Thầy cô ước ao có thời gian đọc sách

27/12/2018 06:54
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều trường hiện nay, đã mạnh dạn giảm bớt một số giờ học văn hóa mà thay vào giờ đọc sách bắt buộc cho học sinh. Giáo viên cũng cần có thời gian để đọc sách.

LTS: Làm thế nào để các thầy cô có thể truyền cảm hứng, cũng như kiến thức cho học sinh khi không có đủ thời gian để đọc hết một cuốn sách?

Theo đó, từ vấn đề trên nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Sau bài viết “Không đi làm thêm tất cả nhà giáo chúng tôi sẽ sống bằng gì?” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự đồng cảm rất lớn từ các thầy cô giáo hiện đang giảng dạy trong môi trường giáo dục.

Thế nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng “đâu chỉ riêng nghề giáo phải làm thêm mới có thể sống. Xã hội còn biết bao nghề như thế?”.

Nói vậy đủ biết họ chưa hiểu nhiều về nghề giáo. Những ngành nghề khác sau khi rời cơ quan, công sở là mọi công việc được bỏ lại sau cánh cổng.

Không đi làm thêm, tất cả nhà giáo chúng tôi sẽ sống bằng gì?

Về nhà, người ta có thể thư giãn, nghỉ ngơi và vui chơi. Riêng giáo viên việc sẽ theo về nhà, việc len lỏi trong ý nghĩ, việc đi vào giấc ngủ…

Biết bao công việc liên quan khó điểm tên hết. Nào là ra đề kiểm tra, chấm sửa bài cho học sinh, soạn giáo án, lên kế hoạch giảng dạy, kế hoạch kèm, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, yếu kém, liên hệ với phụ huynh, vào phần mềm đánh giá hàng tháng, hàng đợt, hoàn thành hàng tá biểu mẫu khác…bấy nhiêu công việc thôi cũng đã chiếm hết thời gian của thầy cô rồi.

Có những bình luận của thầy cô nghe đến xót xa “ước gì buổi sáng đi dạy, buổi chiều ngồi thư viện đọc tài liệu, không phải bon chen cơm gạo áo tiền thì chất lượng công việc được nâng lên nhiều. Giáo viên sẽ dạy tốt và sẽ yêu nghề hơn rất nhiều”.

Điều ước này chính là nỗi lòng, niềm mong ước của khá nhiều thầy cô. Nhưng dù muốn, họ cũng chẳng thể làm gì được.

Gánh nặng của cuộc sống đã lấy hết thời gian rảnh của họ. Ai cũng thế, vừa tan trường đã hối hả, tất tả ra về với bao nhiêu việc làm thêm đang chờ đợi. Lao vào làm ăn đương nhiên sẽ xao nhãng, bỏ bê công việc chính. Trong khi biết bao việc làm thêm lại cho họ thu nhập chính.

Bạn thử nghĩ xem, có giáo viên dạy văn nhưng mấy năm trời đọc chưa xong một tác phẩm văn học mới, chưa có thời gian đọc và nghiền ngẫm một tác phẩm thơ hay...

Liệu khi dạy về giảng văn, dạy bình thơ họ sẽ lấy dẫn chứng ở đâu để làm phong phú bài giảng? Sẽ lấy tư liệu nào cung cấp thêm cho học sinh minh họa? Hay chỉ loanh quanh với mấy tác phẩm cũ rích học được từ thời phổ thông và đại học?

Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào?

Thư viện trường nào chẳng có sách nhưng cứ nhìn xem sổ mượn sách nơi thư viện có mấy thầy cô đăng kí? Có nhiều giáo viên chia sẻ “mình ham đọc sách nhưng là trước đây. Giờ đi dạy rồi có muốn cũng chẳng thể đọc được”.  

Một giáo viên dạy Giáo dục công dân muốn lồng ghép những câu chuyện thời sự để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh nhưng chẳng có thời gian đọc báo, xem ti vi mỗi ngày để nghe thời sự.

Kiến thức thầy cô truyền tải cũng chỉ gói gọn trong mấy trang sách mà học sinh đã biết rồi.

Một giáo viên dạy Lịch sử nhưng tình hình thời sự trong và ngoài nước mới nhất cũng chẳng nắm rõ.

Giáo viên dạy Địa lý đôi khi hỏi dân số hiện tại của nước ta là bao nhiêu lại đưa ra số liệu cũ (số liệu ghi trong sách) hàng chục năm về trước…

Bởi, thời gian đâu mà thầy cô tìm hiểu? Bao thời gian, sức lực cũng đều dành cho việc “tháng này lấy gì đóng học phí cho con?” hay “biết lấy tiền đâu để đi khám bệnh?”…

Giáo viên muốn dạy tốt phải luôn cập nhật kiến thức mới, phải bồi dưỡng tri thức, phải nâng cao sự hiểu biết của chính bản thân mình…

Thầy cô ước ao có thời gian đọc sách (Ảnh minh họa: baoquangnam.vn).
Thầy cô ước ao có thời gian đọc sách (Ảnh minh họa: baoquangnam.vn).

Sao có thế ví công việc dạy chữ, dạy người của thầy cô như người nông dân chỉ cần có sức khỏe cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác quanh năm? Như người thợ xây có kĩ thuật là tự tin xây hết công trình này đến công trình kia?

Công việc của thầy cô muốn dạy hay, dạy tốt, dạy hiệu quả thì người giáo viên không chỉ dùng vốn tri thức hiện có mà phải luôn bổ sung và nâng cao mỗi ngày.

Muốn có điều này, chính thầy cô phải đọc, phải nghiên cứu, tìm hiểu, phải nghe thời sự, phải nắm bắt thông tin, phải cập nhật tin tức…

Bởi vì quay cuồng với chuyện đời thường cơm áo gạo tiền phần lớn giáo viên hiện nay họ chẳng còn chút thời gian trống nào để bổ sung những kiến thức cần thiết.

Nhiều trường học hiện nay, đã mạnh dạn giảm bớt một số giờ học văn hóa mà thay vào giờ đọc sách bắt buộc cho học sinh. Giáo viên cũng cần có thời gian để đọc sách, nghiên cứu.

Vậy nên chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây cũng cần dành cho thầy cô giáo một khoảng thời gian hợp lý để góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên.

Phan Tuyết