Cởi trói, trao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục và các địa phương

03/11/2019 07:19
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đồng tình: Nên trao quyền chủ động cho ngành giáo dục và cởi trói cho các địa phương trong vấn đề tuyển dụng giáo viên.

Bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng: Cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay còn nhiều điểm bất hợp lý.

Các đại biểu cũng đề xuất: Nên trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong vấn đề tuyển dụng nhà giáo.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng: Nên giao sự chủ động trong tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị. Bởi theo đề án vị trí việc làm, họ sẽ cân đối được nhân sự trong tổng thể chung. 

Tuyển dụng giáo viên nếu phải theo Bộ Nội vụ giao thì rất vướng
Tuyển dụng giáo viên nếu phải theo Bộ Nội vụ giao thì rất vướng

Theo đại biểu, nếu ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Dĩ nhiên khi đó, chúng ta phải có cơ chế, điều kiện giám sát.

Cũng theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, nếu giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục sẽ rất tốt. 

Vì nếu ngành Giáo dục không chủ động được về con người thì sẽ rất khó, không phát huy được giá trị chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, thậm chí là nhân sự ở đơn vị đó.

“Ở thời điểm hiện tại, cần phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Giáo dục - Nội vụ và nên theo hướng, ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng và có sự phối hợp với ngành Nội vụ.

Nếu còn băn khoăn, chúng ta có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả đến đâu. 

Việc thực hiện thí điểm để chúng ta có cơ sở thực tiễn; nếu có hiệu quả thì nhân rộng và áp dụng đại trà để trở thành cơ chế chung” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất. [1]

Về câu chuyện tuyển dụng có sự vênh nhau giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng nhiều lần đề cập những điểm bất hợp lý trên.

Đang có sự vênh nhau giữa 2 Bộ trong việc tuyển dụng giáo viên (Ảnh:V.N)
Đang có sự vênh nhau giữa 2 Bộ trong việc tuyển dụng giáo viên (Ảnh:V.N)

Trao đổi với Giáo sư Phạm Tất Dong về vấn đề này, thầy cho biết: Cái khó hiện nay là ngành giáo dục không được quyền chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên mà lại do Bộ Nội vụ quy định.

Nếu trong việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương, 2 Bộ này không có sự khớp nối sẽ dẫn đến tình trạng vênh nhau. 

Điều này trên thực tiễn đã được thể hiện bằng số liệu thống kê thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương.

Theo kiến giải của Giáo sư Phạm Tất Dong, điểm nghẽn ở đây nằm ở cơ chế và tiêu chí đánh giá tuyển dụng của hai Bộ là khác nhau.

Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích:

“Hiện nay, theo cơ chế Bộ Nội vụ sẽ tuyển giáo viên theo căn cứ dựa trên tỷ lệ giáo viên/ học sinh. Chẳng hạn một lớp có bao nhiêu học sinh thì sẽ tương ứng với số giáo viên nhất định.

Do vậy nếu anh không dự báo đúng chắc chắn sẽ bị thừa hoặc bị thiếu. Bởi, nghề giáo là một nghề đặc thù được phân chia thành các môn chính và môn phụ. 

Việc căn cứ theo số lượng học sinh là không thỏa đáng. Có những môn giáo viên có thể dạy từ 2-3 lớp nhưng cũng có những môn mỗi giáo viên chỉ được dạy một lớp.

Đối với một số môn đặc thù như tiếng Anh, thể dục, âm nhạc – mỹ thuật, việc tính biên chế và chỉ tiêu giáo viên không thể theo cách thông thường là có bao nhiêu học sinh sẽ tương ứng với số lượng giáo viên nhất định. 

Cái dở nữa một bộ đào tạo, địa phương sử dụng nhưng biên chế lại do một bộ khác quy định”.

Do vậy, theo Giáo sư Phạm Tất Dong, việc tuyển dụng giáo viên nên trả về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương.

Thầy Phạm Tất Dong cho rằng: Cần có thêm một bước lọc chất lượng giáo viên được tuyển tại nơi họ công tác (Ảnh:giaoduc.net)
Thầy Phạm Tất Dong cho rằng: Cần có thêm một bước lọc chất lượng giáo viên được tuyển tại nơi họ công tác (Ảnh:giaoduc.net)

Bên cạnh đó cũng theo thầy Phạm Tất Dong: Nên có một bước lọc chất lượng giáo viên tại chính nơi họ làm việc.

