Xưa ông cha ta có câu: “cha làm thầy, con đốt sách” để nói về hình ảnh những người thầy gương mẫu, được mọi người kính trọng nhưng con cái mình lại hư hỏng, phá phách.
Tuy nhiên, ngày nay có một số thầy cô lại tự mình “đốt sách”, tự làm hoen ố hình ảnh của mình và làm liên lụy đến hình ảnh người thầy đang công tác trong ngành giáo dục.
Những người thầy như vậy ngày nay không hiếm bởi sự việc này chưa qua, sự việc khác lại tới. Hình ảnh của người thầy vì thế mà đã có lúc không còn được trọn vẹn như trước nữa.
Mỗi người thầy phải thực sự là một tấm gương trước học trò (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Bạo lực với học trò
Chưa bao giờ, những hình ảnh xấu xí về người thầy lại xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ. Một số thầy cô không giữ được bình tĩnh trong quá trình giảng dạy ở trên lớp mà dẫn đến bạo lực với học trò.
Những cái tát, những cây thước hằn lên thân thể học trò không chỉ thể hiện sự bất lực của người thầy mà nó còn thể hiện những hành động phi giáo dục.
Rất nhiều những thầy cô bị kỷ luật, bị đuổi khỏi ngành nhưng tình trạng bạo lực với học trò vẫn chưa được chặn lại.
Vẫn biết một bộ phận học sinh ngày nay ngỗ ngược, nhiều em được cha mẹ cưng chiều, bênh vực. Nhưng, thiếu gì biện pháp giáo dục, thiếu gì cách để người thầy dạy trò mà phải dùng bạo lực?
Áp dụng hình phạt bạo lực với trò thì chính người thầy tự đẩy mình đến bức tường bởi xét cả về lý, về tình thì thời nay người thầy không được dùng bạo lực với học trò.
Tham gia vào đường dây chạy điểm
Sự việc nhiều lãnh đạo, giáo viên ngành giáo dục Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang tham gia sửa điểm cho 222 thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở các địa phương này khiến cho dư luận bất bình.
Bất bình ở chỗ khi bản thân những thầy cô này được phân công làm nhiệm vụ chấm thi, vào điểm cho một kỳ thi quốc gia, đồng nghĩa là mình được cấp trên tin tưởng.
Phụ huynh và thí sinh hy vọng, trông chờ vào sự công tâm, khách quan của người thầy để kỳ thi đảm bảo sự công bằng cho mọi thí sinh.
Nhưng, vì hám lợi, vì đồng tiền và có thể do cơ hội, cả nể, sợ sệt cấp trên nên đã thông đồng, tuân thủ lệnh của một ai đó mà bất chấp tất cả.
Trong khi, hàng ngày thì thầy cô không chỉ dạy học trò về tri thức và còn dạy học trò về lòng trung thực, nhân ái, tôn trọng lẽ phải…
Vậy nhưng, họ đã tự giẫm nát những trang giáo án của mình để làm điều phi pháp. Tiếc thay, trong số họ có người đang trực tiếp giảng dạy, có người đang là lãnh đạo ngành, là trưởng các phòng ban của ngành giáo dục địa phương.
Danh dự mất, công việc mất, vết nhơ về nhân cách theo bám họ suốt cả cuộc đời. Giờ đây, khi ngồi trong bốn bức tường giam chắc những người đã một thời là thầy, là cô, là lãnh đạo ngành giáo dục sẽ phải nuối tiếc, ân hận cho việc làm của mình.
Nhưng biết trách ai bây giờ? Mai này, sau khi đưa ra xét xử và thực hiện xong những án phạt do lỗi lầm mà bản thân tự gây ra thì quãng đời còn lại của những thầy cô này chắc cũng chẳng lấy gì làm vui nữa!
Xâm hại học trò
Trong các hành vi vi phạm pháp luật thì những kẻ xâm hại trẻ vị thành niên bao giờ cũng bị người đời khinh miệt, mai mỉa. Nhất là đối với những người thầy đang công tác ở các trường học.
Từ lâu, thầy cô được ví như cha mẹ của học trò khi ở trường, là người dạy dỗ học trò về mọi mặt. Vậy nhưng, vẫn có kẻ “đội lốt thầy”, ẩn nấp bên trong chữ thầy là một nhân cách đê hèn nên đã hãm hại học trò.
Những trường hợp nhà giáo xâm hại học trò trong thời gian qua không hiếm bởi nó cứ đều đều xảy ra.
Những kẻ đường đường là hiệu trưởng như Sầm Đức Xương, Đinh Bằng My đến những giáo viên đứng lớp.
Nó diễn ra khắp nơi và đôi khi để lại hậu quả ghê gớm cho học trò như trường hợp một giáo viên dạy Tin học ở Lào Cai mà dư luận đang nói trong mấy ngày nay.
Những nhà giáo như vậy không xứng đáng gọi là thầy, bởi họ không có nhân cách và lòng tự trọng. Tội nghiệp những nạn nhân là học trò chưa đến tuổi trưởng thành.
Các học sinh là nạn nhân mà kẻ gây ra tội lỗi lại đang hàng ngày giảng dạy các em. Những bông hoa vừa chớm nở đã gặp những kẻ đớn hèn vùi dập.
Tương lai các em sẽ đi về đâu, tuổi xuân các em sẽ như thế nào và ai phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của các em sau này?
Hãy giữ gìn phẩm chất và nhân cách của người thầy
Không ai bắt chúng ta chọn lựa ngành sư phạm để làm thầy. Chúng ta tự lựa chọn nghề nghiệp cho chúng ta. Vì thế, mỗi thầy cô phải tự bảo vệ hình ảnh của mình, hình ảnh cho ngành giáo dục nước nhà.
Những bực tức, cám dỗ trong môi trường làm việc, trong cuộc sống hàng ngày dĩ nhiên là luôn bủa vây. Nhưng, mỗi người thầy cần phải biết đâu là giới hạn, đâu là của mình.
Cái gì không phải của mình, cái gì không phù hợp với đạo đức phải biết lánh xa và chối từ.
Giáo dục nước nhà luôn cần những người thầy giỏi chuyên môn, giản dị, nhân hậu trước học trò. Mỗi người thầy phải thực sự là một tấm gương, một ngọn đèn sáng trước học trò.
Ai không xứng đáng, ai cảm thấy không phù hợp với công việc của một người thầy hãy tránh sang một bên để những người xứng đáng hơn đảm nhận. Đừng để những nỗi buồn giáo dục ngày một nhiều hơn.