Những nỗi buồn không thể buồn hơn của người thầy

26/12/2018 07:52
Nguyễn Cao
(GDVN) - Sự việc này xảy ra giải quyết chưa xong, sự việc khác lại tiếp nối. Có điều, các sự việc tai tiếng gần đây khiến cho các thầy cô cảm thấy mắc cỡ với người khác

LTS: Sau một loạt những sự vụ đáng buồn xảy ra trong ngành giáo dục và gần đây nhất là việc hai giáo viên, kế toán nhà trường phê trong “tiệc ma túy” ở Hà Tĩnh, nhà giáo Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ chưa bao giờ ngành giáo dục nước nhà lại có nhiều chuyện đau lòng như những tháng ngày cuối cùng của năm 2018 này.

Hết tình trạng bạo hành học trò lại đến chuyện giáo viên xâm hại học trò, rồi cả chuyện giáo viên, kế toán nhà trường phê trong “tiệc ma túy” vừa xảy ra ở Hà Tĩnh.

Những sự việc như thế này, cứ dồn dập xảy ra khiến cho xã hội không khỏi bàng hoàng về đạo đức của một số con người đang được học trò hàng ngày gọi là thầy, là cô.

Mỗi ngày lật tìm đọc các trang báo, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một vài tấm gương học sinh trả lại tiền nhặt được cho người để mất hay một vài tấm gương thầy cô đang tận tụy với nghề, với học trò tự nhiên cảm thấy cõi lòng bình an, bớt đi những hoang mang. Bởi, họ là những tấm gương sáng trong ngành.

Giáo viên im lặng để hiệu trưởng xâm hại tình dục học sinh là tội ác

Vì vậy, mọi người cũng như chúng tôi luôn mong muốn đó là hàng ngày đọc được những tấm gương sáng, những mô hình giáo dục hiệu quả được phản ánh qua các trang báo để có cái tự hào về những người thầy.

Tuy nhiên, những bài viết như vậy lại thường rất ít hoặc chưa được báo chí phản ánh nhiều. Trái lại, những sự cố giáo dục, những tai tiếng cho ngành thì lại bắt gặp thường xuyên.

Nhiều khi, chúng tôi tự hỏi mỗi năm, các thầy cô giáo đều được học tập, sinh hoạt không biết bao nhiêu chuyên đề về đạo đức.

Trong các trường thì cán bộ, giáo viên đều đăng ký, viết cam kết học tập không biết bao nhiêu những điều tốt đẹp.

Mỗi khi đánh giá về mình, khi được tập thể nhận xét phân loại thì đa phần giáo viên được đánh giá rất cao về đạo đức và mức độ hoàn thành công việc.

Thế nhưng, vì sao một số cán bộ, giáo viên lại có cách hành xử với học trò, với xã hội và ngay cả với bản thân họ lại tàn nhẫn như vậy.

Liệu lương tâm con người, lương tâm của người thầy họ để đi đâu?

Những hành động đánh học trò hoặc có những lời lẽ không phù hợp lâu nay vẫn được một số giáo viên viện lý do cho rằng các em học sinh hư, không chịu học hành nên dẫn đến nóng giận của người thầy và đưa ra hành động bột phát.

Thế nhưng, hành động của hiệu trưởng Đinh Bằng My ở Trường Dân tộc Nội trú trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) hay trường hợp giáo viên Hồ Trọng Đăng, Trường trung học cơ sở Phan Bội Châu, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vừa qua thì đổ lỗi cho ai, đổ lỗi cho cái gì đây?

Nói thật, với những con người này chúng tôi chỉ có thể gọi hành động của họ là đê hèn, bệnh hoạn.

Mới đây nhất là hai trường hợp gồm cô giáo T.T.Th.H, hiện đang dạy tại Trường tiểu học Hương Trà, huyện Hương Khê và N.T.L.Q là nhân viên kế toán Trường mầm non xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã sử dụng ma túy trong quán Karaoke với một số người khác.

Điều này đã được ông Trần Đình Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hương Khê xác nhận với một số tờ báo.

