Ban điều hành Đại học Hoa Sen: Vừa đá bóng, vừa thổi còi…

09/09/2014 06:25
Thủy Tiên
(GDVN) - Ban kiểm soát không được đặt dưới HĐQT hay Ban điều hành mà được đặt độc lập, có trách nhiệm kiểm soát cả 2 đơn vị trê theo yêu cầu/ tín nhiệm của các cổ đông.

Thật bất ngờ vì mối mâu thuẫn tại Trường Đại học Hoa Sen lại là từ một nguyên do kéo dài nhiều năm, và là nguyên do hay xuất hiện ở loại hình đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng không có sự tách bạch giữa Ban điều hành Trường với Hội đồng quản trị… 

Nhiều người sẽ cho rằng mâu thuẫn đang diễn ra ở Trường Đại học Hoa Sen giữa hai nhóm cổ đông là mâu thuẫn ở việc lựa chọn mô hình, định hướng phát triển của Trường theo phi lợi nhuận  hay theo lợi nhuận. Thực tế không phải vậy! Bởi những tranh luận và đặc biệt quan điểm của các Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên gia trong ngành… cũng đã chỉ ra Đại học Hoa Sen là một trường đang hoạt động theo cơ chế lợi nhuận.

Vậy, bản chất của mối mâu thuẫn này cụ thể là gì?

Thiếu tách bạch giữa Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu

Cũng như nhiều Trường Đại học khác, mô hình quản trị của Đại học Hoa Sen có sự đan chéo, không tách bạch giữa Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Giám hiệu (BGH).

Ban điều hành Đại học Hoa Sen: Vừa đá bóng, vừa thổi còi… ảnh 1

Mô hình quản trị của Đại học Hoa Sen có sự đan chéo, không tách bạch giữa HĐQT và BGH? (Ảnh minh họa)

Nhìn lại giai đoạn vừa qua trong quá khứ  đến thời gian trở lại đây (không xét đến giai đoạn ngày 2.8.2014 đại hội cổ đông bất thường của Đại học Hoa Sen đã quyết bầu HĐQT mới),  HĐQT của Đại học Hoa Sen gồm có 7 thành viên: ông Trần Văn Tạo, bà Bùi Trân Phượng, ông Nguyễn Trung Đức, bà Phạm Thị Thủy, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, ông Đỗ Sĩ Cường và ông Phạm Minh Phương. 

Trong 7 thành viên HĐQT đã nêu thì có tới ba người nắm những vị trí chủ chốt trong Ban giám hiệu của Trường: bà Bùi Trân Phượng (P. Chủ tịch HĐQT) giữ chức Hiệu trưởng. Ông Đỗ Sĩ Cường giữ chức Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo từ khi thành lập trường Đại học Hoa Sen 2007 đến nay (ông Cường chỉ có bằng thạc sỹ, không đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật). Bà Phạm Thị Thủy giữ chức Phó Hiệu trưởng phụ trách Tài chính (bà Thủy đã bị Hiệu trưởng bãi miễn chức vụ vắng mặt sau khi đưa ra báo cáo về các sai phạm tài chính của Hiệu trưởng trong cuộc họp Hội đồng Quản trị tháng 7 năm 2014).

Ngoài ra, một thành viên còn lại trong HĐQT của Đại học Hoa Sen cũng nắm giữ vị trí khá quan trọng ở một số các bộ phận hoạt động trong trường như: Ông Nguyễn Trung Đức, Trưởng khoa ĐTCN và Giám đốc Trung tâm Anh ngữ EZ. Ông Đức hiện nay vẫn đang là thành viên HĐQT, dù đã bị bãi nhiệm chức vụ vào tháng 3/2014 sau khi nêu ra các sai phạm trong công tác điều hành của BGH.

Như vậy, có 4/7 thành viên của HĐQT Đại học Hoa Sen làm việc tại Trường và có 3/7 thành viên HĐQT đảm nhiệm các vị trí quan trọng, chủ chốt nhất trong ban điều hành (BGH). HĐQT Đại học Hoa Sen cũng có sự xuất hiện của các thành viên độc lập, gồm ông Trần Văn Tạo, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi và ông Phạm Minh Phương. Đáng tiếc là ông Phi đã có đơn từ nhiệm vào tháng 10/2013 và ông Phương cũng gửi email từ nhiệm vào tháng 4/2014. 

Hơn nữa, ông Trần Văn Tạo với tư cách là Chủ tịch HĐQT Đại học Hoa Sen đã đưa ra ý kiến “từ chức HĐQT của trường Đại Học Hoa Sen kể từ ngày hôm nay 22/10/2013” và phần kết luận của Biên bản họp này cũng đã đưa ra “Chủ tịch Trần Văn Tạo đề nghị từ chức chủ tịch HĐQT của trường Đại học Hoa Sen” (biên bản họp số 1779/BB-HĐQT của HĐQT Đại học Hoa Sen ngày 22/10/2013). Nói chính xác là HĐQT Đại học Hoa Sen trên thực tế chỉ được hoạt động, duy trì bởi những người đang công tác tại Trường và tại vị trong BGH trường, và cũng chỉ những người là Ban điều hành mới còn có sự gắn bó với HĐQT - tất nhiên nếu không tính thời điểm và những chuyển động mới đã xảy ra quanh sự bùng nổ mâu thuẫn của hai nhóm đại diện cổ đông góp vốn tại trường.

