Chúng tôi đọc được tranh luận có liên quan đến bài viết của Tiến sỹ Đỗ Bá Khang, Trưởng khoa Khoa Kinh tế thương mại, Trường Đại học Hoa Sen (ĐHHS), đăng bài viết trên Báo Công An TP.HCM ngày 09/09/2014 với tiêu đề “Đại học Hoa Sen, hai vấn đề căn bản” [1], tìm hiểu thêm, trên báo Pháp luật online (plo.vn) cũng có bài “Một hướng ra cho ĐH Hoa Sen” [2] ngày 11/09/2014 và xa hơn, cũng trên plo.vn, ngày 25/08/2014 bài “ĐH Hoa Sen: 11.000 m2 đất và vốn kích cầu làm lợi cho ai?”.
Cả ba bài viết này đã lập luận dựa trên những thông tin không chính xác và đưa ra nhiều nhận định thiếu thuyết phục. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ làm rõ nhiều vấn đề hơn liên quan đến nội dung của ba bài viết trên.
Thứ nhất, cả 3 bài viết đều dựa vào quy chế tổ chức và hoạt động trường ĐHHS (Quy chế Hoa sen) và sau đó khẳng định “ĐH Hoa Sen phi lợi nhuận ngay từ khi thành lập”. Đúng là tại mục 7, điều 8 Quy chế Hoa sen có nêu “Trường hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo nghị quyết của chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18-04-2005 về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế văn hóa và thể dục thể thao”.
Ban điều hành Đại học Hoa Sen: Vừa đá bóng, vừa thổi còi…
(GDVN) - Ban kiểm soát không được đặt dưới HĐQT hay Ban điều hành mà được đặt độc lập, có trách nhiệm kiểm soát cả 2 đơn vị trê theo yêu cầu/ tín nhiệm của các cổ đông.
Tuy nhiên, chỉ bằng việc viện dẫn vào quy chế và sau đó kết luận là ĐHHS trước đến giờ hoạt động phi lợi nhuận thì quả là các tác giả của bài viết [2, 3] và đặc biệt là lập luận của TS. Đỗ Bá Khang, người đang làm việc trên cương vị Trưởng Khoa Kinh tế thương mại ở ĐHHS, là có vấn đề. Tôi có thể đưa ra hai dẫn chứng đơn giản để thấy các giả định của các tác giả trên thiếu thực tế như thế nào. (1) trong Quy chế Hoa sen, tại điều 34 quy định thành lập “hội đồng khoa học và đào tạo” nhưng từ khi trở thành trường đại học năm 2007 đến nay, gần 8 năm, ĐHHS vẫn chưa có “hội đồng khoa học và đào tạo”; (2) trong điều 33 Quy chế hoa sen quy định tiêu chuẩn “Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học phải có tiêu chuẩn về chức danh, học vị như đối với Hiệu trưởng” nhưng thực tế, ông Đỗ Sỹ Cường, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo từ năm 2007 đến nay, chỉ có bằng Thạc sỹ!!!.
Thực tế, ĐHHS hoạt động theo mô hình lợi nhuận ngay từ khi thành lập với hơn 270 cổ đông sở hữu 100% vốn điều lệ, hàng năm đều chia cổ tức ở mức cao ngất ngưởng. Trong một bài viết gần đây trên Báo Giáo dục Việt Nam, chính GS.Phạm Phụ, người nghiên cứu về mô hình giáo dục phi lợi nhuận bấy lâu nay đã lên tiếng khẳng định “Đại học Hoa Sen là đại học “siêu lợi nhuận” vì thực tế trường có chia cổ tức rất cao”.
Như vậy, chỉ dựa vào giả định trên “câu từ” trong một văn bản thì các lập luận này là hoàn toàn vô nghĩa. Các lập luận của các tác giả trong các bài trên dường như muốn ám chỉ Ban giám hiệu đương nhiệm nói một đằng làm một nẻo, khác gì đạo đức giả?
Thứ hai, TS. Đỗ Bá Khang lập luận "Giá trị đầy đủ (thực tế) của trường Cao đẳng bán công Hoa sen vào năm 2006 lớn hơn 15 tỷ rất nhiều vì còn gồm phần tài sản “ngoài công lập”, là tài sản (vô hình và hữu hình)". Tôi không biết ông Khang có bao giờ tham gia vào quá trình thẩm định giá một trường nào chưa để biết rằng tại Việt Nam, quá trình thẩm định tài sản của Nhà nước rất bài bản, rõ ràng, chi tiết và liên quan đến rất nhiều cơ quan ban ngành.
