Trước thềm năm học 2024-2025, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề của các địa phương trên cả nước.
Là tỉnh miền núi có đông học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp, song địa phương vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm bởi khó khăn trong công tác tuyển dụng và vấn đề di dân tự do từ nơi khác đến.
Năm học 2024-2025, Đắk Nông thiếu 2.158 giáo viên, chịu sức ép lớn từ tinh giản biên chế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông chia sẻ, số lượng giáo viên của tỉnh hiện chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn hiện nay. Bước vào năm học 2024-2025, toàn ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông thiếu 2.158 biên chế giáo viên. Trong đó, cấp mầm non và tiểu học thiếu nhiều giáo viên nhất.
Một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học là yếu tố về con người. Nhưng nếu yếu tố đó không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phân công giáo viên, bố trí thời khóa biểu. Một số giáo viên phải giảng dạy thêm giờ, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, trong khi nguồn kinh phí chi trả tiền làm thêm giờ của địa phương còn hạn hẹp", ông Hải cho hay.
Về nguyên nhân thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông nhận định, số lượng học sinh trên địa bàn mỗi năm đều tăng. Riêng năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 200.000 học sinh các cấp. Mặc dù số trường học không tăng so với năm học trước, nhưng dự kiến sẽ tăng hơn 500 lớp học.
Số lượng học sinh tăng nhanh ở một số vùng nên công tác phân luồng, tuyển dụng giáo viên gặp nhiều trở ngại. Mặc dù tuyển chưa đủ số biên chế được giao nhưng ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đang phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế.
"Giáo dục là một ngành đặc thù nên thực hiện tinh giản biên chế không phải việc đơn giản và không thể tính toán cơ học. Nếu cứ cắt giảm cơ học sẽ rất khó để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Đây là áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông", ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, ở một số địa phương đang trong quá trình phát triển, người dân đến sinh sống, lập nghiệp tăng nhanh, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc. Số học sinh tăng lên hàng năm khiến đội ngũ giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn. Giáo viên sẽ càng phải gồng gánh trên vai khối lượng và trách nhiệm công việc lớn.
Trong khi đó, ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, tổng số lượng biên chế giáo viên của huyện được cấp có thẩm quyền giao hiện nay là 1.038 biên chế. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ngành giáo dục huyện Đắk Glong thiếu hơn 100 giáo viên ở tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở. Tuy nhiên, hàng năm địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Tình hình tuyển dụng một số môn học đặc thù như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… gặp nhiều trở ngại do không có nguồn tuyển hoặc không có người nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, việc triển khai và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp những hạn chế nhất định.
Theo ông Lê Đại Thành, tình trạng thiếu giáo viên ở địa phương xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hàng năm, địa bàn huyện Đắk Glong có số lượng học sinh tăng cao, bình quân tăng từ 750-1000 học sinh/năm. Trong khi số lượng biên chế được giao hàng năm hầu như không tăng, thậm chí có nguy cơ giảm do tinh giản biên chế theo quy định.
Hơn nữa, một số thầy cô giáo vì điều kiện hợp thức hóa gia đình, công việc cá nhân nên có xu hướng chuyển về gần nhà hoặc những vùng trung tâm có điều kiện đi lại thuận lợi. Từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, cô Lại Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, bon Bu Đách, xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thông tin, hiện tại trường đang thiếu 3 giáo viên. Huyện đang có kế hoạch tuyển viên chức trong tháng 9 và bố trí cho trường 2 chỉ tiêu biên chế và 1 chỉ tiêu hợp đồng.
"So với giáo viên hợp đồng, giáo viên đã vào biên chế được hưởng nhiều quyền lợi, phụ cấp hơn nên cũng có sự chủ động hơn. Tuy nhiên, giáo viên hợp đồng cũng là giải pháp tình thế phù hợp với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay", Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai cho biết.
Tinh giản biên chế nên căn cứ vào tình hình từng địa phương
Nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên trong năm học 2024 - 2025, ông Phan Thanh Hải cho biết, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông hiện vẫn thực hiện tốt việc hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, Sở cũng rà soát lại trong nội bộ biên chế của ngành để phân công giáo viên giảng dạy phù hợp nhất và hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Thực hiện điều chuyển một số giáo viên ở nơi thừa sang nơi thiếu đối với các môn học thiếu giáo viên.
Song song với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, giao bổ sung biên chế giáo viên và nhân viên trường học.
