tiết dạy) của một số môn học không thi như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công…dành thời gian ôn tập cho học sinh.
Sáng ôn Toán, tiếng Việt, chiều ôn Toán, tiếng Việt, tối cũng ôn Toán, tiếng Việt…ngày nào cũng học, cũng ôn đi ôn lại hai môn học ấy.
Hết học chương trình trong sách giáo khoa đến làm đề tải trên mạng xuống, xin đề đồng nghiệp các trường, ôn đề cũ các năm…học sinh cứ như cái máy làm hết bài ôn này sang bài ôn khác, học hết dạng bài này đến dạng bài kia…
Để cho chắc ăn, ngoài việc ôn tập đại trà, một số giáo viên lâu năm còn có bí quyết phỏng đoán đề thi. Thế rồi, thầy cô bày cho trò học tủ một số dạng đề sẽ ra.
Những bài tập làm văn được giáo viên soạn sẵn, học sinh chỉ việc chép vào vở và học cho thuộc lòng. Những câu trả lời của môn Khoa, môn Lịch sử và Địa lý cũng được giáo viên soạn ra chi tiết để học sinh chỉ việc về học.
Ngày lên lớp, giáo viên vừa dạy vừa dò đề cương xem các em học ra sao. Học sinh học thuộc cũng yêu cầu về học lại cho thuộc hơn, những em không thuộc tiếp tục học và liên tục dò bài vào ngày hôm sau…ngày nào cũng học như thế cho đến ngày thi là xếp bút nghiêng một chỗ.
Vất vả ôn luyện để học trò có kiến thức đi thi đó là những giáo viên có tâm với nghề. Nhưng trong thực tế, vẫn còn không ít thầy cô dạy lất phất nhưng có khá nhiều “bí kíp” để giúp học trò vượt vũ môn mà chẳng cần tốn công sức.
Thường thì khi thi, giáo viên cùng khối đổi chéo lớp để xem thi và chấm bài. Không ít thầy cô lại cùng nhau hợp tác để đôi bên cùng có lợi.
Người thì vào lớp gợi ý học sinh cách làm một số dạng bài có trong đề thi, người lại xin điểm cho học sinh khi đồng nghiệp đang chấm (cô nương tay lớp tôi, tôi cũng sẽ nương tay lớp cô) thế là hòa cả làng.
Điểm số đôi khi chẳng phản ánh đúng năng lực học tập của các em nhưng nó lại vô cùng quan trọng để người ta tính được bao nhiêu % điểm đạt từ trung bình trở lên mà trong đó có bao nhiêu % đạt điểm từ khá giỏi?
Những % này còn được vào các bản báo cáo của trường, bản thành tích của giáo viên. Thế nên cuộc chiến giành điểm số của trò trong mỗi kì thi luôn căng thẳng và áp lực là thế.