Cơ sở pháp lý khi cổ phần hóa Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen

11/09/2014 14:06
Phạm Thị Thủy
(GDVN) - Đến nay, Đại học Hoa Sen đã được hầu hết các chuyên gia giáo dục phân tích rõ là trường đang hoạt động theo mô hình vì lợi nhuận.

LTS: Thời gian qua, đã có nhiều bài báo được công khai trên công luận về vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen (ĐHHS), có vài bài viết một cách khách quan, có những bài chỉ viết một hướng về HĐQT và thậm chí có những lập luận thiếu căn cứ về việc Trường ĐHHS phải đi theo con đường phi lợi nhuận vì đã được nhà nước cho mượn đất (hai cơ sở với 11.000 m2 đất).

Trong khi hiện tại ngôi trường này đã được hầu hết các chuyên gia giáo dục phân tích rõ là trường đang hoạt động theo mô hình vì lợi nhuận.

Để làm rõ vấn đề mà dư luận đang quan tâm về tài sản của ĐHHS, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của bà Phạm Thị Thủy, nguyên Phó hiệu trưởng phụ trách tài chính của trường ĐHHS và cũng là một trong số những người có mặt từ những ngày đầu chuyển đổi trường, bài này vừa gửi đến báo vào ngày 10/9/2014:

Với tư cách là người phụ trách tài chính của ĐHHS, tôi và  Bà Bùi Trân Phượng đã từng là thành viên trong Ban định giá tài sản khi tiến hành chuyển đổi trường Cao đẳng bán công Hoa Sen (CĐBCHS) để cổ phần hóa .

Tôi xin trao đổi vấn đề dựa trên các luận cứ, trên cở sở các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền, và tôi cho rằng bài báo do ông Đỗ Bá Khang đã viết trên Báo Công An ngày 9/9/2014 hoàn toàn mang tính chủ quan, cảm tính và thiếu cơ sở lý luận.

Bài báo đã cho rằng việc tính toán giá trị của trường ĐHHS là không chính xác: “giá trị đầy đủ (thực tế) của trường này vào năm 2006 lớn hơn 15 tỷ rất nhiều, vì còn bao gồm phần tài sản (TS) “ngoài công lập” do công sức giảng viên và nhân viên (GV và NV) của trường tạo ra trong suốt thời gian hoạt động từ 1991 – 2006”

Để rộng đường dư luận, đồng thời trả lời một cách đầy đủ và có cơ sở, tôi xin tóm tắt lại quá trình cổ phần hóa trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen (CĐBCHS) năm 2006 với các vấn đề sau: 

(1) Tính pháp lý của việc định giá trường CĐBCHS khi cổ phần hóa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo công văn số 1528/TTg-KG ngày 7 tháng 10 năm 2005 về chủ trương nâng cấp Trường CĐBCHS lên đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng Dự án thí điểm chuyển Trường CĐBCHS sang mô hình trường tư thục.

Căn cứ vào chỉ đạo trên, ngày 21 tháng 10 năm 2005, Trường CĐBCHS đã tiến hành ký 2 hợp đồng với công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (BSC) "Hợp đồng định giá để chuyển đổi mô hình số 83/2005/GTDN/BSC.CN1” và “Hợp đồng tư vấn chuyển đổi mô hình số 84/2005/CPH/BSC.CN1”.

Theo chỉ đạo của công văn số 9326/BTC-HCSN ngày 01/8/2006 của Bộ Tài chính: “về việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động của trường CĐBCHS, đề nghị UBND TP chỉ đạo trường và các cơ quan chức năng nghiên cứu vận dụng các quy định tại nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 để xây dựng phương án ưu đãi đối với người lao động trong trường khi bán cổ phần lần đầu; trên cơ sở đó đề nghị UBND TP xem xét và quyết định cụ thể đối với đề xuất của trường CĐBC Hoa Sen về vấn đề này”, quá trình thẩm định giá, phát hành cổ phiếu tại trường Hoa Sen là dựa theo 187/2004/NĐ-CP.

Như vậy, trường CĐBCHS đã không tự thực hiện định giá tài sản. Công ty BSC thực hiện định giá tài sản theo đúng nguyên tắc khách quan và đúng luật.

 (2) Tính chính xác của việc định giá 

Ban định giá bao gồm

- Sở Tài chính (gồm Ban Vật giá, Chi cục tài chính doanh nghiệp, Phòng Công sản),

- Sở Giáo dục & Đào tạo

- Sở Xây dựng

-  Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp

-  Ban dự án chuyển đổi mô hình trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen

- UBND TP.HCM

Kết quả của quá trình thẩm định được công nhận bởi UBND TP.HCM thông qua công văn số 1097/UBND-CNN của UBND TP.HCM ngày 27/02/06.  

