Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã có những phát biểu chỉ đạo nhiều vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục trong đó có vấn đề học phí, sách giáo khoa.
Một trong 10 đầu việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra đối với ngành giáo dục trong năm học 2022-2023 là: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn để có đủ giáo viên, trường, lớp để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của Bộ.[1]
Ảnh minh họa - A.N |
Học sinh trung học cơ sở có thể miễn học phí từ năm 2022-2023?
Năm học này, khi bắt đầu áp dụng Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí thì dự kiến học phí các cấp phổ thông, đại học sẽ tăng cao.
Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo về nghiên cứu, xem xét học phí theo lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/7 vừa qua cũng đề xuất giữ nguyên học phí mầm non, phổ thông như năm 2021-2022, miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Cũng tại phiên họp này, Phó Thủ tướng cho rằng, khi phát triển đi lên, giá dịch vụ giáo dục phải tăng mới đảm bảo chất lượng.
“Chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục như các nước thu nhập đầu người 40.000 USD/năm khi giá dịch vụ giáo dục không tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, phần này là cần thiết cho các cơ sở giáo dục, tức là các trường để đảm bảo chất lượng giáo dục” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cần phải phân biệt, học phí tức là tiền phụ huynh học sinh phải đóng ở giáo dục phổ thông thì theo hướng không tăng, thậm chí là phải thực hiện giảm, rồi miễn. Hiện ở bậc tiểu học, chúng ta đã miễn học phí. Chất lượng giáo dục tăng thì giá dịch vụ giáo dục phải tăng là đương nhiên, tất nhiên là theo hướng tiết kiệm.
"Đối với học phí ở bậc phổ thông, tinh thần là không tăng, cố gắng giảm nhanh và tiến tới miễn học phí nhanh hơn lộ trình nếu có thể" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ. [2]
Trước đó, ngày 8/8, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 236/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí phổ thông và sách giáo khoa.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thống nhất có ý kiến như sau:
“1. Về việc đề xuất ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh lộ trình và một số nội dung quy định liên quan về học phí: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát để xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan, địa phương đã được quy định và không đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các Bộ, địa phương và cơ quan có liên quan để thống nhất và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, quyết định; bảo đảm kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và quy định của pháp luật…”[3]
Hiện nay, một số nơi cũng đã dựa vào ngân sách địa phương có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh phổ thông.
Với những động thái mới nhất từ Chính phủ và các cấp, các ngành trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hy vọng ngay trong năm học 2022-2023 học sinh cấp trung học cơ sở sẽ được miễn học phí, học phí bậc mầm non, trung học phổ thông sẽ không tăng và sẽ có lộ trình miễn giảm trong năm học này, sớm hơn lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Sẽ dùng tiền ngân sách mua sách giáo khoa và cho học sinh mượn từ năm học 2022-2023?
Cũng tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, phát biểu tại Hội nghị về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Bộ trưởng cho biết: “Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023.”[4]
Với những động thái mới nhất này, hy vọng phụ huynh sẽ không còn phải chật vật tìm mua những quyển sách giáo khoa vô cùng vất vả như hiện nay.
Học sinh nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được mượn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục, khi sử dụng cẩn thận và cuối năm trả lại cho thư viện, học sinh khóa sau sẽ tiếp tục được mượn những quyển sách trên, hạn chế tình trạng sách giáo khoa dùng 1 lần rồi bỏ vô cùng bức xúc hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://doanhnghiepthuonghieu.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-10-dau-viec-cu-the-doi-voi-nganh-giao-duc-can-lam-1622699557-p41330.html
[2] https://laodong.vn/giao-duc/tien-toi-mien-giam-hoc-phi-pho-thong-nhanh-hon-lo-trinh-de-ra-1080296.ldo
[3] https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-2-pho-thu-tuong-ve-hoc-phi-va-sach-giao-khoa-102220809115726514.htm
[4] http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-sinh-duoc-muon-sgk-ngay-tu-nam-hoc-2022-2023-20220812100439062.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.