Đáng lẽ, chúng tôi không muốn đề cập đến chủ đề Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH nữa vì trong thời gian qua trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết phân tích khá kĩ lưỡng ở nhiều khía cạnh khác nhau về chủ đề này.
Tuy nhiên, sau khi Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH vào ngày 23/ 6/2021 thì một số địa phương đã có những chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường thực hiện các kế hoạch giáo dục trong năm học tới đây lại khác xa với chỉ đạo của Bộ.
Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH chỉ yêu cầu thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ở lớp 6, các lớp còn lại vẫn thực hiện các kế hoạch như trước đây, các phụ lục trong Công văn 5512 dùng để tham khảo.
Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn. |
Nhưng, một số Sở, Phòng đã chỉ đạo nhà trường thực hiện 4 kế hoạch theo 4 phụ phục của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH và thực hiện các kế hoạch đối với tất cả cả các khối chứ không riêng gì lớp 6. Vì thế, giáo viên chúng tôi chẳng biết kêu ai bây giờ.
Bộ hướng dẫn thực hiện các kế hoạch theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH kiểu…nước đôi
Trước nhiều ý kiến không đồng tình về việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH nên ngày 23/6/2021 vừa qua thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH nhằm hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cho năm học tới đây.
Trong đó, yêu cầu đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022 như sau: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);
Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".
Mặc dù Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)” nhưng Bộ lại không sửa, không điều chỉnh Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH một chữ nào.
Trong khi, tại mục 2- Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (Phần II) của Công văn 5512 lại hướng dẫn như sau:
“Căn cứ vào kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học đã được Hiệu trưởng quyết định, các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, bao gồm Kế hoạch dạy học các môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1) và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (theo Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Phụ lục 2)”.
Đến mục 3- Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì Công văn 5512 hướng dẫn:
“Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3);
Trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học….”.
Ngay sau khi Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH được ban hành, giáo viên dưới cơ sở vẫn còn chưa đồng tình vì cách chỉ đạo qua loa, không rõ ràng vì Công văn 2613 thì nói các phụ lục trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH dùng “để tham khảo” nhưng Công văn số 5512 thì yêu cầu các nhà trường và giáo viên thực hiện theo các mẫu phụ lục này.
Với cách hướng dẫn, chỉ đạo nước đôi của lãnh đạo Bộ khiến cho cơ sở hiểu như thế nào cũng…đều đúng và cũng đều sai.
Nhưng, giáo viên không phải là người quyết định chuyện đúng hay sai và quyết định việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512 mà cơ quan chỉ đạo là Phòng Giáo dục Trung học và lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xuống.
Sở, Phòng chỉ đạo làm 4 kế hoạch giáo dục theo phụ lục của Công văn số 5512
Nội dung Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH của Bộ thì hướng dẫn chỉ thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ở lớp 6, các lớp còn lại vẫn thực hiện như những hướng dẫn trước đây.
Thế nhưng, Sở, Phòng nơi chúng tôi đang công tác thì họ không chỉ đạo như vậy. Họ không chỉ đạo kiểu “nước đôi” như Bộ và họ hướng dẫn chúng tôi làm “nước một” thôi.
Văn bản của Sở Giáo dục ban hành, hướng dẫn trước, văn bản của Phòng Giáo dục ban hành, hướng dẫn sau và giáo viên chúng tôi sẽ chính thức thực hiện các loại kế hoạch giáo dục theo kể từ năm học 2021- 2022 tới đây.
Những thầy cô làm công tác kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn thì làm cả 4 kế hoạch giáo dục, những thầy cô chỉ dạy lớp thì làm 2 kết hoạch theo phụ lục 3 và 4 của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Trong đó, Sở, Phòng nhấn mạnh rằng mỗi hoạt động giáo dục phải lập kế hoạch cụ thể, bao gồm các thành phần cơ bản sau: mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, chương trình tổ chức hoạt động, tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động đối với các đối tượng tham gia, thời gian và địa điểm tổ chức, nguồn lực được huy động để tổ chức thực hiện.
Điều ngao ngán nhất là mục nào, hoạt động nào cũng yêu cầu “nêu cụ thể; nêu rõ cách thức thực hiện” nên từ nay sẽ có nhiều thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn sẽ phải soạn và in hàng ngàn trang giáo án và những thầy cô làm tổ trưởng thì còn phải soạn và in thêm hàng trăm trang cho các kế hoạch chuyên môn nữa.
Giáo viên chúng tôi cứ ngỡ sau khi có Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH thì chỉ thực hiện các kế hoạch giáo dục ở lớp 6 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ mà thôi…
Thế nhưng, kể từ năm học tới đây, giáo viên chính thức “sống chung” với các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH- một Công văn mà kể từ khi ra đời cho đến nay luôn tạo ra những luồng “tâm tư” trong đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Chỉ tiếc, lãnh đạo Bộ đã không đứng về nguyện vọng của đại đa số nhà giáo, không có những điều chỉnh nội dung Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH nên ban hành xong thì mỗi nơi chỉ đạo làm mỗi kiểu khác nhau.
Bộ, Sở cứ hô hào giảm áp lực sổ sách cho giáo viên nhưng cuối cùng thì không phải vậy, chỉ có “ti vi nói” hay thỉnh thoảng nghe một vài vị lãnh đạo Bộ “khuấy động phong trào” trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi đâu cũng vào đấy.
Áp lực về hồ sơ, sổ sách, in ấn giấy tờ hàng ngày của đội ngũ nhà giáo và các nhà trường ngày một nhiều hơn khi năm học mới đang cận kề.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.