Thêm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường thì có thêm phòng làm việc, phụ cấp không?

20/03/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vai trò của Hội đồng trường chưa được thể hiện tốt bởi việc này liên quan đến các văn bản pháp quy, hệ thống cơ chế chính sách đãi ngộ...chưa được cụ thể chi tiết

“Cấp học phổ thông cần có Hội đồng trường, đây là một tổ chức mang tầm bao quát chiến lược về mọi mặt của giáo dục. Nhưng thời gian qua, tôi thấy mọi hoạt động chưa được rõ nét, vai trò của Hội đồng trường chưa được thể hiện bởi việc này liên quan đến các văn bản pháp quy, hệ thống cơ chế chính sách đãi ngộ liên quan, việc quy định các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ,…chưa được cụ thể chi tiết để giúp cho hội đồng hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy đúng với vai trò đặt ra.

Ngay trong dự thảo mới nhất, đưa chủ tịch Hội đồng trường thành vị trí lãnh đạo quản lí trong mỗi nhà trường, nhưng theo tôi vấn đề này phải nghiên cứu một cách kĩ lưỡng hơn nữa. Nếu sự phối hợp một cách tốt đẹp thì không vấn đề gì, còn nếu ngược lại nó trở thành một “rào cản” cho mọi sự phát triển của một nhà trường.

Việc điều hành trong nhà trường thì hiệu trưởng quyết định, nhưng nếu Chủ tịch Hội đồng trường cũng là người hiệu trưởng đó thì rõ ràng việc quyết định vẫn từ hiệu trưởng mà thôi, như vậy hiển nhiên vai trò của Hội đồng trường sẽ mờ nhạt”, nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Khi phóng viên giả định, trong trường hợp nếu giáo viên giữ cương vị là Chủ tịch Hội đồng trường thì thầy Nhâm nhận định: “Mọi hoạt động trong nhà trường đều do hiệu trưởng điều hành, giáo viên là cấp dưới thì hiển nhiên là phải theo sự chỉ đạo của hiệu trưởng, chứ làm sao “chỉ đạo” được hiệu trưởng. Như vậy câu chuyện sẽ rất phức tạp.

Theo tôi nên có một cơ chế giám sát, giúp Hội đồng trường huy động các nguồn lực, định hướng đi lớn cho mỗi nhà trường, và làm sao phải thay đổi tư duy, tư tưởng, cách nghĩ để không có sự phân biệt ai “to” hơn ai, việc này ở hệ thống trường tư thục rõ ràng hơn với Hội đồng quản trị, nhưng ở đây Hội đồng trường lại không bỏ tiền vào đầu tư.

Vậy nên việc này cần phải hài hòa, Hội đồng trường đại diện cho chủ sở hữu về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, các chiến lược nhà trường,…Từ đó đưa ra các nghị quyết định hướng phát triển, và hiệu trưởng cũng chỉ là một thành viên trong đó. Nhưng tôi thấy trong dự thảo còn thiếu, ví dụ: vị trí của Chủ tịch Hội đồng trường kiêm nhiệm ra sao, chế độ phụ cấp thế nào, nếu giáo viên là chủ tịch thì việc tính quy đổi giờ thế nào,…việc này tôi chưa thấy quy định, và nếu thêm một vị trí Chủ tịch Hội đồng trường thì có thêm phòng làm việc và phụ cấp hay không?

Mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Chi bộ Đảng của nhà trường sẽ như thế nào cũng chưa thấy quy định. Hiện nay trong các trường phổ thông thì hiệu trưởng làm theo các nghị quyết của Chi bộ, nếu có thêm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường thì khi đó hiệu trưởng sẽ làm theo bên nào? Đồng thời, cũng cần có quy định rõ thêm Chủ tịch Hội đồng trường có được ký, đóng dấu các văn bản hay không?

Hiệu trưởng có nên đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường? Thầy Nhâm nêu quan điểm: “Nên tách ra thành hai nếu không sẽ có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” bởi có thế nào cũng là người hiệu trưởng thực hiện mọi kế hoạch. Biểu quyết của các thành viên sẽ “nghiêng” theo hiệu trưởng, đây là điều không tránh khỏi.

Hơn nữa, tiêu chí để chọn Chủ tịch Hội đồng trường vẫn chưa thật cụ thể, phải là người thế nào thì cũng chưa thấy hướng dẫn quy định rõ? Nhưng theo tôi phải là người có tư cách đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, hiểu rất sâu về giáo dục, ngoài ra phải am hiểu về cách quản trị một hệ thống nhà trường. Chủ tịch Hội đồng trường là người bên trong, hoặc bên ngoài nhà trường đều được, nhưng cần phải đưa ra một hệ thống lựa chọn tiêu chuẩn cho vị trí này”.

Cần song song trách nhiệm giải trình và quyền tự chủ

Theo thầy Nhâm: “Trường Công lập tự chủ tài chính như chúng tôi cũng có đặc thù riêng nên rất cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Hội đồng trường. Ngoài ra về cơ chế nhiệm kì đối với các trường tự chủ tài chính cũng rất cần các cấp lãnh đạo nghiên cứu kĩ, nhiệm kì thông thường bổ nhiệm hiệu trưởng là 5 năm, nếu người hiệu trưởng đó không làm tốt, không hiệu quả, và 51% thành viên Hội đồng trường bỏ phiếu bất tín nhiệm thì người hiệu trưởng đó sẽ nghỉ việc, chứ không cần phải hết nhiệm kì 5 năm. Trong 5 năm một hiệu trưởng, hoặc phó hiệu trưởng không có năng lực điều hành thì đã làm hỏng ngôi trường rồi.

Nhưng ngược lại, nếu có những hiệu trưởng làm tốt, nắm vững và triển khai có hiệu quả các định hướng phát triển nhà trường thì thậm chí có thể kéo dài thêm thời gian công tác của họ trên cương vị đó, bởi trong môi trường giáo dục để xây dựng một nhà trường có chất lượng cao thì thời gian 10 năm là quá ít. Vấn đề ở đây là phải song song trách nhiệm giải trình và quyền tự chủ, người làm tốt có thể làm lâu hơn, và nếu không làm tốt sẽ phải nghỉ trước thời hạn. Việc này cần đưa thêm vào chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường.

Thành phần tham gia Hội đồng trường có thêm đại diện học sinh, đại diện cha mẹ học sinh, mặc dù 2 thành phần này không hiểu nhiều về nhà trường, nhưng đây là 2 kênh phản biện thông tin. Ảnh minh họa.

Thành phần tham gia Hội đồng trường có thêm đại diện học sinh, đại diện cha mẹ học sinh, mặc dù 2 thành phần này không hiểu nhiều về nhà trường, nhưng đây là 2 kênh phản biện thông tin. Ảnh minh họa.

Về các thành phần tham gia Hội đồng trường, tôi thấy như quy định hiện này đã khá đầy đủ, nhưng có thể thêm vào đó một số cán bộ có năng lực ở địa phương, ở trong ngành, hoặc thêm các chuyên gia về quản trị, chuyên gia về giáo dục. Tuy nhiên, khi đã mời những người này làm việc thì cần có hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế chính sách,… chứ không thể cứ mời họ vào nhưng không có chế độ đãi ngộ. Đã gắn trách nhiệm thì cũng phải đi kèm với quyền lợi, như vậy thì công việc mới hiệu quả, còn không sẽ rất khó duy trì.

Việc có thêm đại diện cha mẹ học sinh, học sinh trong thành viên Hội đồng trường, theo tôi như vậy hàng năm chắc chắn sẽ có sự kiện toàn lại nhân sự.

Thứ nhất, cha mẹ học sinh có con mới vào lớp 10, nhà trường còn chưa biết rõ nên rất cần tìm hiểu họ có đảm nhận được vị trí đó hay không, đến lúc tìm hiểu được rõ ràng thì các con đã lên lớp 11, và mới tham gia được 1 năm các con ra trường, và như vậy thì sự gắn kết sẽ rất khó bởi học sinh không còn học tại trường.

Thứ hai, đại diện học sinh, hay cha mẹ các em cũng vậy thôi, nếu thực sự họ có năng lực, có tâm huyết với sự phát triển của nhà trường thì thậm chí cựu phụ huynh hoặc cựu học sinh vẫn có thể tham gia, nhưng câu chuyện ở đây vẫn liên quan đến hệ thống chính sách, họ phải được bình đẳng với các thành viên khác, có quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng thì mới duy trì được công việc lâu dài”.

Có ý kiến cho rằng có mô hình Hội đồng trường trường công lập sẽ kiểm soát được các khoản thu xã hội hóa, giảm việc lạm thu trong nhà trường? Thầy Nhâm chia sẻ: “Chức năng của Hội đồng trường cũng có giám sát, việc thu chi cũng chỉ là một trong những nội dung giám sát đó. Còn việc có giảm được lạm thu hay không thì tôi cũng không thấy có nhiều sự “liên quan” ở đây. Còn đối với những trường tự chủ tài chính như chúng tôi, các khoản thu đều nằm trong học phí và được công khai, cha mẹ học sinh đều biết và nắm rõ trước khi quyết định cho con em mình vào trường nên học sinh không phải đóng góp gì thêm, còn ở các trường khác tôi không dám chắc việc này”.

Chủ tịch Hội đồng trường nên là vị trí riêng biệt?

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với thầy N.A.H – Trưởng phòng Giáo dục một quận tại Phú Thọ, thầy H nói: “Nếu so sánh sẽ thấy Hội đồng quản trị trong các trường tư thục khỏe và mạnh hơn rất nhiều so với Hội đồng trường trong các trường phổ thông công lập, đây là một thực tế bởi Hội đồng quản trị ở các trường tư thục là những người góp vốn tạo dựng nên ngôi trường đó, đồng thời quyết sách mọi vấn đề, định hướng phát triển giáo dục,…nên tính quyết đáp và thực quyền rất cao.

Tôi đã trải nghiệm và nhận thấy từ Hội đồng trường đại học đến Hội đồng trường phổ thông là tính chất quyền lực đã thay đổi. Hội đồng trường đại học có tính quyết đáp, có quyền lực cao hơn bởi Chủ tịch Hội đồng trường đại học là vị trí việc làm chuyên biệt, không kiêm nhiệm và được hưởng hệ số 1 phẩy bằng với hệ số phụ cấp của hiệu trưởng, hơn nữa chủ tịch kiêm luôn Bí thư Đảng ủy, quyết định mọi phương hướng hoạt động, nhân sự, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu nhập đãi ngộ giảng viên,... Có thể nói hội đồng này quyết định sự sống còn của nhà trường”.

Theo thầy Nhâm: "Cần tăng thêm chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường, và cần quy định một cách chi tiết cụ thể". Ảnh minh họa.
Theo thầy Nhâm: "Cần tăng thêm chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường, và cần quy định một cách chi tiết cụ thể". Ảnh minh họa.

Theo thầy N.A.H : “Ở cấp học phổ thông, Hội đồng trường vẫn rộng hơn bởi có nhiều thành phần tham gia, đặc biệt có thêm đại diện cha mẹ học sinh, và học sinh mặc dù 2 thành phần này không hiểu nhiều về nhà trường, nhưng đây là 2 kênh phản biện thông tin.

Hội đồng trường phổ thông công lập với sự tham gia của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phường đối với cấp Trung học cơ sở trở xuống, với Trung học phổ thông là cấp Phòng quản lí nhà nước về giáo dục, hoặc nội vụ, nhưng điều quan trọng nhất nòng cốt vẫn là tổ chuyên môn của nhà trường, hiệu trưởng và ban giám hiệu xây dựng một phương án đưa ra để các thành viên thảo luận, trên cơ sở đó Hội đồng trường đưa ra nghị quyết, hiệu trưởng, ban giám hiệu triển khai thực hiện. Nhưng như vậy mọi chuyện vẫn “trùng vai”.

Trong giai đoạn quá độ, chúng ta đang phát huy tính dân chủ trong trường học thì rõ ràng sự xuất hiện vai trò của Hội đồng trường là rất tốt, là phản biện, là định hướng chiến lược. Định kì 6 tháng hội đồng sẽ họp kiểm điểm lại nội dung thực hiện đến đâu, đã làm được những gì…bắt buộc phải giải trình, và quyền lực của hiệu trưởng bị kiểm soát trước tập thể, đây là điều quan trọng của kiểm soát quyền lực nên ít nhiều hiệu trưởng cũng phải điều chỉnh hành vi của mình".

"Tuy nhiên, hạn chế của Chủ tịch Hội đồng trường dù là ai đi nữa lại vẫn hưởng lương của chính cơ sở giáo dục đó, vậy nên có đôi khi tính phản biện bị “yếu”, mặc dù được tập thể nhà trường bầu ra nhưng vẫn chịu sự chi phối của hiệu trưởng.

Theo tôi, Chủ tịch Hội đồng trường nên là vị trí riêng biệt không hưởng lương từ hiệu trưởng, lúc đó sự phản biện sẽ tốt hơn”, thầy N.A.H nhận định.

Tùng Dương