Có thể nói, rất nhiều trường hiện nay đang mong muốn chuyển từ dân lập sang trường tư thục theo chủ trương của nhà nước đều mất rất nhiều thời gian, thậm chí là quá nhiều thời gian, công sức để thực hiện thẩm định tài sản. Do đó, nói rằng thẩm định tài sản Nhà nước là không chính xác và thiếu phần tài sản "vô hình" thì thật ấu trĩ. Tôi chỉ mượn câu kết trong bài viết “Cơ sở pháp lý khi cổ phần hóa Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen” [4] đăng trên trang giaoduc.net.vn “Ông Đỗ Bá Khang lập luận việc định giá tài sản năm 2006 khi tư thục hóa “không đầy đủ, thiếu chính xác” là hoàn toàn không có căn cứ vì không hề đưa ra những số liệu dẫn chứng cụ thể và có phần thiếu tôn trọng các thành viên trong Ban định giá gồm các chuyên gia của UBND TP.HCM, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và kể cả bà Bùi Trân Phượng- Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen”
Thứ ba, TS Đỗ Bá Khang khẳng định "Một số người nhầm lẫn cho rằng sự tăng trưởng vượt bậc của vốn điều lệ là do Đại học Hoa Sen hoạt động “siêu lợi nhuận”, thực tế điều này xảy ra chỉ vì vốn điều lệ ban đầu là quá thấp so với giá trị thực của trường." Trước hết phải nói là chủ trương xã hội hóa giáo dục, cổ phần hóa của Nhà nước những năm 2000 là một định hướng đúng đắn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự quyết định vận mệnh và hưởng các thành quả hay hậu quả của quá trình hoạt động của chính mình.
Đối với trường ĐHHS, quá trình cổ phần hóa đã tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên thành chủ sở hữu của trường, đã giúp trường được tự chủ về tài chính, được quyền quyết định các chính sách lương thưởng để thu hút nhân lực tốt để tạo ra bước phát triển vượt bậc, và may mắn là trường ĐHHS đã đạt sự phát triển đáng ghi nhận.
Đúng là không thể phủ nhận sự hỗ trợ của nhà nước dành cho giáo dục, dành cho công nghiệp hóa,… nhưng với kết luận trên, TS Đỗ Bá Khang đã phủ nhận sự thành công của ĐHHS, phủ nhận sự đóng góp của NV.GV và đặc biệt là phủ nhận công sức của ban điều hành mà người đứng đầu là TS. Bùi Trân Phượng. Hành động này của ông Khang chẳng khác gì “bắn đại bác vào quá khứ” vậy.
Thứ tư, trong các bài báo [1], [2], [3] đều nói về “tài sản là công sức của cán bộ, giảng viên của trường Hoa Sen làm ra, nên những cổ đông tham gia sau này không có quyền gì trên tài sản ấy” một câu hỏi khá thú vị cho vấn đề này “Phải chăng tất cả những giảng viên thời ấy vẫn còn làm việc cho ĐHHS hiện nay?”
Theo con số chính thức mà chúng tôi có được, chỉ trong vòng hơn 5 năm hoạt động, từ 2009 đến 05/2014, đã có hơn 400 nhân viên, giảng viên nghỉ việc. Trong khi đó, tổng số nhân viên, giảng viên của ĐHHS hiện tại chỉ có khoảng 450 người. Hay nói cách khác, hầu hết những người từng cống hiến từ năm 2006 đến nay đã dần được thay thế bởi hàng loạt nhân viên, giảng viên mới.
Một số liệu thú vị khác, tại thời điểm chốt danh sách để chuyển đổi sang tư thục năm 2006, có 260 GV.NV tương đương 100% GV.NV đang làm việc đều được mua cổ phiếu. Hiện nay, có khoảng 50 GV.NV có sở hữu cổ phần, nếu tính trên tổng số GV.NV ĐHHS ở thời điểm 06/2014 là 450 GV.NV, thì hiện nay, tỉ lệ NV.GV sở hữu cổ phần vào khoảng 12%.
Vậy thì ai sẽ là người thực sự được hưởng thành quả của ĐHHS sau 7 năm hoạt động? Tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của thành viên BGH đã tăng lên như thế nào? Những người được hưởng lợi nhiều nhất trên công sức của những người giờ đã vắng mặt chính là những người còn ở lại từ thời còn là trường CĐ bán công HS liên tục đến bây giờ, trong đó có chính cô Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, vậy thì kết luận trên đây của các tác giả nhằm mục đích gì?
Thứ năm, bài viết của nhóm tác giả Kim Hạnh – Lam Phương – Mai Lan cũng đã lập luận về hỗ trợ của nhà nước cho giáo dục “Được giao (cho thuê trên danh nghĩa nhưng tiền thuê được hoàn lại để nhà trường đầu tư) hơn 11.000 m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1 và Công viên Phần mềm Quang Trung; được vay vốn kích cầu không lãi… Chưa kể, sự hỗ trợ về nhân tài, vật lực của chính phủ Pháp thông qua hai tổ chức: AIMF-Hiệp hội Thị trưởng các thành phố Pháp ngữ, CCIV-Phòng Thương mại và Công nghiệp Versailles. Chính sự hỗ trợ này đã tạo danh tiếng về đào tạo cho Hoa Sen trong những bước đi quan trọng của thuở ban đầu lập nghiệp”.
Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào?
