Ngày 5/9/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Đa phần giáo viên mua giáo án để nộp, ai mua để dạy không xứng làm Thầy!” của tác giả Ngân Chi phỏng vấn thầy Nguyễn Văn Khánh (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) với một số nội dung khá thú vị.
Về cơ bản, chúng tôi thống nhất với với những chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Khánh về tình trạng bán- mua giáo án hiện nay và những áp lực về hồ sơ sổ sách mà các cấp quản lý đang đè nặng lên vai mỗi người thầy ở các trường phổ thông.
Vì sao có tình trạng một bộ phận giáo viên phải mua giáo án?
Thực tế thì đang có nhiều thầy cô giáo đã và đang mua- xin- tải miễn phí giáo án nhằm chuẩn bị cho năm học mới với cả 2 mục đích là kết hợp cả “nộp” và “dạy”. Đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022 này với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhiều nơi, giáo viên chỉ được tập huấn trực tuyến 1 buổi về sách giáo khoa để dạy chương trình mới
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội có nhiều nhóm giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 được lập ra với nhiều mục đích khác nhau như hỗ trợ, chia sẻ và có cả bán mua giáo án với nhau, mỗi trang có từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên.
Giáo án lớp 6 đang được bán nhiều nhất trên mạng xã hội. Ảnh: L.V.M |
Và, chúng tôi nhìn thấy trong các nhóm này có cả một số thầy cô là tác giả chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa cũng có mặt trong các nhóm này và họ cũng thường xuyên chia sẻ một số bài viết lên các trang mà họ tham gia.
Chuyện giáo viên đăng tin bán, hỏi mua giáo án trong mỗi nhóm hiện nay có rất nhiều và bên cạnh đó có nhiều giáo án được đăng lên để đồng nghiệp tải miễn phí và tất nhiên một số thầy cô là tác giả chương trình môn học, sách giáo khoa có mặt trong các nhóm này biết rất rõ về thực trạng này.
Nhưng, vì sao giáo viên lại phải mua, xin hay tải giáo án từ các trang mạng xã hội như vậy? Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là giáo viên chưa hiểu được tường tận, thấu đáo về chương trình, sách giáo khoa mới.
Chẳng hạn, ở cấp Trung học cơ sở năm nay thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 thì để chuẩn bị cho việc giảng dạy, giáo viên được tập huấn trực tuyến 3/9 module ở năm học trước. Ngoài ra, giáo viên bộ môn dạy lớp 6 ở nhiều tỉnh chỉ được tập huấn thêm 1 buổi về sách giáo khoa mới với nhà xuất bản bộ sách mà trường mình sẽ dạy.
Với chừng ấy thời gian, có lẽ phần nhiều giáo viên chưa thể tường tận được những “tinh hoa”, những nội dung cốt lõi ở chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi, một thực tế mà ai cũng thấy là việc tập huấn trực tuyến có chất lượng không cao, không đồng đều giữa các giáo viên với nhau.
Có người chủ động tập huấn một cách kĩ lưỡng nhưng cũng có nhiều người tập huấn cho hết nội dung, thậm chí có người còn thuê người khác tập huấn thay vì có những module được mở vào lúc sắp và đang diễn ra kiểm tra học kỳ. Thực trạng này đã có một số bài viết phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ở thời điểm diễn ra tập huấn trực tuyến.
Hơn nữa, đến thời điểm này- khi mà năm học mới đã được Khai giảng và từ ngày 6/9 thì nhiều địa phương bước vào thực học nhưng sách giáo khoa, sách giáo viên lớp 6 ở nhiều nơi vẫn chưa có. Thầy và trò chỉ có thể tiếp cận, đọc sách điện tử mà thôi.
Vì thế, chuyện bán- mua giáo án trên mạng xã hội đang diễn ra sôi động cũng là một lẽ hiển nhiên theo quy luật cung cầu, mặc dù nó trái với tinh thần của chương trình mới. Dù ai cũng thấy chạnh lòng nhưng thực tế thì nó là như vậy nhưng giáo viên đáng được cảm thông hơn là đáng trách…
Áp lực hồ sơ sổ sách theo Công văn 5512 đã chính thức bắt đầu
Thời điểm này, các trường học đã triển khai một số nhiệm vụ cơ bản trong năm hoc 2021- 2022 và trong đó có quy định một số kế hoạch, hồ sơ sổ sách đến các giáo viên trong nhà trường.
Đối với khối Trung học cơ sở thì các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện 4 kế hoạch theo 4 phụ lục đã được hướng dẫn trong Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 18/12/2020.
Giáo viên lớp 6 thì thực hiện theo phụ lục 3, 4 của Công văn 5512 và khuyến khích giáo viên thực hiện kế hoạch bài dạy đối với các khối lớp còn lại theo hướng dẫn của Công văn 5512.
