Theo đại diện Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính và số lượng người tiêu dùng sử dụng những dịch vụ, sản phẩm công nghệ tài chính gia tăng nhanh chóng, hiện thị trường lao động đang rất cần nguồn nhân lực này được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp. Tận dụng xu thế đó, năm học 2024-2025, nhà trường mở tuyển sinh và đào tạo ngành học Công nghệ tài chính.
Chương trình đào tạo đáp ứng những yêu cầu của xu thế hiện nay tại Việt Nam và cả trên thế giới
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hà – Trưởng khoa Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, Công nghệ tài chính được xem là một ngành có sự thay đổi lớn khi có sự kết hợp của các công nghệ 4.0 vào hoạt động cung cấp những sản phẩm/dịch vụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Theo thầy Hà, các tổ chức tài chính và ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 như nhu cầu chuyển đổi số của ngân hàng, chuyển dịch mô hình hoạt động của tổ chức tài chính hoặc tham gia vào cung cấp những sản phẩm/dịch vụ tài chính từ phía công ty công nghệ. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực có kiến thức về tài chính ngân hàng cũng như có hiểu biết về công nghệ.
Chính vì vậy, với sứ mạng, tầm nhìn của mình và cùng với xu thế của xã hội, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển sinh ngành Công nghệ tài chính từ năm 2024.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ tài chính đã được Khoa và nhà trường xây dựng theo hướng cung cấp các kiến thức mới nhằm nâng cao tri thức và năng lực nghề nghiệp với định hướng ứng dụng chất lượng cao.
Cụ thể, chương trình đào tạo ngành học này lấy nền tảng của tài chính ngân hàng kết hợp với kiến thức, công cụ của công nghệ nhằm giúp cho người học có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm ở những vị trí như chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên phân tích rủi ro của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Bên cạnh đó, cử nhân Công nghệ tài chính còn có thể làm ở các vị trí văn phòng phục vụ hoạt động phân tích của ngân hàng như nguồn vốn, bộ phận khách hàng doanh nghiệp hoặc vị trí phát triển dịch vụ tài chính tại công ty công nghệ.
Với nhu cầu tuyển dụng lớn hiện nay, mức lương đối với chuyên viên thuộc nhóm Công nghệ tài chính sẽ phụ thuộc vào vị trí công việc và khả năng, kiến thức của họ. Mức lương khởi điểm của người học sau khi tốt nghiệp ngành học này thường dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, đối với người có kỹ năng phân tích dữ liệu tốt, có kiến thức sâu liên quan đến công nghệ chuỗi khối, học máy thì mức thu nhập còn cao hơn gấp 2-3 lần.
Cũng theo thầy Hà, Công nghệ tài chính là ngành học mới được cấp mã ngành ở Việt Nam. Bên cạnh một số trường tiên phong mở ngành này như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với chương trình liên kết 2+2 mở năm 2018, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở năm 2021 thì năm 2024 đã có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học xây dựng, tuyển sinh chương trình Công nghệ tài chính trình độ cử nhân.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ tài chính của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh lại có những ưu điểm nổi bật, khác biệt.
Cụ thể, chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ tài chính của nhà trường được kế thừa các hoạt động hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo Công nghệ tài chính (bậc thạc sĩ) từ một dự án Erasmus+ của Ủy ban Châu Âu. Qua đó, dựa trên việc cung cấp kiến thức nền tảng và định hướng ứng dụng từ bậc đại học làm cơ sở cho việc học tập ở bậc cao hơn.
Hơn nữa, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ký kết và cung cấp khóa đào tạo phân tích dữ liệu (Data analytics) được cung cấp bởi SAS Inc. Chứng chỉ này sẽ giúp cho người học phát triển các kỹ năng phân tích dữ liệu khi tham gia hoạt động học tập tại trường.
Đây là chứng chỉ lần đầu được SAS Inc. triển khai tại Việt Nam. Và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên và duy nhất tại thời điểm này hợp tác với SAS Inc. cung cấp khóa học này ở nước ta.
Ngoài ra, thầy Hà cho biết, ngành học này còn được xây dựng theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng được nhu cầu từ các nhà tuyển dụng cũng như những thay đổi liên quan đến yêu cầu của xu thế hiện nay tại Việt Nam và cả trên thế giới.