(GDVN) - “Những hành lang pháp lý phủ kín “các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau” đang hiện hữu trong GDĐH mới là điều mà chúng ta chờ đợi”.
Có lẽ nhóm tác giả này chưa hề xem qua hợp đồng thuê đất số 1899/HĐ-TNMT-ĐKKTĐ để kiểm chứng lại thông tin đã viết. Trong hợp đồng này đã nêu cụ thể đất ở Nguyễn Văn Tráng, khu công viên phần mềm Quang trung, khu công nghệ cao Q9 là đất nhà nước cho thuê và ghi rõ mục đích làm gì, thời hạn bao lâu… Cần phải nói rõ thêm về sự hỗ trợ của nhà nước cho giáo dục ở thời điểm bắt đầu tư nhân hóa những năm 2000.
Theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, các trường ngoài công lập đều được hưởng chính sách ưu đãi thuê đất có thời hạn dành cho xây trường học chứ không riêng gì ĐHHS như: ĐH công nghệ Sài gòn được giao gần 20.000m2 tại Q8, Tp.HCM; Đại học Nguyễn Tất Thành hơn 10.000m tại Q.4, gần 4,5ha tại Q.9; Đại học Hoa Sen là 1.483m2 tại Q.1, 9.500m2 tại phần mềm Quang Trung; Đại học Hutech với hơn 4ha tại Q.9, Đại học Duy Tân được cấp 31ha tại Hòa Cầm - Tp. Đà Nẵng.
Ngoài ra, cũng theo chính sách này, chương trình kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất vay cho ngành giáo dục được áp dụng cho các trường từ mầm non tới đại học, bao gồm trường tư. Ở Tp.HCM, rất nhiều trường khác nhau, từ tư nhân, tư thục đều nhận được hỗ trợ này. Vì vậy, việc bài báo cho rằng Đại học Hoa Sen được hỗ trợ vay vốn kích cầu vì đã có “cam kết phi lợi nhuận” chẳng khác nào đi ngược lại với chính sách nhà nước về xã hội hóa giáo dục?
Có thể nói, mâu thuẫn xảy ra ở ĐHHS thực sự là mâu thuẫn nội bộ để tranh giành quyền lực. Chính cơ cấu quyền lực tuyệt đối ở ĐHHS như trong bài “HĐQT ĐHHS vừa đá bóng vừa thổi còi” [5] là nguồn gốc tạo ra xung đột. Việc lái dư luận sang mâu thuẫn lợi nhuận – phi lợi nhuận để nhằm mục đích gì? Có lợi cho ai? Đến nay đã quá sáng tỏ như kết luận trong bài báo “Những vấn đề cần làm rõ về trường tư” [6].
Rõ ràng, nguyên tắc ứng xử hàng đầu trong bất kỳ xã hội phát triển nào là mọi công dân và tổ chức phải tuân thủ pháp luật và giải quyết mâu thuẫn dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành, chứ không phải kêu gọi GV/SV ủng hộ, ký đơn kiến nghị nhằm tạo áp lực lên các cấp chính quyền nhưng lại vi phạm pháp luật [7].
Để kết thúc bài viết này, xin trích lại câu nói của TS. Vũ Thị Phương Anh trên báo Thanh niên “Vụ tranh chấp này tuy vậy cũng có một cái hay. Nó giúp ta thấy rõ vấn đề hiện nay không phải là tạo ra những trường “phi lợi nhuận” chỉ trên danh nghĩa, mà là có được các trường ĐH có chất lượng. Nhà nước hỗ trợ chính sách ưu đãi cho mọi trường chứ không chỉ cho mô hình phi lợi nhuận. Ngoài ra, việc quyết định phát triển theo hướng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận phải do tập thể sáng lập hoặc các cổ đông góp vốn quyết định theo quy định pháp luật chứ không phải do những người đang nắm quyền, càng không thể là kết quả của sự áp đặt từ nhà nước.”
Tham khảo:
1. Đại học Hoa Sen, hai vấn đề căn bản http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&p&id=524792
2. Một hướng ra cho ĐH Hoa Sen http://plo.vn/giao-duc/mot-huong-ra-cho-dh-hoa-sen-495191.html
3. ĐH Hoa Sen: 11.000 m2 đất và vốn kích cầu làm lợi cho ai? http://plo.vn/thoi-su/dh-hoa-sen-11000-m2-dat-va-von-kich-cau-lam-loi-cho-ai-491765.html
4. Cơ sở pháp lý khi cổ phần hóa Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-so-phap-ly-khi-co-phan-hoa-Truong-Cao-dang-ban-cong-Hoa-Sen-post149740.gd
5. Ban điều hành Đại học Hoa Sen: Vừa đá bóng, vừa thổi còi… http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ban-dieu-hanh-Dai-hoc-Hoa-Sen-Vua-da-bong-vua-thoi-coi-post149590.gd
6. Những vấn đề cần làm rõ về trường tư http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140909/nhung-van-de-can-lam-ro-ve-truong-tu.aspx