Mừng vì đề xuất miễn học phí nhưng lo các khoản phụ thu sẽ "rình rập" tăng

15/07/2022 06:52
Hải Phượng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng trước đề xuất miễn học phí, cũng có không ít những bậc phụ huynh cảm thấy lo ngại vì nguy cơ nhiều khoản phụ thu khác tăng.

Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con đang theo học trung học cơ sở tỏ ra vui mừng.

Chị Đặng Tuyết Mai (52 tuổi, Thái Bình) là phụ huynh có 2 con đang theo học trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Dù vẫn biết đây mới chỉ là đề xuất nhưng tôi cảm thấy rất vui. Học phí 1 năm của các con không nhiều, nếu ở thành phố thì vài trăm nghìn đồng tiền học phí chẳng đáng bao nhiêu nhưng với gia đình tôi có 2 đứa con tuổi sát nhau (một cháu lớp 8, một cháu lớp 6) thì lại là câu chuyện khác".

"Nếu học phí được miễn, tôi có thể dùng số tiền đó mua thêm quyển vở, cái bút cho các con hay mua thêm đàn gà, đàn vịt nuôi lớn để bán kiếm đồng ra đồng vào thì kinh tế gia đình cũng phần nào bớt khó khăn”, chị Mai tâm sự.

Cũng đồng tình với vấn đề này, chị Đào Thị Hương (40 tuổi, Hưng Yên) hy vọng đề xuất sẽ sớm được thông qua.

“Đề xuất miễn học phí thực sự giúp tôi “dễ thở” hơn khi đứng trước hàng loạt những thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa, tăng mức học phí khi năm học mới đang cận kề. Tôi thấy đề xuất này thực sự là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em độ tuổi ăn học.

Số tiền miễn học phí đối với một học sinh có thể không lớn nhưng sẽ làm giảm gánh nặng đối với người có thu nhập thấp, những gia đình có điều kiện kinh tế còn khó khăn đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành suốt 2 năm qua, tôi thấy đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất nhân văn”, chị Hương nói.

Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tông Quai, Hưng Hà, Thái Bình. (Ảnh: Cao Việt Hà)

Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tông Quai, Hưng Hà, Thái Bình. (Ảnh: Cao Việt Hà)

Có thể coi việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở như một cây cầu nối cho cơ hội học tập của nhiều học sinh đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa.

Miễn học phí có xảy ra hiện tượng lạm thu?

Đan xen giữa niềm vui khi con em mình sắp tới sẽ được miễn học phí, không ít phụ huynh lo lắng nhà trường sẽ lại “vẽ” ra nhiều khoản thu khác.

Trước những lo ngại này, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thừa nhận rằng, mức học phí không đáng là bao so với các khoản thu như tự nguyện, phụ phí ở nhiều trường hiện nay.

“Việc thu phụ phí cần phải có sự quy định của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo thì mới có thể hạn chế được. Tình trạng thu quá nhiều phụ phí trong trường theo tôi đó là một trong những biểu hiện của việc buông lỏng quản lí, lạm dụng từ xã hội hóa để bắt phụ huynh đóng quá nhiều các khoản thu vô lí”, Phó Giáo sư Nhĩ bày tỏ.

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, cần có sự giám sát, quy định của các cơ quan quản lí tránh tình trạng để các trường tùy tiện muốn thu gì thì thu như hiện nay. Thầy Nhĩ cũng cho rằng các cơ quan quản lí giáo dục từ Bộ, Sở rồi Phòng Giáo dục và Đào tạo cần phải có quy định cụ thể cái gì được thu, cái gì không được thu, nếu được thu thì mức thu bao nhiêu... cần phải có quy định rõ ràng tránh nhập nhèm giữa các khoản thu, chi.

Theo đó, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đồng tình với việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở sẽ tạo điều kiện cho con em tất cả mọi miền đều có thể được đi học.

“Nước mình kinh tế còn khó khăn nên đề xuất miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở là điều đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên nhà nước cũng cần xem xét tùy điều kiện để có lộ trình miễn rõ ràng như thời gian bao lâu, vùng nào khó khăn, dân tộc nào còn khó khăn trong việc tiếp cận con chữ hay những người có chế độ chính sách thì ta ưu tiên miễn trước”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các trường có thể khó khăn hơn nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng. Vấn đề quản lý lạm thu là việc của ngành giáo dục.

Để ngăn chặn lạm thu, toàn xã hội phải cùng tham gia, nhất là các bậc phụ huynh phải giám sát thu, chi, khi phát hiện ra các khoản bất hợp lý cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục, các địa phương cũng cần quy định rõ mức thu, kể cả các khoản tự nguyện để hạn chế tối đa tình trạng lạm thu vào mỗi dịp đầu năm học mới.

Hải Phượng