Hiện nay có tình trạng giáo viên đỗ viên chức là ung dung làm từ giờ đến cuối đời. 

Vì thế họ mất đi động lực thay đổi, cải thiện bản thân cũng như sức sáng tạo trong công việc.

Do vậy cần có một bước lọc cuối cùng tại nơi giáo viên công tác. Đó mới là bước lọc hiệu quả nhất.

Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Hiện nay phương châm đào tạo tại các trường nghề hướng đến sự phù hợp với công việc còn trong ngành giáo dục vẫn có tư duy đỗ viên chức là ung dung làm đến cuối đời.

Tuyển giáo viên trình độ đại học nhưng trả lương hệ trung cấp
Tuyển giáo viên trình độ đại học nhưng trả lương hệ trung cấp

Cho nên cần phải trao quyền cho các trường được tham gia vào khâu tuyển dụng, lựa chọn và sàng lọc các ứng viên.

Không cần biết anh có bằng cấp gì?Được đào tạo như thế nào?

Nhưng khi làm việc tại cơ quan phải phù hợp với các tiêu chí mà chúng tôi đưa ra”.

Theo quan điểm của Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Cơ chế tuyển dụng giáo viên hay nhất hiện nay là giao trực tiếp cho các địa phương và thực hiện theo cơ chế đặt hàng.

Ý kiến này cũng phù hợp với nhiều nhận định của các Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia trong ngành giáo dục.

Thầy Nhĩ nói: “Việc tuyển dụng giáo viên nên giao trực tiếp cho các địa và thực hiện theo cơ chế đặt hàng. 

Ví dụ như địa phương người ta có nhu cầu sử dụng bao nhiêu giáo viên thì người ta đặt hàng cho các trường đại học sư phạm đào tạo.

Lãnh đạo địa phương sẽ tiến hành khảo sát và đưa ra nhu cầu sử dụng giáo viên sau đó đặt hàng các trường theo cơ chế tôi đặt hàng, tôi trả tiền. Các trường sẽ nhận đơn đặt hàng từ các địa phương và tiến hành đào tạo.

Chẳng hạn địa phương cần 100 giáo viên. Chi phí đào tạo 1 giáo viên là 20 triệu đồng thì sau từng ấy thời gian đào tạo, địa phương trả cho nhà trường 2 tỷ đồng và nhận số giáo viên này về. Như thế sẽ không bao giờ có chuyện thừa thiếu giáo viên.

Còn theo cơ chế tuyển dụng hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên hiện nay giao cho sở nội vụ các địa phương lập kế hoạch, quy định chỉ tiêu biên chế. 

Trong quá trình tuyển dụng nếu như kế hoạch không sát với thực tế sẽ dẫn đến tình trạng có nơi thiếu, có nơi thừa.

Cơ chế tuyển giáo viên hiện nay là giao chỉ tiêu từ trên Trung ương xuống không căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương”.

Đã đến lúc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho các địa phương và ngành giáo dục (Ảnh: Lã Tiến)
Đã đến lúc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho các địa phương và ngành giáo dục (Ảnh: Lã Tiến)

Ở chiều tác động đối với giáo dục đại học, theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Cách làm này thúc đẩy sự tiến bộ và cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ giải thích: “Việc đặt hàng như thế này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Bởi nếu anh không làm tốt thì địa phương họ sẽ đặt hàng của trường khác là anh mất nguồn thu. 

Cho nên bằng mọi cách anh phải nâng cao chất lượng đào tạo nếu không muốn bị đào thải”.

Một số ý kiến cũng cho rằng: Khi giao quyền tự chủ tuyển dụng cho ngành Giáo dục, phải gắn trách nhiệm cho ngành đó. 

Nếu người dân phản ánh về tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất là phải sòng phẳng trong tuyển dụng và đánh giá chất lượng

Từ những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia có thể thấy việc tuyển dụng giáo viên hiện nay đang có những điểm bất hợp lý. 

Mong rằng sắp tới sẽ có những điều chỉnh để việc tuyển dụng giáo viên ngày càng hiệu quả hơn, chọn được những người đủ đức, đủ tài phụng sự ngành giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

(1)https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dai-bieu-quoc-hoi-trao-quyen-chu-dong-tuyen-dung-giao-vien-cho-nganh-giao-duc-4044280-b.html

Vũ Ninh