Cơ sở duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển khó tuyển GV tiến sĩ đúng ngành

30/08/2023 06:24
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Người học TS ngành Giới ở nước ngoài về nhưng lại thích làm việc ở các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ vì đãi ngộ cao hơn so với đi dạy học.

Giới và Phát triển là ngành khoa học liên ngành, cung cấp kiến thức và kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới, hiểu rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Giới và Phát triển (mã ngành: 7310399) có thể làm cán bộ chuyên viên trong hệ thống các tổ chức chính trị, tổ chức phi chính phủ, trung tâm bảo trợ xã hội, giảng dạy, nghiên cứu viên về giới trong các viện và trường đại học.

Hiện nay cả nước có duy nhất Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo ngành Giới và Phát triển. Bên cạnh thuận lợi, học viện cũng có những khó khăn nhất định trong các vấn đề như: tuyển dụng giảng viên, thu hút sinh viên và xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, Khoa được thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2015, hiện Khoa có 200 sinh viên. Khoa có 12 giảng viên, trong đó có 4 giảng viên trình độ tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh và 1 thạc sĩ đúng chuyên ngành Giới và Phát triển, còn lại là tiến sĩ chuyên ngành gần.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về những thuận lợi, cô Hiền cho biết, Khoa được sự quan tâm, tạo cơ chế phát triển từ học viện và cơ quan chủ quản Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tiêu chí của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phù hợp với đào tạo nguồn nhân lực ngành Giới và Phát triển. Ở Việt Nam có Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình,... tạo hành lang pháp lý để Khoa Giới và Phát triển thực hiện xây dựng chương trình đào tạo, góp phần đưa luật, chính sách đi vào cuộc sống.

Nói về ngành Giới và Phát triển, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Duy Luận - nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: "Ngành Giới và Phát triển ngày càng có tầm quan trọng trong tương lai, ở đâu có con người, ở đó có những vấn đề giới. Khi chúng ta phát triển đi lên, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề giới và xã hội. Theo sự phát triển của đất nước, nhu cầu việc làm và hoạt động về giới sẽ ngành càng tăng lên".

Còn Tiến sĩ Vũ Phương Ly - Chuyên gia đào tạo về Giới tại Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) cho rằng: "Giới và Phát triển là ngành Khoa học xã hội vô cùng quan trọng đối với sự phát triển. Tôi cho rằng hiện nay đối với nhu cầu và mong muốn đóng góp vào thực tiễn cũng như quá trình xây dựng chính sách, Việt Nam còn thiếu rất nhiều nhân lực về giới và phát triển".

Theo cô Hiền, công tác tuyển sinh ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam có nhiều thuận lợi. Tính từ năm 2015, Khoa đào tạo được 7 khóa sinh viên (mỗi khóa từ 40-80 chỉ tiêu). Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch COVID-19, Khoa giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Sau đó, khóa tuyển sinh năm 2022, Khoa có tổng 60 chỉ tiêu. Năm 2023, Khoa chưa thống kê được số lượng sinh viên nhập học vì chưa hết hạn thời gian nhập học theo quy định của Bộ.

Nhiều khó khăn do là đơn vị duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển

Do là đơn vị duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển nên bên cạnh tiềm năng phát triển, cô Hiền chỉ ra khó khăn trong quá trình hoạt động của Khoa.

Thứ nhất, điển hình là việc tuyển dụng và giữ chân giảng viên của Khoa gặp nhiều hạn chế. Nguyên nhân do số lượng tiến sĩ ngành học này trong nước không có; hoặc có người học tiến sĩ ngành Giới ở nước ngoài trở về nhưng lại làm việc ở các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ với chế độ đãi ngộ cao hơn so với đi dạy học.

Thứ hai, ở các địa phương vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhận thức về bình đẳng giới chưa tốt nên hạn chế về số lượng thí sinh đăng ký vào học ngành Giới và Phát triển.

Thứ ba, Giới và Phát triển là chuyên ngành hẹp nên sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn nhất định trong tìm kiếm việc làm. Theo cô Hiền, sinh viên ngành Giới và Phát triển bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vì trong thông báo tuyển dụng các vị trí việc làm ở các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều không có mã ngành này.

