Đại biểu quốc hội tranh luận về sách giáo khoa Tiếng Việt 1

05/11/2020 08:25
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho biết trước khi lên tiếng về vấn đề sách giáo khoa đã mua sách về đọc, ghi chép, liệt kê từng nội dung.

Tại phiên thảo luận ngày 4/11, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho biết trước khi lên tiếng về vấn đề sách giáo khoa đã mua sách về đọc, ghi chép, liệt kê từng nội dung mà mình chưa hiểu thấu, đã gặp gỡ giáo viên và phụ huynh để thảo luận, đã tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn về ngôn ngữ tâm lý học.

Đại biểu thừa nhận đây là năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta học tập, tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới, vì vậy sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gọt, đẽo theo một hệ thống chưa hoàn thiện.

Với những “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thì đại biểu Minh Hiền mong rằng: “Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng khâu, từng cấp, từng bộ phận, xem xét, bổ sung, thay đổi, điều chỉnh Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm”.

Qua nghiên cứu báo cáo cũng như qua kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho rằng cần quan tâm đến chất lượng thẩm định sách giáo khoa, trước mắt có các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung còn khiếm khuyết của sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Tiếp đó là, việc chỉ đạo giám sát việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt các bộ sách giáo khoa tiếp theo đối với các lớp tiếp theo.

Trong khi đó Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) cho rằng: “Về vấn đề sách giáo khoa lớp 1 với các vấn đề liên quan là do cử tri biết, thấy bức xúc và cử tri đã phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội chúng tôi khi đi tiếp xúc trước kỳ họp này. Là đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ chúng ta cần phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân và tôi đã phát biểu từ sự phản ánh trung thực kiến nghị của cử tri địa phương”.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định (ảnh: quochoi.vn)

Và Đại biểu Phương Thảo cũng lý giải thêm vấn đề sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra mà bản thân đã kiến nghị vào chiều 3/11 rằng: “Thực chất kiến nghị của tôi là cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách. Kiến nghị này xuất phát từ 2 căn cứ:

Một là, tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua, chưa được dẹp bỏ và gần đây ngày 16/9 lực lượng công an và quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ tại một cơ sở được gần 60.000 sách, trong đó có cả sách giáo khoa và sách tham khảo cùng 3,7 tấn bán thành phẩm đang bị in lậu.

Hai là xuất phát từ chính cử tri địa phương, nơi tôi băn khoăn về tình trạng này làm cho con em người dân có nguy cơ mất tiền mà mua phải sách giáo khoa giả. Từ đó, tôi đề xuất truy cứu trách nhiệm là với hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo. Tôi còn thể hiện mong muốn, đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi cho chính các tác giả thực sự của sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa lớp 1 nói riêng”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) rất quan tâm đến ngành giáo dục. Theo vị này, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một chủ trương hết sức đúng đắn nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Nghị quyết này ban hành, quá trình thực hiện là hết sức chặt chẽ, có sự tham gia của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Trong quá trình thực hiện, tôi tin tưởng rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và lấy sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ và Ban chỉ đạo. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, đây là lần đầu tiên cho nên việc thực hiện không tránh khỏi những sai sót cần phải rút kinh nghiệm”, đại biểu Phương nói.

Tuy nhiên hiện nay có nhiều đối tượng đẩy sự việc nặng nề thêm và phủ nhận thành tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đó Đại biểu Quốc hội cần tiếp cận, lắng nghe những bức xúc của người dân, để khi cần giải thích thì phải giải thích nhưng cũng phải ghi nhận thành tích của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Việc gì chưa thỏa mãn thì trao đổi, có kiến nghị nhưng theo phải có nhận thức để góp ý mang tính xây dựng theo Nghị quyết 29”, Đại biểu tỉnh Quảng Bình phân tích.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Vietnamnet)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Vietnamnet)

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải trình, tiếp thu. Đây là những điểm cần lưu ý, rút kinh nghiệm, đừng đẩy sự việc lên mức độ khiến người dân mất niềm tin về Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi đề nghị trì hoãn theo tôi đó là điều không cần thiết.

Chúng ta nên nhớ rằng, Quốc hội chúng ta chuyên ngành về thông qua các dự án luật, làm quy trình là hết sức chặt chẽ, hết sức chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất, không riêng gì đây là ngành giáo dục mới làm đầu tiên mà lại có những sơ suất như thế.

Do đó chúng ta phải có những chia sẻ, làm thế nào đó để cùng chung sức, đồng lòng với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện thành công, Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng.”, Đại biểu Phương nhấn mạnh.

Tranh luận tiếp, Đại biểu Bùi Văn Phương – đoàn Ninh Bình (người tranh luận với Đại biểu Phương Thảo vào chiều 3/11) khẳng định:

“Nói ở đây không phải để bênh Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng phải nói khách quan, đó là sách Tiếng Việt lớp 1 có lỗi, có sạn nhưng việc đó không đến mức độ nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu”.

Việc sai sót là việc không tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu, sách mới bắt đầu. Việc này khắc phục được, đó là giáo viên sẽ sửa lại khi tiến hành giảng dạy đến bài đó thì giáo viên lại lựa chọn ngữ điệu khác để phù hợp với bài giảng chứ không phải cái gì nghiêm trọng lắm.

Theo ông Phương, việc sai sót là việc không tránh khỏi khi một chương trình mới bắt đầu, sách mới bắt đầu nhưng việc này khắc phục được, đó là giáo viên sẽ sửa lại khi giảng dạy đến bài đó thì giáo viên lại lựa chọn ngữ điệu khác để phù hợp với bài giảng.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình sau đó đọc lại phát biểu tại nghị trường của Đại biểu Thảo ngày 3/11 và cho rằng việc chuyển cơ quan điều tra việc in sách lậu là hoàn toàn chính xác, ông không có ý kiến.

“Tôi chỉ băn khoăn chuyện một số lỗi trong sách giáo khoa lớp 1 mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, của tác giả, chủ biên… thì có gì đó quá mức”, Đại biểu vẫn giữ nguyên quan điểm.

Thùy Linh