"Trên thực tế ngành giáo dục thiếu giáo viên nhưng không được bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế, trong khi đó số học sinh lại tăng. Vì vậy, việc cắt giảm biên chế và cấp biên chế cho những tỉnh, thành nên được đánh giá bằng công thức khoa học và rà soát đặc điểm, điều kiện thực tiễn của từng vùng, miền, địa phương. Ví dụ ngành giáo dục ở khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc hay Thành phố Hà Nội đều có tính chất đặc thù riêng. Những giải pháp này tỉnh đã đề xuất từ lâu nhưng vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề", ông Hải nhấn mạnh.
Về đề xuất hạ chuẩn tuyển dụng giáo viên, ông Hải bày tỏ sự ủng hộ vì ngành giáo dục địa phương đang thiếu nhiều biên chế, việc tuyển dụng gặp khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Nếu đề xuất này được chấp thuận, việc tuyển giáo viên, số hồ sơ đăng ký xét tuyển, thi tuyển sẽ tăng lên và địa phương sẽ dễ dàng tìm được nguồn tuyển. Tuy nhiên, sau vài năm, giáo viên diện này phải nâng chuẩn phù hợp với yêu cầu của Luật giáo dục 2019.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại huyện Đắk Glong, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết, trong những năm qua, ngành giáo dục huyện đã triển khai cho các đơn vị trường học tích cực động viên đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài việc đảm nhận giảng dạy theo quy định, giáo viên cần cố gắng tham gia dạy thêm giờ nhằm đảm bảo chương trình học của học sinh. Tuy nhiên, vấn đề chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp.
Theo ông Lê Đại Thành, các cấp cần quan tâm hơn nữa đến cơ chế thu hút giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, nhất là về lương, chế độ đãi ngộ… Qua đó góp phần tăng sức hút của nghề giáo, giúp giáo viên yên tâm công tác, tập trung phát triển chuyên môn, nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Thêm vào đó, ngành sư phạm nên tăng cường đào tạo theo nhu cầu của địa phương. Đồng thời có dự báo về số giáo viên đào tạo theo từng giai đoạn cụ thể. Hạn chế việc đào tạo không gắn với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay. Đặc biệt cần quan tâm đào tạo các môn còn thiếu nguồn tuyển giáo viên như: Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.
Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành sư phạm tại địa bàn còn hạn chế. Nếu không có dự báo, sẽ có nhiều giáo viên được đào tạo nhưng không xin được việc làm, chuyển sang công việc khác, hoặc không theo học sư phạm. Ngược lại, nếu có dự báo về nhu cầu đào tạo, địa phương có thể xây dựng kế hoạch tuyển dụng và phát triển đội ngũ giáo viên. Đồng thời tránh tình trạng thừa - thiếu giáo viên, lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, trong phạm vi từng tỉnh, cần có những chính sách, cơ chế hiệu quả hơn nữa trong việc luân chuyển, biệt phái có thời hạn thầy cô giáo từ những nơi có điều kiện đến những nơi còn khó khăn về đội ngũ giáo viên.
Trong khi đó, cô Hoa chia sẻ, các giáo viên ở Trường Mầm non Hoa Mai rất phấn khởi vì Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành ngày càng quan tâm đến đội ngũ giáo viên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo. Với chính sách tăng lương cơ sở từ 1/7, giáo viên không chỉ có thêm động lực gắn bó, cống hiến với nghề, mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
"Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, thời gian qua ngành giáo dục huyện Tuy Đức đã tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Qua đó, cơ sở vật chất của trường ngày càng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. So với lịch sử phát triển của một huyện có tuổi đời còn non trẻ, đây là kết quả rất đáng tự hào", cô Hoa cho hay.
Theo cô Hoa, điều làm các giáo viên băn khoăn và chưa hoàn toàn yên tâm công tác là tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp chưa đạt như mong muốn.Thời gian đầu năm học, giáo viên mầm non phải đi làm từ rất sớm để vệ sinh lớp học, chuẩn bị đón trẻ. Dù công việc rất vất vả, các giáo viên vẫn nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy học và chăm sóc trẻ.
Cô Hoa bày tỏ mong muốn, giáo viên ở trường sẽ sớm được xét thăng hạng và đảm bảo bố trí đủ định mức giáo viên/lớp. Từ đó nhà trường có đủ nguồn lực để bố trí các hoạt động tại lớp bảo đảm giờ dạy. Giáo viên có thêm thời gian để chuẩn bị bài dạy, trang trí môi trường lớp học cũng như tự bồi dưỡng chuyên môn.