Công an bắt giữ 2 cô giáo đang phê trong tiệc ma tuý ở Hà Tĩnh (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Công an bắt giữ 2 cô giáo đang phê trong tiệc ma tuý ở Hà Tĩnh (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Những trường hợp như thế này người vi phạm đổ lỗi cho ai đây?

Những cô giáo hay nhân viên kế toán nhà trường - họ còn rất trẻ, có học thức sao lại tự vùi mình vào những tụ điểm ăn chơi sa đọa đến vậy.

Cô giáo tiểu học mà “phê” ma túy thì còn dạy dỗ làm sao được học trò. Lỡ may đang dạy trên lớp mà cô “lên cơn” thèm thuốc thì hậu quả sẽ như thế nào đây?

Rõ ràng, nhân cách, đạo đức của một số thầy cô xuống cấp, lối ăn chơi bệnh hoạn, lạc lối này là do chính những người thầy, người cô này tự hướng tới.

Bởi, họ đã trưởng thành, họ có địa vị, có tri thức và nhận thức đầy đủ về việc làm của mình gây ra.

Ở đây, không thể nào đổ cho lỗi khách quan mà chính là ý thức của mỗi con người trong việc phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, nhân cách hàng ngày.

So với cả hàng triệu giáo viên trong ngành thì một vài con người như vậy là không đáng bao nhiêu trước những xô bồ hiện nay của xã hội.

Tuy nhiên, khi đã bước chân vào nghề sư phạm, hàng ngày dạy dỗ, tiếp xúc với học trò thì chắc chắn người thầy phải chuẩn mực về đạo đức, lối sống.

Vì thế, dù chỉ một vài con người này cũng đã đủ gây nên tai tiếng cho cả ngành giáo dục cả nước.

Suốt cả một năm trời, biết bao nhiêu công sức của cả thầy và trò trong cả nước phấn đấu, bao nhiêu những kỳ vọng của phụ huynh, của xã hội vào ngành giáo dục nhưng phút chốc bị những con người này làm ô uế cho toàn ngành. Ảnh hưởng đến hàng triệu thầy cô giáo khác.

Những nỗi buồn không thể buồn hơn của người thầy ảnh 2Bạo lực học đường bắt đầu từ hiệu trưởng

Sự việc này xảy ra giải quyết chưa xong, sự việc khác lại tiếp nối. Có điều các sự việc tai tiếng gần đây của ngành giáo dục khiến cho những thầy cô khác cũng cảm thấy mắc cỡ, e dè trước mọi người.

Đi đâu người ta cũng bàn luận về đạo đức người thầy, về những sự việc đáng buồn như thế này.

Sau sự việc 231 cái tát vào mặt học trò ở Quảng Bình, nhiều người ví đây là “những cái tát” vào ngành giáo dục.

Nhưng, có lẽ “những cái tát” đó chưa thấm tháp gì với những sự việc trong mấy ngày gần đây sau sự việc của ông Đinh Bằng My, Hồ Trọng Đăng xâm hại học trò và 1 cô giáo tiểu học, một nhân viên kế toán của trường mầm non đang “phê” ma túy trong quán Karaoke.

Nói thật, họ đã không còn nhân cách của một con người chứ chưa nói đến nhân cách của người thầy đang công tác ở ngành giáo dục.

Rồi đây, những con người có một thời được gọi là thầy, là cô như đã nói ở trên có lẽ đã hết cơ hội được đứng lớp và công tác trong ngành giáo dục bởi họ không còn xứng đáng nữa. Nhưng, những gì mà họ đã gây nên cho ngành, cho xã hội thật thê thảm, xót xa.

Người xưa có câu: “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” có lẽ vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ.

Truyền thống, đạo lý làm thầy của người Việt chúng ta đã có hàng nghìn năm qua nhưng chỉ một vài cá nhân gần đây đã làm hoen ố, “làm rầu” cho cả ngành giáo dục.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay với những cán bộ, giáo viên vi phạm và đồng thời có những công cụ đánh giá đạo đức, phẩm chất chính xác về người thầy qua từng năm công tác chứ không phải là vài câu chung chung mơ hồ để xếp loại “xuất sắc”, “tốt” cả mà cuối cùng lại có những trường hợp trớ trêu như dư luận đã và đang chứng kiến những ngày gần đây.

Nguyễn Cao