Chủ động khắc phục những khó khăn trên, cô Hiền cho biết, để cải thiện số lượng và chất lượng đầu vào, Khoa tích cực đẩy mạnh công tác tuyển sinh, quảng bá ngành học để phụ huynh, học sinh, xã hội biết nhiều hơn về ngành học.

Trong đó, đối với sinh viên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khoa kết nối với các tổ chức phi chính phủ để mang những dự án về cho sinh viên thực hiện, từ đó huy động sức trẻ của thanh niên trong thúc đẩy bình đẳng giới. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, Khoa định hướng tổ chức các hoạt động thiết thực để sinh viên tham gia phục vụ cộng đồng với chủ để hữu ích như: phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, tổ chức chuyên đề phân biệt giới và giới tính cho cộng đồng dân tộc thiểu số,...

“Khi sinh viên tốt nghiệp đại học, Khoa có giấy giới thiệu về sinh viên để gửi cho các địa phương. Ngoài ra, Khoa cũng kiến nghị với các tổ chức đoàn thể, tỉnh ủy trên khắp tỉnh thành đề xuất đưa mã ngành Giới và Phát triển vào chuyên ngành trong tuyển dụng”, cô Hiền chia sẻ.

Sinh viên ngành Giới và Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam trong tiết học. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên ngành Giới và Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam trong tiết học. (Ảnh: NVCC).

Về chương trình học, cô Hiền nói cứ 2 năm Khoa chỉnh sửa chương trình để đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tiễn dựa trên ý kiến người học và người sử dụng lao động. Qua những lần cập nhật, hiện Khoa có 5 phiên bản sửa đổi chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, tiệm cận với nhu cầu thị trường, người học, thay đổi phương pháp giảng dạy giúp việc tiếp cận kiến thức gần hơn với thực tiễn (bao gồm phiên bản năm 2015, 2017, 2019, 2021, 2023).

Để xây dựng đội ngũ giảng viên, Khoa có chính sách “chiêu mộ” nhân lực. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng nhân lực trình độ tiến sĩ cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn; tạo điều kiện để giảng viên trình độ thạc sĩ đi làm nghiên cứu sinh. Ngoài tuyển dụng, Khoa mời tiến sĩ ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ để về làm việc.

Khoa chưa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Giới và Phát triển. Với khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2019 có 4 sinh viên đang học thạc sĩ ngành Giới và Phát triển ở nước ngoài để tạo nguồn giảng viên cho Khoa.

“Trong công tác tuyển dụng giảng viên, do không có ứng viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành Giới và Phát triển, Khoa ưu tiên tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ chuyên ngành gần như: ngành Xã hội học, ngành Tâm lý học. Bởi, giảng viên ngành Xã hội học và ngành Tâm lý học đều đã được nghiên cứu về lĩnh vực giới, phát triển, trẻ em, phụ nữ, quyền lợi con người... trong quá trình học, thực hiện các chương trình, dự án quốc tế, dự án của tổ chức phi chính phủ. Do đó, họ có kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực giới, phát triển.

Bên cạnh đó, Khoa tạo nguồn sinh viên có thành tích tốt giành được học bổng du học thạc sĩ, tiến sĩ ngành Giới và Phát triển ở nước ngoài”

_Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền_

Đề cập đến những kiến nghị, cô Hiền cho rằng, ngành Giới và Phát triển là ngành học không chỉ có những kiến thức “sát sườn” với quyền con người, mà còn có giới trong biến đổi khí hậu, giới trong bảo vệ môi trường, giới trong chính trị (huy động sự tham gia của cả nam và nữ vào hệ thống chính trị), giới trong kinh tế, giới trong an sinh xã hội,...

“Giới và Phát triển là chuyên ngành hẹp nhưng lại liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì vậy, Khoa mong muốn có nhiều vị trí việc làm tuyển dụng cử nhân ngành Giới và Phát triển. Đồng thời, có nhiều nhân lực trình độ cao ngành Giới và Phát triển làm việc trong các lĩnh vực đa dạng để vấn đề giới được lồng ghép, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội bền vững”, cô Hiền mong muốn.

Ngọc Mai