Đánh giá bài báo của ứng viên GS, PGS ngành KHXH nên dựa vào đâu?

08/12/2023 06:35
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn đạt tiêu chuẩn bài báo quốc tế, có ứng viên phải chi số tiền lớn để thuê, hoặc nhờ người khác dịch bài viết từ tiếng Việt của ứng viên sang tiếng Anh.

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, một trong những điều kiện tiên quyết đối với ứng viên là có công bố kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo công bố quốc tế).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tiêu chuẩn có bài báo công bố quốc tế đã gây nên một số khó khăn đối với một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.

Do đó, có ý kiến cho rằng, bài báo công bố quốc tế chỉ nên khuyến khích, không nên là tiêu chuẩn cứng trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư các ngành/liên ngành lĩnh vực Khoa học xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn – người từng giữ vị trí chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư từ cấp cơ sở đến cấp liên ngành và cấp Nhà nước (từ năm 1991 đến năm 2014), nguyên Viện trưởng Viện Triết học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, việc nên hay không đưa bài báo công bố quốc tế vào trong tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư đã được bàn luận rất nhiều.

"Đánh giá bài báo khoa học của các ứng viên phải dựa trên chất lượng của bài, không nhất thiết phải đăng bài ở tạp chí trong nước hay quốc tế. Vì ở lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn có những nội dung nghiên cứu đặc thù, như liên quan đến đường lối chính sách, sự phát triển của Việt Nam,... đăng ở tạp chí quốc tế cũng khá nhạy cảm, khó thực hiện”, Giáo sư Chuẩn chia sẻ quan điểm.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn. