Có trường áp dụng nhiều phương thức chỉ với mục đích tuyển đủ chỉ tiêu

19/12/2022 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không để thời gian cho thí sinh thay đổi nguyện vọng quá nhiều và công tác xét tuyển sớm cần được tổ chức lại để thuận lợi hơn cho các trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, không hiệu quả có thể gây nhiễu hệ thống, khó khăn cho thí sinh.

Đồng thời, xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Trường nên chọn 2-3 phương thức xét tuyển

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ về công tác tuyển sinh của trường trong năm 2022. Đặc biệt, tới đây, năm 2023, về cơ bản, Trường Đại học Nông Lâm vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm trước.

“Kỳ tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Nông Lâm sử dụng 3 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông và xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Những ngày qua, dư luận bàn nhiều thông tin tinh giản những phương thức xét tuyển kém hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác tuyển sinh nói riêng và cho ngành giáo dục đại học nói chung. Song, việc lựa chọn hay loại bỏ phương thức xét tuyển nào cũng phải xem xét nhiều yếu tố để tạo khách quan, công bằng và tránh vụ lợi cho một số thí sinh, trường đại học.

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết, năm 2022, trong cả 3 phương thức tuyển sinh, thì phương thức xét tuyển dựa vào điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có duy nhất 1 thí sinh trúng tuyển vào trường. Do vậy, rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh trước, năm 2023, nhà trường về cơ bản sẽ giữ ổn định 2 phương thức xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông và xét tuyển dựa vào điểm học bạ trung học phổ thông. Đây cũng là 2 phương thức chiếm chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất của trường từ trước đến nay.

“Không thể phủ nhận việc tổ chức đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ mang lại những thuận lợi. Tuy nhiên, điều này cũng tạo những khó khăn đối với thí sinh và cơ sở đào tạo. Cụ thể, người học sẽ có lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, tăng cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau.

Về mặt khách quan, mỗi phương thức xét tuyển đều có ưu và nhược điểm riêng. Do vậy, mỗi cơ sở giáo dục đại học nên chọn 2-3 phương thức xét tuyển phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của nhà trường", Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Về xem xét không thực hiện xét tuyển sinh sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho rằng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến, khác biệt so với những năm trước. Tuy nhiên, điểm hạn chế là cơ sở đào tạo sẽ không chủ động trong xây dựng thời gian khi xét tuyển theo các phương thức khác, cũng như việc xác định điểm trúng tuyển các phương thức này.

“Năm tuyển sinh 2022, trường áp dụng hình thức tuyển sinh sớm. Kết quả đã có 40 thí sinh trúng tuyển. Những thí sinh này phần lớn đã tốt nghiệp từ những năm học trước và đăng ký xét tuyển sớm theo kết quả điểm học tập bậc trung học phổ thông để có cơ hội đi học đại học”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm.

Xét điểm năng khiếu rất cần cho các trường đặc thù

Một chuyên viên làm công tác tuyển sinh của trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, trường vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng Đề án tuyển sinh năm 2023. Dự kiến, nhà trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm trước, nhất là phương thức kết hợp sử dụng điểm thi năng khiếu.

“Với đặc thù trường đào tạo chuyên nghiệp về nghệ thuật, sử dụng hình thức xét tuyển sớm có ý nghĩa rất lớn. Trong quá trình xét tuyển sớm, trường sẽ tiến hành tổ chức thi năng khiếu cho thí sinh. Như vậy, sẽ đảm bảo được tiến độ tuyển sinh chung của cả nước.

Ví dụ, đối với ngành múa, hát của trường, việc sử dụng hình thức xét tuyển sớm sẽ:

Thứ nhất, là cơ sở để nhà trường khảo sát nhu cầu cũng như kiểm tra năng khiếu của thí sinh. Từ đó, giúp trường dự báo được số lượng thí sinh có khả năng trúng tuyển vào trường.

Thứ hai, kết quả từ xét tuyển sớm cũng giúp cho thí sinh định hình bản thân có phù hợp với ngành nghề đặc thù hay không dựa trên số điểm, lời khuyên từ ban khảo thí. Đồng thời, giúp nhà trường có phương án khác trong quá trình tuyển sinh.

Thứ ba, hạn chế được tình trạng trường phải tổ chức kỳ thi riêng sau này, gây tốn thời gian, tài chính cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh.

Đối với các trường đào tạo ngành đặc thù nghệ thuật, việc xét tuyển sớm và sử dụng phương thức xét điểm thi năng khiếu là điều kiện để chọn lọc được thí sinh thực sự tài năng, thí sinh đỡ mất thời gian ôn thi vào trường.

Các ngành múa, hát được xác định là các ngành đặc thù. Trường luôn ưu tiên những thí sinh nào có khả năng theo đuổi, phát triển ngành học này hơn là những thí sinh thi đại học được điểm cao nhưng năng khiếu hạn chế. Song, để trúng tuyển vào trường thì điều kiện bắt buộc là thí sinh phải đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm 2023, trường có thể sẽ xem xét lựa chọn phương thức xét tuyển dựa vào điểm học bạ trung học phổ thông và điểm thi năng khiếu”.

Xác định phương thức xét tuyển nào không đảm bảo công bằng cho thí sinh là rất khó

Cùng trao đổi thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo thầy Lý, việc đa dạng các phương thức xét tuyển song song với việc Bộ cho phép các trường được tự chủ trong xác định phương án tuyển sinh là một thuận lợi, tiến bộ và phù hợp với thực tiễn của công tác tuyển sinh ở các trường.

"Trong thời gian qua, với nhiều phương thức tuyển sinh, thí sinh có thể dễ dàng lựa chọn phương thức nào phù hợp nhất để có kết quả như mong muốn, đồng thời giảm tải áp lực lên các kỳ thi đối với thí sinh, phụ huynh và xã hội. Ngoài ra, các trường tùy vào điều kiện thực tế, yêu cầu đánh giá đầu vào và chương trình đào tạo để lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất, hạn chế tình trạng trúng tuyển ngành thí sinh không phù hợp hoặc ngành đào tạo tuyển được thí sinh không phù hợp sẽ gây lãng phí cho cả thí sinh, gia đình, nhà trường và xã hội", Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, việc mở quá nhiều phương thức cũng gây những bất lợi cho thí sinh và cả công tác quản lý.

Cụ thể, thí sinh dễ bị rối và khó xác định được phương thức nào, trường nào là chính, chủ đạo trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực, sở trường. Một bộ phận thí sinh sẽ chọn "đại" một ngành/trường có phương thức xét tuyển dễ trúng tuyển nhất để đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển đại học cao. Ngược lại có một số trường áp dụng rất nhiều phương thức chỉ với mục đích tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này đi ngược lại mục đích ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cũng không phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu của xã hội.

Để xác định phương thức nào không đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh là rất khó. Theo thầy Lý, ngoài các phương thức truyền thống và được đa số các cơ sở giáo dục đại học sử dụng như: xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (xét học bạ), xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thì có một số trường sử dụng các phương thức khác. Để đánh giá hiệu quả, công bằng của phương thức khác này cần chính các cơ sở đã áp dụng phương thức đó lên tiếng và đánh giá.

"Tôi đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn là với hơn 20 phương thức xét tuyển là quá nhiều. Bộ cần cân nhắc điều chỉnh, giới hạn một số phương thức được nhiều trường sử dụng và đánh giá đúng, trúng hiệu quả của các phương thức “lạ” hoặc các tổ hợp môn xét tuyển “lạ” về tính phù hợp với chương trình đào tạo, yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào của tuyển sinh đại học.

Hiện nay, theo tôi những phương thức được đánh giá cao, đa số các trường sử dụng như xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế, xét kết quả thi đánh giá năng lực do các Đại học quốc gia tổ chức hàng năm, xét kết quả học tập bậc trung học phổ thông (xét học bạ) và đặc biệt xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đang mang lại hiệu quả tốt, đảm bảo tính khách quan, công bằng và thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường", tiến sĩ chia sẻ.

Công tác tuyển sinh đang đi đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông lệ quốc tế

"Năm 2023, nếu có điều chỉnh, theo tôi, điều chỉnh về mặt thời gian biểu là phù hợp, không để thời gian cho thí sinh thay đổi nguyện vọng quá nhiều và công tác xét tuyển sớm cần được tổ chức lại để thuận lợi hơn cho các trường", Tiến sĩ Trần Đình Lý nêu ý kiến.

Được biết, năm 2022, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 4 phương thức xét tuyển là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Các phương thức xét tuyển trên phù hợp và đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của trường.

Để công tác tuyển sinh năm 2023 thuận lợi hơn, Tiến sĩ Trần Đình Lý nêu đề xuất:

Một là, Bộ cần có thông tin sớm về quy chế tuyển sinh, có điều chỉnh hay không điều chỉnh, điều chỉnh theo hướng nào cần phải thông báo cụ thể và rõ ràng để thí sinh cũng như các trường được biết.

Hai là, thời gian biểu cho công tác tuyển sinh cần điều chỉnh hợp lý hơn, các tổ hợp môn xét tuyển, phương thức tuyển sinh cần được quản lý chặt chẽ hơn.

Ba là, có quy định giới hạn các phương thức xét tuyển. Mặc dù công tác tuyển sinh được giao cho các trường tự chủ nhưng không có nghĩa các trường “muốn làm gì thì làm”, Bộ cần có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn các phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc một trường, các phương thức tuyển sinh mới, tổ hợp môn lạ cần phải yêu cầu trường đó giải trình cụ thể, công khai trên các phương tiện truyền thông trước thời điểm thực hiện xét tuyển ít nhất 3 – 6 tháng để xã hội giám sát và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý mới được triển khai.

Có thể bài toán trúng tuyển ảo lặp lại nếu không thực hiện xét tuyển sớm

Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện xét tuyển sớm và cập nhật kết quả xét tuyển lên cổng thông tin chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc làm này mục đích là để giảm tỷ lệ trúng tuyển ảo cho các trường và đảm bảo các trường không tuyển vượt quá chỉ tiêu đã xác định.

Chia sẻ về thực hiện xét tuyển sớm, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, mục đích là giảm tỷ lệ trúng tuyển ảo đã phần nào được thực hiện khi tất cả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển đã được cập nhật lên hệ thống nhưng thí sinh vẫn còn cơ hội thay đổi phương thức xét tuyển nên thực tế vẫn còn một tỷ lệ nhỏ trúng tuyển ảo vì phút cuối thí sinh lại thay đổi nguyện vọng, phương thức.

"Một khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện xét tuyển sớm như năm 2022 là một số thí sinh vì thiếu thông tin, nghĩ rằng mình đã đủ điều kiện trúng tuyển là trúng tuyển nên không đăng ký lại thông tin xét tuyển hệ thống dẫn đến thí sinh lại trượt đại học và các trường cũng như Bộ phải xử lý kỹ thuật cho nhiều trường hợp như vậy.

Ngoài ra, việc đóng tiền lệ phí xét tuyển cũng chưa thật sự tạo thuận lợi cho một số thí sinh, phụ huynh trong quá xét tuyển nên Bộ đã phải nhiều lần điều chỉnh thời gian mở cổng thông tin và chỉ đạo các trường xét tuyển cho cả những trường hợp chưa kịp đóng tiền lệ phí. Từ mục đích ban đầu tốt đẹp, trong quá trình triển khai với các vướng mắc về kỹ thuật đã vô tình làm cơ sở đào tạo lúng túng, mất quyền tự chủ trong tuyển sinh và đẩy áp lực xét tuyển về các cán bộ kỹ thuật của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Thí sinh phải thực hiện rất nhiều thao tác, quy trình kỹ thuật nên dễ dẫn đến sai sót và điều chỉnh, cũng như một số thí sinh thực hiện không hết các quy trình nên đã bị trượt đại học oan uổng vì cứ nghĩ mình đủ điều kiện trúng tuyển là đã trúng tuyển rồi", Tiến sĩ Lý cho biết.

Hiệu quả mang lại lớn nhất của các phương thức xét tuyển sớm và cập nhật lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo là trường xác định được một tỷ lệ khá chắc các thí sinh đã trúng tuyển và đăng ký lại trên hệ thống với ngành đủ điều kiện trúng tuyển và nguyện vọng 1. Tuy nhiên, trong các phương thức xét tuyển thì phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn có tỷ lệ cao nhất và đây là phương thức quan trọng nhất trong công tác xét tuyển của trường. Việc không thực hiện xét tuyển sớm và cập nhật lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể bài toán trúng tuyển ảo lại lặp lại.

"Chúng ta đã gặp phải tình trạng trúng tuyển ảo từ rất lâu và vẫn chưa tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho công tác tuyển sinh khi giải quyết vấn đề này. Nếu không có xét tuyển sớm và cập nhật lên hệ thống, các trường phải gọi trúng tuyển với một tỷ lệ cao hơn chỉ tiêu để đề phòng trúng tuyển ảo và như vậy dễ làm vỡ kế hoạch tuyển sinh với chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành đã được xác định từ trước.

Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký cùng lúc nhiều phương thức khác nhau và đủ điều kiện trúng tuyển nhiều phương thức nhưng lại không xác định rõ ràng là mình sẽ học ngành nào với phương thức nào cũng là một điều khó khăn cho chính thí sinh và cơ sở đào tạo khi xét tuyển.

Mặt khác, một số trường có thể sẽ yêu cầu xác nhận nhập học sớm để “giữ chỗ” và điều này vô tình giảm đi cơ hội được lựa chọn ngành/trường phù hợp của thí sinh đồng thời vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo", Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ thêm.

Có thể thấy, những lưu ý điều chỉnh mang tính chất quyết định của ngành giáo dục đang là tâm điểm chú ý của các trường, thí sinh và phụ huynh. Trước những yêu cầu thay đổi, các trường chưa chính thức xây dựng phương án tuyển sinh năm 2023 vì chưa có hướng dẫn cụ thể về quy chế tuyển sinh mới. Dù thí sinh, phụ huynh mong chờ có quy chế tuyển sinh năm 2023 nhưng việc trường đại học xây dựng lúc này sẽ dễ “việt vị” vì chưa có hướng dẫn chung.

Mong muốn của các trường là Bộ sớm ban hành quy chế tuyển sinh để các trường đại học có căn cứ xây dựng Đề án tuyển sinh 2023, tránh xảy ra tình trạng phải điều chỉnh sau này khi phát sinh những thay đổi. Các văn bản hướng dẫn ban hành càng sớm thì giúp các cơ sở đào tạo càng đỡ rối, thí sinh yên tâm và có định hướng lựa chọn hình thức, phương thức xét tuyển đại học phù hợp với khả năng của bản thân.

Ngọc Mai