LTS: Nhìn bên ngoài, nghề giáo có vẻ là một nghề an nhàn, tuy nhiên ít người biết được những công sức lao động đằng sau bục giảng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Lê Đức Đồng về chủ đề này.
Bản thân tôi đã từng đi dạy 35 năm nên càng thấu hiểu, chia sẻ với những người đồng nghiệp đang ngày ngày lên lớp, thực hiện nhiệm vụ “trồng người” vẻ vang…
Nếu ở ngoài nhìn vào, chúng ta luôn thấy thầy cô lúc nào cũng tươi cười, có khi chỉ dạy một tiết, hai tiết rồi về lo chuyện nhà.
Đúng là nghề giáo thật nhàn nhã, chỉ đến trường khi có giờ dạy; còn lại ở nhà chăm sóc con cái, vệ sinh nhà cửa, cơm nước cho gia đình…
Kỳ thực có đúng như vậy không? Xin thưa, đằng sau mỗi giờ lên lớp là cả một quá trình lao động trí óc; là cả sự phấn đấu bền bỉ, kiên trì chứ không phải đơn giản như nhiều người nghĩ về nghề giáo!
Giáo viên thức đêm soạn giáo án. (Ảnh minh họa: Baonghean.vn) |
Đó là công việc chuẩn bị bài dạy, đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Học trò ngày nay có “trình độ” hơn trước vì các em cũng biết sử dụng vi tính; luôn tìm tòi những kiến thức trên mạng để phục vụ bài học.
Nếu thầy cô chưa chuẩn bị kỹ thì sẽ bị các em “bắt bí” và không biết hướng trả lời! Cho nên, việc soạn bài phải lường hết mọi tình huống để có hướng giải quyết, hướng trả lời cho các em.
Bài soạn nhiều khi phải thể hiện những kiến thức minh họa không có trong sách giáo khoa nhưng phải đảm bảo tính chính xác.
Soạn được một bài dạy cho một, hai tiết là cả một công trình của người thầy! Không đơn giản là lấy giáo án mẫu trên mạng về, chỉnh sửa đôi chút rồi lên lớp!
Không thể được bởi đó không là “giọng” của mình; không phải là mồ hôi, nước mắt của mình nên rất dễ bị “sượng”! Bây giờ giáo viên còn phải tìm, sưu tập hình ảnh, sử dụng máy chiếu để giờ học thêm sinh động…
Đó là công việc chấm bài cho học sinh khá vất vả. Chấm bài là thẩm định, đánh giá mức độ vận dụng kiến thức của học sinh vào bài làm cụ thể.
Không thể chấm qua loa, cho điểm kiểu “hòa cả làng” mà phải chấm kỹ từng bài (nhất là bài Văn) để học sinh nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Mỗi buổi tôi chấm khoảng mười bài vì chấm nhiều sẽ khó chính xác! Những đoạn cần đọc kỹ, cần diễn đạt lại tôi đều viết ra một đoạn thay thế để các em so sánh hoặc cách sử dụng từ; cách ngắt câu cho gọn…
Thầy cô ước ao có thời gian đọc sách |
Tôi cũng rất ngạc nhiên cách chấm của nhiều bạn đồng nghiệp.
Họ chỉ ghi điểm, ghi lời nhận xét chung chung, “ráp” vào em nào cũng đúng cả! Nào là “Cần cố gắng!” hoặc “ Có nhiều tiến bộ!”…
Cả bài làm của các em (hai, ba tờ giấy) mà chẳng có sửa lỗi nào cả.
Như vậy, các em biết mình sai chỗ nào, đúng chỗ nào và điểm giáo viên cho như vậy có “tâm phục khẩu phục” không?
Đó là bên cạnh ngoài giờ lên lớp, giáo viên còn phải sắp xếp thật ổn thỏa việc nhà nào đi chợ, cơm nước; đưa đón con đi học…
Bên cạnh đó là việc giao tiếp với mọi người, làm sao cho hòa thuận, đoàn kết để luôn có không khí tươi vui…
Phía đằng sau những giờ lên lớp là những hy sinh thầm lặng của người thầy. Họ lắm khi phải nén lòng, làm chủ cảm xúc, chiến thắng bản thân để dành cho những giờ lên lớp đạt hiệu quả…
Hãy hiểu đúng công việc lao động trí óc vất vả của người thầy; có khi mồ hôi không đổ ra ngoài nhưng một khi mồ hôi lặn vào trong, nhưng tất cả đã mang lại niềm vui vô bờ cho nghề giáo!