Sinh viên đại sứ, họ là ai?
Tương đương với công việc của những nhà đại sứ chính thống, công việc của một sinh viên đại sứ là giới thiệu đến công chúng về môi trường Đại học mà họ đang theo học. Các đại sứ sinh viên thường tham gia vào các hoạt động lăng xê hình ảnh nhà trường trong mắt các sinh viên, phụ huynh tiềm năng. Chương trình đại sứ sinh viên của trường Curtin (Úc) khẳng định công việc của những sinh viên này là làm nhằm kết nối Trường Đại học với cộng đồng bên ngoài. Khi đó họ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để mang đến cộng đồng ấn tượng đẹp về môi trường học tập, chất lượng giáo dục của nhà trường.
Những công việc phổ biến của một sinh viên đại sứ là tổ chức các chuyến tham quan khu học xá và những hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Nhiệm vụ thứ hai là đến các trường cấp III để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cho các sinh viên tiềm năng và cuối cùng là tham dự vào các hội chợ, triển lãm giáo dục ở địa phương.
Những điểm cộng của “nghề đại sứ sinh viên”
Những đại sứ sinh viên tham gia công tác này thông thường sẽ được chọn hoặc nhận tín chỉ, hoặc nhận tiền lương. Cô bạn chia nhà của tôi, cựu sinh viên ở The Hague University of Applied Sciences, đã chọn nhận lương khi làm đại sứ. Nhiệm vụ chính của Cathy là đến các triển lãm giáo dục để lăng-xê về THU với mức lương 8euros/giờ.
Tuy nhiên, những kĩ năng và kinh nghiệm làm việc mới là điểm cộng lớn nhất cho CV của bạn. Đối với sinh viên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông, đây là một công việc đảm bảo mang lại cho bạn những kinh nghiệm thực tế hữu ích về Truyền thông như làm việc nhóm. Chưa kể những mối quan hệ trong quá trình làm việc sẽ rất có lợi cho bạn sau khi tốt nghiệp.
Làm thế nào để trở thành một đại sứ sinh viên?
Lúc mới vào làm đại sứ sinh viên, thông thường bạn sẽ được nhận nhiều tài liệu liên quan đến ngành Quan hệ công chúng để tham khảo các kĩ năng cần thiết. Cathy chia sẻ: “Kĩ năng này quan trọng bởi cốt lõi của công việc này là bạn phải rao bán thương hiệu của trường”.
Từ trong nước, bạn có thể tham gia vào các Hội sinh viên của trường trên Facebook, website… để tạo mạng lưới bạn bè từ sớm. Đối với các trường có chương trình trao đổi Erasmus, thường sẽ có trang Facebook riêng dành cho những sinh viên quốc tế.
Việc tham gia vào các chương trình triển lãm giáo dục ở Việt Nam cũng rất có ích bởi qua đó bạn có thể đúc rút cho mình những kinh nghiệm tổ chức, trình bày thông tin. Các hoạt động ngoại khóa, party cũng rất quan trọng nếu bạn muốn tạo dấu ấn trong tổ chức các chương trình tham quan dành cho sinh viên.
Điều quan trọng cuối cùng là bạn phải đọc kĩ thời hạn ứng cử cho vị trí đại sứ để không bỏ lỡ cơ hội.