Tuyển sinh trình độ đại học vượt chỉ tiêu có thể bị phạt từ 5-70 triệu đồng

06/09/2023 09:06
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau gần 2 năm thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GD, nhiều thành quả đã đạt được, tuy nhiên cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập so với thực tiễn.

Thu trên 5 tỷ đồng sau gần 2 năm thực hiện xử phạt vi phạm hành chính

Theo dự thảo tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 và Nghị định số 127/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sau gần 2 năm thực hiện, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo, các công chức đang được phép xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã tiến hành xử phạt với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng và áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

“Tuy nhiên, khi tiến hành xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến tự chủ giáo dục đại học đã bộc lộ một số vấn đề bất cập so với thực tiễn hoạt động giáo dục và những thay đổi của pháp luật về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học”, văn bản nêu hạn chế.

Một số bất cập đang tồn tại như việc đình chỉ hoạt động giáo dục, việc chuyển sinh viên từ cơ sở giáo dục đại học này sang cơ sở giáo dục đại học khác nếu số lượng lớn, ngành nghề đặc thù là không khả thi, gây tác động xã hội... Hay việc xử phạt đối với hành vi tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định về xác định chỉ tiêu ở mức vượt 3% theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận “là quá thấp, nhiều lĩnh vực, ngành đào tạo có chỉ tiêu chỉ 30, chỉ cần vượt 1 chỉ tiêu đã bị xử phạt là không phù hợp”.

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu: Giữ nguyên mức vượt từ 3%, bổ sung số lượng người vượt

Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 và Nghị định số 30/12/2021 theo 3 hướng chính:

Thứ nhất, quy định của sửa bổ sung thuật ngữ/lược bỏ cụm từ cho phù hợp với luật và thực tế hiện nay; thay đổi tên mục trong chương để bao quát các dung cần quy định trong mục đó; rà soát chỉnh sửa lỗi kỹ thuật.

Bên cạnh đó, làm đối tượng áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, bãi bỏ các nội dung không còn phù hợp. Đơn cử như cụm từ “trường trung cấp” không còn được quy định trong Luật giáo dục đại học, bãi bỏ nội dung xử phạt liên quan đến trường trung cấp.

Thứ ba, dự thảo Nghị định chỉnh sửa, bổ sung/làm rõ một số nội dung liên quan đến mức độ vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả...

Chỉnh sửa các biện pháp khắc phục hậu quả theo hướng làm rõ biện pháp, tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Chỉnh sửa, làm rõ mức độ vi phạm đối với hành vi tuyển sinh không đúng đề án, tập trung vào việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu nhưng không vượt năng lực và tuyển sinh không đúng phương thức trong đề án tuyển sinh; làm rõ hành vi tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định về xác định chỉ tiêu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo hướng bổ sung thêm số lượng vượt tuyệt đối.

Bổ sung hành vi vi phạm quy chế đào tạo các trình độ; Bổ sung hành vi vi phạm tự chủ mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện tự chủ hoặc không được quyền tự chủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Rà soát làm rõ việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo dự thảo Nghị định, mức phạt tiền dao động từ 500 nghìn đến 80 triệu đồng tùy các vi phạm cụ thể được quy định. Một số quy định đáng chú ý tại dự thảo Nghị định:

Khoản 2, điều 5 dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thành lập, giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Khoản 3 điều 7 quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi ban hành quyết định không đúng thẩm quyền hoặc quyết định có nội dung trái pháp luật hiện hành.

Khoản 4 điều 7 quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với các vi phạm liên quan đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, mức phạt dao động từ 2 triệu đồng đến 80 triệu đồng, phân theo trình độ đào tạo: cao đẳng ngành giáo dục mầm non, trình độ đại học và đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Bên cạnh mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là các cơ sở giáo dục sẽ buộc phải giảm số lượng tuyển sinh năm tiếp theo tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt đối với các hành vi vi phạm về vượt chỉ tiêu tuyển sinh đã quy định.

Cụ thể, phạt tiền từ 2 triệu đồng - 70 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Các mức phạt căn cứ trên hành vi tuyển sinh vượt từ 03% trở lên và số lượng người học vượt từ 10 người đến trên 101 người học trở lên, cụ thể:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Các mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Các mức phạt cụ thể như sau:

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng Nghị định kịp thời nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về phạt vi phạm hành chính để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là các quy định về tự chủ giáo dục đại học.

Dự thảo Nghị định gồm 04 điều, cụ thể như sau:

Điều 1. Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021, với 23 khoản.

Điều 2. Bỏ cụm từ, bãi bỏ một số điểm trong các khoản.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Điều 4. Hiệu lực thi hành.

Bắc Sơn