Ban định giá trường CĐBCHS có đầy đủ chức năng, thẩm quyền, pháp lý, đúng chuyên môn và quy trình chuyển đổi khi tiến hành cổ phần hóa.

Nghĩa là : Không thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời việc định giá tổng tài sản là khách quan và chính xác khi chuyển đổi .

(3) Xác định giá trị vô hình trong giá trị thực tế của phần vốn của Nhà nước.

Trong Nghị định 187/2004/NĐ-CP, cách xác định giá trị "vô hình" hay còn gọi giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp được xác định "Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp được xác định trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và lãi suất trả trước của trái phiếu Chính phủ dài hạn ở thời điểm gần nhất trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp".

Trong công văn số 1097/UBND-CNN của UBND TP.HCM ngày 27/02/06 đã ghi rõ giá trị lợi thế doanh nghiệp của trường CĐBCHS được xác định là 1.091.262.078 đồng.

Giá trị lợi thế 1.091.262.078 đồng của CĐBCHS đã nằm trong tổng giá trị tài sản khi chuyển đổi và việc tính toán này theo đúng Nghị Định 187/2004/NĐ-CP

(4) Giá trị tài sản thực của trường CĐBCHS

Theo công văn số 4608/UBND-CNN ngày 6/7/2006 của UBND TP.HCM, thì cơ cấu vốn điều lệ của trường là 15 tỉ trong khi đó giá trị phần vốn của Nhà nước được xác định là khoảng 13.7 tỷ.

Nghĩa là, việc định giá tài sản của trường CĐBCHS đảm bảo tính khách quan, được định giá bởi một tổ chức chuyên nghiệp, có tính pháp lý từ quyết định của một Ban định giá.

(5) Vấn đề đấu giá cổ phiếu được thông qua bởi một công ty ủy thác (BSC)

Theo công văn số 4608/UBND-CNN ngày 6/7/2006 của UBND TP.HCM, số cổ phần bán cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) là 51%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 9.8% và cổ phần bán đấu giá công khai là 39.2%.

Nhà trường đã không tham gia vào việc đấu giá này nhằm bảo đảm tính minh bạch của quá trình đấu giá.

Số cổ phần bán đấu giá công khai được thực hiện ủy thác bởi công ty BSC. Toàn bộ số tiền cổ phần hóa thu được sau khi đấu giá, bán cho GV/NV, bán cho nhà đầu tư chiến lược được hoàn trả cho Nhà nước khi kết thúc quá trình cổ phần hóa. 

Như vậy, không thể nói Nhà nước chịu thiệt thòi trong việc cổ phần hóa.

(6) Thực hiện ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong việc mua cổ phiếu

Theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP, số cổ phiếu ưu đãi dành một CBCNV là 100 cổ phiếu cho mỗi năm làm việc thực tế. Số lượng cổ phiếu ưu đãi này giảm 40% so với giá đấu thành công bình quân. Thực tế, một CBCNV của trường có thể mua một số lượng cổ phiếu ưu đãi với giá giảm 40% (gọi tắt là CPUD1) và một lượng cổ phiếu ưu đãi khác với giá giảm 20% (gọi tắt là CPUD2) so với giá đấu bình quân trung bình. Số lượng CPUD1 đã cao hơn so với quy định của Nghị định. Tất cả số cổ phiếu ưu đãi này đã được bán hết cho CBCNV.

Từ các thông tin trên, có thể khẳng định:

Trong quá trình chuyển đổi và cổ phần hóa trường Cao đẳng bán công Hoa Sen, việc định giá tài sản là chính xác và có tính pháp lý vững vàng.

Ban định giá tài sản có đầy đủ chức trách và chuyên môn thực hiện.

Trong quá trình cổ phần hóa, giá trị lợi thế kinh doanh đã được tính trong tổng giá trị tài sản theo đúng nghị định 187/2004/NĐ-CP.

Vốn điều lệ của trường CĐBCHS là 15 tỷ tại thời điểm 2006, khi chuyển đổi thực tế đã cao hơn phần vốn của Nhà nước được định giá là 13.7 tỷ.

-Việc đấu giá công khai, minh bạch, đúng luật và được ủy thác bởi công ty chứng khoán chuyên nghiệp (BSC)

- Số lượng cổ phần ưu đãi bán cho CBCNV nhiều hơn số lượng quy định trong Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Đảm bảo quyền lợi giảng viên và nhân viên.

Vì thế, trong bài viết, ông Đỗ Bá Khang lập luận việc định giá tài sản năm 2006 khi tư thục hóa “không đầy đủ, thiếu chính xác” là hoàn toàn không có căn cứ vì không hề đưa ra những số liệu dẫn chứng cụ thể và có phần thiếu tôn trọng các thành viên trong Ban định giá gồm các chuyên gia của UBND TPHCM, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và kể cả bà Bùi Trân Phượng- Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen.

Phạm Thị Thủy