Bài toán thiếu giáo viên là vấn đề “nóng” của nhiều địa phương trước thềm năm học mới 2022-2023. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giải pháp đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP đối với các trường sư phạm lại không có nhiều địa phương “mặn mà”.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, một vài năm trở lại đây nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên của tỉnh Đồng Nai càng ngày càng ít đi nên trường cũng đang gặp khó khăn trong đào tạo sư phạm.
“Năm nay là năm thứ 2 triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Đồng Nai chưa nhận được đơn đặt hàng nào của các địa phương. Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm của trường vẫn chủ yếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Nguồn: TTXVN |
Năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành đào tạo sư phạm khá ít. Ví dụ như ngành Sư phạm Vật lý lúc đầu chỉ có 9 chỉ tiêu, không đủ mở lớp. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng thêm chỉ tiêu ngành này cho trường thành 15 chỉ tiêu.
Trong đề án tuyển sinh của trường, có 2 ngành 15 chỉ tiêu là ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Lịch sử. Số lượng 15 chỉ tiêu/ngành là khá ít nhưng đã đảm bảo đủ mở lớp học”, Tiến sĩ Lê Anh Đức nói.
Lý giải nguyên nhân nhiều địa phương vẫn còn “dè dặt” trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho rằng, có thể các địa phương chưa thống kê được đầy đủ toàn bộ người học sư phạm của tỉnh đi học ở các trường thuộc tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, nhiều em ở tỉnh Đồng Nai có nhu cầu học ngành sư phạm thì các em có thể lựa chọn theo học ở Trường Đại học Đồng Nai hoặc một số các trường lân cận có đào tạo ngành này như Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh,...
Địa phương phải nắm được số liệu cụ thể đấy thì họ mới có thể ký hợp đồng đặt hàng đào tạo giáo viên với từng nhà trường.
“Các địa phương cần có bức tranh tổng thể về nhu cầu giáo viên để xuất phát từ nhu cầu đó đặt hàng với các trường sư phạm hoặc giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo.
Vừa rồi, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Chính sách này một phần giải quyết đầu ra cho sinh viên theo học khối ngành sư phạm, đồng thời cũng là một cơ hội, động lực giúp cải thiện đầu vào khối ngành này”, Tiến sĩ Lê Anh Đức bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho hay, lúc đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng về sau một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm Công nghệ, tuy nhiên ngành học này nhà trường không mở. Như vậy, năm 2021, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng.
“Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vẫn đang đào tạo giáo viên sư phạm theo nhu cầu xã hội và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí. Chúng tôi chưa nhận được đặt hàng đào tạo của các địa phương cho năm học này.
Việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 là giải quyết vấn đề tuyển dụng giáo viên của 4 năm sau. Theo tôi, vấn đề đặt hàng đào tạo cần đồng bộ với các quy định về tuyển dụng và sử dụng, phân công công tác cho người học sư phạm sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này chưa được thống nhất và chưa có hướng giải quyết rõ ràng thì các địa phương vẫn còn dè dặt trong việc đặt hàng đào tạo”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC |
Theo Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế mới đây giúp các địa phương có cơ sở để mạnh dạn đăng ký nhu cầu giáo viên của các năm sau, từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm thông tin giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm.
“Đây là thông tin hết sức tích cực và đáng mừng đối với các nhà quản lý giáo dục, giáo viên hợp đồng, sinh viên sư phạm và các thí sinh dự định đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm trong thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều môn học còn thiếu giáo viên như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học,...
Điều này cũng tác động nhiều tới các trường đào tạo giáo viên. Nhiều trường sẽ được giao thêm chỉ tiêu đào tạo theo năng lực của mình (trong những năm qua các trường thường được giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm dưới mức năng lực đào tạo). Đối với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), thông tin bổ sung biên chế sẽ giúp nhà trường tuyển chọn được các thí sinh giỏi, giúp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu của nhà trường”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nói.