Cõng yêu thương lên đại ngàn

27/07/2020 06:35
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những cơn sốt rét rừng đã từng đưa một số thầy giáo mãi mãi phiêu diêu trong cõi vĩnh hằng, để trang giáo án dừng lại dở dang giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tiếng gió rít khẽ qua thành xe, lẫn vào tiếng gió ấy là tiếng cười ríu rít, tiếng ê a của những cô cậu học trò đang học những bài học cuối cùng của năm học. Một vài ngày nữa thôi, các em lại về với núi, về với những triền nương để nghỉ hè…

Các thầy cô giáo sẽ tạm xa những điểm trường trên những mỏm đồi gió rít.

Giới thiệu những điểm trường từ các địa bàn các xã của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thầy Nguyễn Học Hiền (cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa) hồ hởi: “Để được như ngày hôm nay, các thầy cô, các em học sinh ở Hướng Hóa như đã trải qua một giấc mơ dài về những ngày gian khó”.

Trên hành trình đi đếm điểm trường Măng Sông (xã Ba Tầng), thầy Hiển bảo, thật khó mà hình dung vào những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, các trường lớp trên địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn gần như 100% tranh tre nứa lá, mơ gì đến nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên.

Thầy Nguyễn Ngọc Hiển- Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa trong một lần đi trao quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Ngọc Hiển- Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Hướng Hóa trong một lần đi trao quà cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Trong câu chuyện của thầy Hiển, giáo dục của Hướng Hóa những năm gian khó ấy như môt câu chuyện huyền thoại mà các thầy cô giáo đã trải qua.

Vào mùa hạ thì lồng lộng gió núi mưa rừng; mùa đông thì “gió mùa đông quặp” cứ vô tư đùa giỡn đến tím tái da thịt của thầy và trò.

Bàn ghế giáo viên, bàn ghế học sinh tất cả cũng từ tre, nứa ghép lại; lớp nào sang mới có những tấm bìa gỗ làm bàn, làm ghế, vì thế cho nên con chữ lên non cứ gập ghềnh bao năm trường là vậy.

Nhớ lại đời sống giáo viên khi ấy, thầy Hiển kể: Chợ không có (người Vân Kiều và Pa Kô vốn không có khái niệm về mua bán như bây giờ), muốn mua gì, cần gì đều phải lặn lội vài ngày xuống dưới xuôi.

Thực đơn thường nhật của giáo viên quẩn quanh đu đủ kho muối rồi lại muối kho… đu đủ.

Còn ở những vùng khó hơn thì rau măng hàng tháng trời, vì vậy mới có thơ than: “Mở mắt thấy đồi. Mở nồi thấy muối”.

Được cái bà con thương thầy cô giáo lắm, nên có rau, có sắn, có chuối đều chia phần cho, đi săn được con chim, con thú gì, bao giờ cũng có một phần chia cho các thầy cô cải thiện.

Tốt nghiệp đại học sư phạm Huế năm 1986, khi còn là một chàng trai trẻ, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Hiển đã tạm xa bục giảng, tham gia mặt trận Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Ông Cời của các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Ông Cời của các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Rời mặt trận hôm trước là hôm sau chàng thanh niên trẻ ấy đã ba lô trên vai với hành trang chủ yếu là sách và sách, rong ruổi chặng đường dài đến với Hướng Hóa bằng cả tấm lòng lòng nhiệt huyết của những chiến sĩ đi trồng người trên quê hương những người con mang họ Hồ của Bác.

Anh lính ấy bắt đầu vào cuộc chiến mới, một sự nghiệp mới, khó khăn, vinh quang mà cao cả, sự nghiệp gieo chữ giữa đại ngàn.

Các thầy cô giáo lên với điểm trường theo cách của những người lính hành quân ra trận, ngày đi đêm nghỉ, những chiều vắng lội qua suối hay mờ sáng trên đỉnh đèo, còn nghe tiếng hổ gầm xa xa, đàn cá mát chạy quay dòng lạnh buốt…

Huyện Hướng Hóa nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyện vùng cao Hướng Hóa là cửa ngõ của miền Tây Quảng Trị. Đồng bào Vân Kiều và Pa Kô nơi đây chất phác giản dị mà giàu lòng hiếu học.

Nhưng do hậu quả của chiến tranh, của một số hủ tục lạc hậu, do điều kiện kinh tế khó khăn nên một bộ phận nhân dân và trẻ em một thời gian dài không được học hành.

Đó chính là thách thức lớn nhất của những người làm giáo dục, nhưng thầy cô đi gieo chữ giữa đại ngàn.