Vô hiệu Ban kiểm soát

Ngay từ khi chuyển đổi sang đại học tư thục vào tháng 12/2006, Đại học Hoa Sen đã hoạt động theo mô hình của một doanh nghiệp cổ phần: cao nhất là Đại hội đồng cổ đông, kế đến là HĐQT, dưới HĐQT có các tổ chức như Ban điều hành và dưới là các phòng, ban nội bộ. Trong cấu trúc này, Ban kiểm soát không được đặt dưới HĐQT hay Ban điều hành mà được đặt độc lập, có trách nhiệm kiểm soát cả HĐQT lẫn Ban điều hành theo yêu cầu/ tín nhiệm của các cổ đông.

Điều đáng nói là tại Trường Đại học Hoa Sen, với một sự thực thi Luật Doanh nghiệp khá “nghiêm” và cũng bầu Ban kiểm soát đầy đủ (vì Đại học Hoa Sen có khoảng 160 cổ đông, theo Luật thì Doanh nghiệp có 11 cổ đông trở lên phải có Ban kiểm soát), trên thực tế vai trò của Ban kiểm soát ở Trường này lại cũng vô cùng mờ mịt. 2/4 thành viên Ban kiểm soát của Đại học Hoa Sen đang làm việc tại trường là bà Đào Thị Hải, Phó khoa ĐTCN (nay là Trưởng khoa ĐTCN thay thế vị trí ông Nguyễn Trung Đức) và bà Ngô Thị Mỹ Lan, Phó Trưởng phòng Đào tạo. Cả hai đều là thành viên Ban kiểm soát trong quá trình hoạt động lại chịu sự quản lí trực tiếp của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cũng là 2 thành viên trong HĐQT. 

Ngoài ra, theo một nguồn tin nội bộ nhà trường cho biết thêm, trong số các thành viên Ban kiểm soát, còn có thêm một người khác có quan hệ bà con họ hàng ông Đỗ Sĩ Cường – Phó Hiệu trưởng và là thành viên HĐQT. Như vậy, 3/4 thành viên BKS không còn độc lập khi thực thi quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của BKS.

Tình huống này khá giống với tình huống đã tồn tại ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng thời gian qua, khi thành viên Ban kiểm soát trong quá trình thực thi vai trò của mình lại khó cất lên tiếng nói, vì họ cũng là người làm công ăn lương và có thể được cất nhắc hay sa thải bất cứ lúc nào bởi những thành viên ban điều hành hay HĐQT – những đối tượng mà họ phải kiểm soát. Chính sự tồn tại “có như không” đó của Ban kiểm soát, đã châm ngòi cho những hiện tượng cho vay sân sau, quản trị rủi ro không đạt chuẩn của nhiều ngân hàng thời gian qua. 

Quay lại Đại học Hoa Sen, vai trò “có như không” của Ban kiểm soát còn được đẩy tới một “trình” cao hơn:  HĐQT trường này quyết định góp vốn thành lập Công ty Vĩnh An (tới 50% vốn) nhưng đại hội cổ đông hoàn toàn không hề hay biết cho đến khi Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc và báo Thanh niên có bài “Công ty đào tạo … cử nhân…” hay việc Hiệu trưởng chỉ định ký hợp đồng tư vấn trị giá gần 1,4 tỷ đồng với công ty mới thành lập được 20 ngày,…

“Với một cấu trúc tổ chức mà mọi trọng trách, định hướng của HĐQT đều có thể được quyết bởi những người cũng nằm trong Ban giám hiệu, đồng thời Ban kiểm soát gần như bị vô hiệu, không lạ khi tình trạng sai phạm tài chính và một loạt các vấn đề khác của Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, chỉ được “bung” ra khi có một thành viên HĐQT muốn công khai minh bạch và làm rõ trách nhiệm các sai phạm. Nếu không có chuyện đó, có lẽ hoạt động quản trị của Đại học Hoa Sen sẽ còn tiếp tục đi theo mô hình Ban giám hiệu kiêm nhiệm HĐQT, vừa đá bóng, vừa thổi còi… và tiếp tục “diễn” các sai phạm mà không ai biết dài dài”, đại diện nguồn tin nhận xét.

Một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính phát triển bền vững cho các Trường Đại học tư thục nói riêng, cũng như các tổ chức nói chung là sự minh bạch trong quản lý điều hành. Để tránh những mâu thuẫn, xung đột bắt nguồn từ yếu tố quản trị kéo dài, từ sự kiêm nhiệm nhiều vai ở quản trị cấp cao như trường hợp Đại học Hoa Sen, thì lại càng phải tách bạch HĐQT và BGH, đặc biệt trong các quyết định điều hành có liên quan đến vấn đề tài chính có trị giá lớn.

Nếu không có sự dân chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như tính minh bạch về cơ cấu quyền lực giữa HĐQT – Ban điều hành, thì chắc chắn những mâu thuẫn tranh giành quyền lực như ở Đại học Hoa Sen sẽ còn xảy ra. Rõ ràng, cần phải gấp rút thực hiện công cuộc thay đổi, cải tổ mô hình quản trị - hãy bắt đầu từ sự tách bạch này!

Tài liệu tham khảo:

1. Bài báo “Công ty đào tạo … cử nhân” http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140507/cong-ty-dao-tao-cu-nhan.aspx

Thủy Tiên