Sở, phòng đã gửi mẫu kế hoạch theo 4 phụ lục về các nhà trường và yêu cầu giáo viên thực hiện. Về cơ bản, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương yêu cầu giáo viên thực hiện giống những gì mà Công văn 5512 đã hướng dẫn trong các phụ lục.
Nặng nề về hình thức, máy móc về cách thực hiện nên lãnh đạo sở, phòng cũng nhấn mạnh đến từng đề mục nhỏ nhất theo từng hoạt động dạy học và các đề mục của các kế hoạch giáo dục. Giáo viên không thể làm khác được- cho dù có những mục cứ phải lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
Chẳng hạn, đối với tổ trưởng chuyên môn cấp Trung học cơ sở đã thực hiện phụ lục 1 có phần phân phối chương trình đã nêu mục tiêu cần đạt cho mỗi bài học, mỗi chủ đề của cả 4 khối lớp, thì phụ lục 2 cũng lặp lại một số mục tiêu cần đạt ở các hoạt động giáo dục.
Sang phụ lục 3 cũng lặp lại tên bài học, tên chủ đề mà bản thân sẽ dạy đối với khối lớp được phân công. Giáo viên phải liệt kê thời điểm, địa điểm dạy học trong khi thời điểm đã có thời khóa biểu, địa điểm đã có phòng học cụ thể.
Nếu có hoạt động ngoại khóa thì sẽ có kế hoạch riêng rồi thì mỗi tiết có cần thiết phải liệt kê phòng học số mấy, thời điểm tuần mấy hay không khi phân phối chương trình của phụ lục 1 đã ghi cụ thể.
Đến kế hoạch bài dạy lại tiếp tục liệt kê mục tiêu cần đạt đối với từng bài dạy, từng hoạt động của bài học. Rồi trong 4 hoạt động dạy học phải liệt kê cụ thể: mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện đều răm rắp.
Ngoài ra, các thầy cô tổ trưởng còn phải thực hiện thêm vô số kế hoạch như kế hoạch dạy trực tuyến, quản lý dạy học trực tuyến, quay lại video bài dạy để làm minh chứng- dù giáo án word và giáo án PowerPoint đã có sẵn…
Một đồng nghiệp của chúng tôi dạy môn Ngữ văn hiện là tổ trưởng chuyên môn của một trường Trung học cơ sở chia sẻ rằng năm nay thầy được phân công dạy 2 lớp 6 và 2 lớp 9 trong học kỳ I.
Lớp 6 thì hoàn toàn mới, lớp 9 cũng được Bộ triển khai dạy theo hướng phát triển phẩm chất năng lực nên việc đầu tư giáo án là rất lớn. Mỗi tuần phải soạn 9 tiết giáo án cho 2 khối lớp.
Dạy trực tuyến nên phải soạn giáo án Word để lưu và giáo án PowerPoint cho tiện lợi khi dạy trực tuyến cho học trò nên áp lực rất kinh khủng. Cả chục ngày qua đang bắt tay vào làm các kế hoạch theo phụ lục 1, 2, 3 đã quá đuối sức, cộng thêm chuẩn bị cho 9 giáo án cho mỗi tuần để từ ngày 6/9 sẽ dạy chính thức.
Ngoài ra, còn có vô số những kế hoạch, báo cáo đầu năm học cho Ban giám hiệu nhà trường.
Với chừng ấy công việc thì phải đầu tư làm các kế hoạch giáo dục theo phụ lục 1, 2, 3 trước để nộp cho Ban giám hiệu và chuyển đến giáo viên trong tổ, việc soạn giáo án dạy trực tuyến thì chỉ soạn khi có thể bố trí được thời gian mà thôi.
Nếu tới đây, gấp quá làm không kịp thì chắc lên mạng xã hội tải giáo án về chỉnh sửa để giảng dạy chứ cả ngày ngồi soạn giáo án Word và giáo án PowerPoint theo Công văn 5512 cũng không kịp chứ nói gì đến chuyện lên lớp và làm các kế hoạch khác..
Các thầy viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa cho biết: “Chương trình đã rất “mở”, cho phép giáo viên dùng nhiều phương pháp để học trò tiếp cận với nội dung kiến thức, không nên áp giáo viên vào những trang giáo án “khuôn mẫu” nhưng các cấp lãnh đạo ngành giáo dục lại “đóng” theo khuôn mẫu.
Mẫu các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512 được thống nhất từ Bộ xuống đến nhà trường thì giáo viên làm sao có đất để “mở” và sáng tạo?
Có lẽ chừng nào còn thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 thì các kế hoạch của giáo viên sẽ còn “đồng phục” và chuyện bán mua giáo án sẽ còn nhộn nhịp….ít nhất là cho đến khi thực hiện cuốn chiếu xong chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2024-2025 tới đây.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.