Sau bài viết: “Chưa có bằng thạc sĩ giáo viên bị tụt hạng, Bộ Giáo dục nói gì?” của tác giả Thùy Linh đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm của giáo viên, nhất là nhiều giáo viên có nguy cơ tụt hạng trong đợt xếp lương mới này.
Nếu tụt hạng thì lương mới sẽ xếp ra sao? Có văn bản nào quy định chưa? Đó là những câu hỏi nhận được sự quan tâm của giáo viên cả nước.
Nội dung bài viết nêu một số ý kiến giáo viên cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng I tại Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, để đảm bảo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng I thì phải có bằng thạc sĩ trở lên.
Quy định này đang làm phát sinh một số vướng mắc như giáo viên trước đây được thăng hạng I vào thời điểm chưa có Thông tư 03 mà không có bằng thạc sĩ thì xuống hạng II.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cho rằng, trường hợp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) và giáo viên vẫn được bảo đảm về chế độ, chính sách hiện hưởng.
Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Đây là trường hợp xuống hạng mà giữ nguyên hệ số lương thì cơ bản không thay đổi, nhưng trong các Thông tư mới vẫn có các trường hợp xuống hạng mà hệ số lương bị giảm, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định sẽ căn cứ quy định nào để xếp lương giáo viên họ?
Việc tăng hạng, tăng hệ số lương đã được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 02/2007/BNV, tuy nhiên trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tôi chưa tìm thấy có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc xuống hạng, tụt hạng giảm hệ số lương.
(Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn) |
Các trường hợp phải xuống hạng giữ nguyên hệ số lương
Chùm Thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nêu trên quy định một số trường hợp phải “xuống hạng” giữ nguyên hệ số lương như sau:
Đối với giáo viên tiểu học: Giáo viên tiểu học hạng II mã số V.07.03.07 (có hệ số lương 2,34 – 4,98) chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28 (có hệ số lương 4,0 đến 4,98) thì được bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.03.29 (có hệ số lương 2,34 – 4,98) đến khi đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28 thì bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.03.28 mà không phải thăng hạng;
Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V.07.04.11 (có hệ số lương 2,34 đến 4,98) chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.04.31 (có hệ số lương 4,0 đến 6,38) thì được bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.04.32 (có hệ số lương 2,34 đến 4,98) cho đến khi đạt chuẩn hạng II mã số V.07.04.31 thì bổ nhiệm lên hạng II mã số V.07.04.31 mà không phải thăng hạng;
Giáo viên trung học cơ sở hạng I mã số V.07.04.10 (có hệ số lương 4,0- 6,38) chưa đạt chuẩn của hạng I mã số V.07.04.30 (có hệ số lương 4,4- 6,78) thì bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.04.31 (có hệ số lương 4,0 – 6,38) cho đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm lên hạng I mã số V.07.04.30 mà không phải thăng hạng.
Như vậy, có 3 trường hợp sẽ giữ hạng thấp hơn hạng hiện hưởng, xuống hạng nhưng về hệ số lương, lương là không thay đổi.
Trường hợp xuống hạng giảm hệ số lương
Đối với giáo viên mầm non: Trường hợp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) có hệ số lương từ 2,34 – 4,98 do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.02.25) có hệ số lương 2,34 – 4,98 nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) có hệ số lương 2,1 đến 4,89 theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.02.25) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Các trường hợp có thể giảm hạng, giảm hệ số lương
Đối với giáo viên trung học cơ sở đang giữ giáo viên trung học cơ sở hạng I hiện nay có hệ số lương 4,0 – 6,38 nếu không đáp ứng hạng I mới thì chuyển xuống hạng II có hệ số lương tương đương. Vậy nếu giáo viên trung học cơ sở đó không đáp ứng cả tiêu chuẩn hạng II thì sẽ giải quyết như thế nào?
Ví dụ giáo viên trung học cơ sở đang là giáo viên trung học cơ sở hạng I có hệ số lương từ 4,0 – 6,38 nhưng chưa có bằng thạc sĩ thì phải xuống hạng II, tuy nhiên khi xếp vào hạng II thì giáo viên trên không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II hoặc thiếu 1 số tiêu chuẩn nào đó của giáo viên hạng II thì có phải xuống tiếp một bậc nữa, phải xếp vào hạng III có hệ số 2,34 - 4,98 không?
Đối với giáo viên trung học phổ thông đang giữ hạng I, II nếu không đáp ứng tiêu chuẩn của hạng I, II thì việc chuyển xếp lương sẽ ra sao?
Chưa có quy định nào về xuống hạng giảm hệ số lương
Việc chuyển ngạch thay đổi chức danh nghề nghiệp tại chùm các Thông tư trên đều quy định thực hiện việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Nội dung cụ thể: “1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức mục II quy định cụ thể như sau
a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. [...]
Bên cạnh đó tại Nghị định 115/2020/NĐCP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng không có bất kỳ quy định nào nói về việc xuống hạng mà bị giảm hệ số lương.
Như vậy, có thể thấy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tôi không tìm thấy có bất kỳ quy định nào về việc xuống hạng bị giảm hệ số lương, sẽ xếp lương như thế nào như các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tài liệu tham khảo:
[1] Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT
[2] Thông tư 02/2007/TT-BNV
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chua-co-bang-thac-si-giao-vien-bi-tut-hang-bo-giao-duc-noi-gi-post221123.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.