Có thể thấy, công nghệ đã hỗ trợ lĩnh vực tài chính ngân hàng thay đổi cách vận hành, sản phẩm, dịch vụ cũng như làm thay đổi những đối tượng tham gia trên thị trường. Đơn cử, người học có thể ứng dụng học máy, học sâu, … để phân tích dữ liệu khách hàng nhằm phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra khi đánh giá lịch sử tín dụng và nhận dạng những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến khả năng thanh toán nợ vay của người đi vay.
Ngành học mới nhưng có số lượng hồ sơ xét tuyển cao gấp khoảng 10 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh
Để đảm bảo về chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng với xu thế toàn cầu, thầy Hà cho biết, ngành học Công nghệ tài chính của nhà trường đã kế thừa các hoạt động đào tạo nâng cao nhân lực liên quan đến xây dựng chương trình thạc sĩ Công nghệ tài chính được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu (Dự án Erasmus+ của Ủy ban Châu Âu).
Thầy Hà thông tin thêm, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở vật chất hiện đại, thông minh, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành nghề của sinh viên Công nghệ tài chính.
Hiện nay, nhà trường đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu đào tạo như thư viện với tổng diện tích 1.480m2 (600m2 diện tích phòng đọc, 450 chỗ ngồi với 127 máy tính phục vụ tra cứu); một số cơ sở dữ liệu mua ngoài như Tạp chí điện tử Emerald, Sage hoặc cơ sở dữ liệu sách điện tử để phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng hệ thống học tập trực tuyến cùng bài giảng điện tử nhằm hỗ trợ cho sinh viên được học tập một cách linh hoạt và chủ động một số chủ đề chuyên biệt.
Người học sẽ được tham quan, tìm hiểu một số doanh nghiệp có liên quan để nắm được vị trí việc làm, môi trường làm việc cũng như những hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, chuẩn bị cho định hướng tương lai của bản thân.
Là một ngành mới mở, thầy Hà cho rằng, việc để thí sinh hiểu rõ hơn về chương trình học cũng như công việc đối với Công nghệ tài chính còn cần có sự chia sẻ từ xã hội. Bởi, thực tế hiện nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa ngành học Công nghệ tài chính và ngành Tài chính công nghệ. Trong khi đó, đây là hai khái niệm khác biệt. Điều này thể hiện rõ ở việc chương trình đào tạo của từng ngành sẽ hướng đến đối tượng nào.
Tài chính công nghệ là việc doanh nghiệp công nghệ tham gia vào thị trường tài chính nhằm cung cấp những dịch vụ sử dụng nền tảng của họ. Còn Công nghệ tài chính là ứng dụng công nghệ trong tài chính cũng như chú trọng đến việc các doanh nghiệp tài chính - ngân hàng sử dụng công nghệ đó ra sao nên kiến thức nền tảng là tài chính ngân hàng và ứng dụng của công nghệ đối với ngành tài chính ngân hàng.
Thầy Hà bày tỏ, với tính ứng dụng cao như vậy nên dù là ngành học mới, số lượng hồ sơ nộp xét tuyển đối với ngành Công nghệ tài chính của nhà trường năm nay là tương đối cao, xấp xỉ gấp 10 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Mặt khác, theo thầy Hà, qua khảo sát một số doanh nghiệp khi xây dựng chương trình đào tạo Công nghệ tài chính, Khoa đã nhận thấy rằng, khả năng làm việc độc lập cũng như năng lực tự học tập, tính kỷ luật cao cùng khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường là những yếu tố then chốt giúp cho nhân lực của ngành này có thể tồn tại và thích ứng với công việc.
Chính vì vậy, khi hiểu rõ về ngành học và có lộ trình học tập tốt với những kỹ năng mềm được rèn luyện trong quá trình học tập, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để tìm kiếm công việc phù hợp và phát triển được bản thân.
“Để ngành học Công nghệ tài chính ngày càng phát triển, bên cạnh việc đội ngũ giảng viên phải không ngừng học tập và nâng cao kiến thức phù hợp với tình hình thay đổi của ngành nghề, tôi mong rằng, các doanh nghiệp sẽ là một phần không thể tách rời trong và sau quá trình đào tạo của nhà trường. Điều này sẽ giúp cho chương trình đào tạo Công nghệ tài chính luôn cập nhật được với tình hình thực tế cũng như là nơi hỗ trợ để sinh viên của ngành được thực tập và làm việc”, thầy Hà bày tỏ.