Từ anh lính vừa rời mặt trận, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Hiển trở thành thầy giáo dạy Lịch Sử của trường Trung học cơ sở Tân Niên.

Năm 1993, sau những năm đứng bục giảng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiển lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa làm công tác tham mưu.

Cũng từ công việc mới, thầy Hiển có cơ hội đi khắp các trường của Hướng Hóa, cùng bàn tay, khối óc và trái tim người lính góp phần đổi thay giáo dục, ươm mầm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Suốt cả chuyến đi, thầy Hiển ít nói về mình, thầy nói về đồng nghiệp, nói về những đổi thay trên những ngôi trường ở Hướng Hóa, nhất là những lớp học đã được nhà nước quan tâm, những nhà hảo tâm, những quỹ từ thiện… góp công xây dựng..

Anh lính ngày xưa ấy giờ đã thành ông Cời, biệt danh mà những đứa trẻ, ở những điểm trường, đến bây giờ nghe tới cái tên vẫn còn thấy xa xôi: Hướng Lập, Pa Tầng, Hướng Sơn, A Vao, Pa Nang, Tà Rụt…đặt cho thầy Hiển.

Những lớp học nứa lá xưa nay đã được thay thế bằng những ngôi trường khang trang. Ảnh: LC

Những lớp học nứa lá xưa nay đã được thay thế bằng những ngôi trường khang trang. Ảnh: LC

Ở điểm trường nào chúng tôi đến, thầy Hiển cũng gặp lại người thân, hỏi thăm và kể về những ngày gian khó của cả thầy cô giáo.

Những nơi mà gần 30 năm trước, những hạt giống mầm xanh đầu tiên của ngành giáo dục Quảng Trị được gieo trên những vách nứa lá của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Nhắc lại câu chuyện cũ, thầy Hiển khắc khoải, “những năm ấy, đã ở Hướng Hóa ai mà không được “thăng hoa” và nếm vị “ngọt” của sốt rét một vài lần?

Sốt làm cho người xanh xao, vàng vọt, sốt cao đưa ta bay bổng chín tầng không, vi vu theo tiếng sáo diều ảo tưởng; rồi bất thình lình giáng xuống chơi vơi, ê ẩm tấm thân gầy; sốt làm cho tuổi thanh xuân với đi vài phân, sốt làm cho tóc rụng hàng trăm sợi.

Có thầy cô đang giữa bục giảng chợt lên cơn sốt, nhưng vẫn cố gồng mình lên để dạy hết bài giảng, hay chí ít để các em học sinh không hoảng sợ.

Có người, bệnh nặng sức yếu lại ăn uống thiếu thốn, cũng không gồng được…

Những cơn sốt rét rừng đã đưa một vài đồng nghiệp của chúng tôi mãi mãi phiêu diêu trong cõi vĩnh hằng, để trang giáo án dừng lại dở dang giữa đại ngàn Trường Sơn này…”

Những ngày tháng gian khó ấy cũng qua đi cùng với sự vượt khó vươn lên của ngành giáo dục, các thầy cô giáo và bà con nhân dân.

Các trường học của Hướng Hóa giờ đây đã được cứng hóa 100%, những quả ngọt mà những giáo viên năm xưa bước chân vào Hướng Hóa có nằm mơ cũng không thấy được.

Dù ở tuổi băm nhưng ông Cời vẫn cõng yêu thương đến từng điểm trường trên khắp đại ngàn Trường Sơn. Ảnh: LC

Dù ở tuổi băm nhưng ông Cời vẫn cõng yêu thương đến từng điểm trường trên khắp đại ngàn Trường Sơn. Ảnh: LC

Có kết quả ấy, thầy Hiển cho rằng: “Nhờ vận động và tầm nhìn của những người quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách “ba cùng”- cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc đã giúp giáo dục đã có nhiều đổi thay… cả xã hội cũng đã chung tay xây dựng giáo dục ngày càng một tốt hơn, góp phần thay đổi tương lai cho các con”.

Dù đã vào tuổi băm, nhưng thầy Hiển – ông Cời của những đứa trẻ vẫn ngày ngày chuyển tình thương từ khắp miền Tổ quốc đến từng bàn làng của Hướng Hóa, những tấm áo quần, những phần qua khi khó…

Nói về phần mình, thầy Hiển chỉ bảo cũng may nhiều năm làm công tác tham mưu cho lãnh đạo nên thầy có điều kiện cõng yêu thương của các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền Tổ Quốc lên ngàn Trường Sơn cho các em.

Trần Phương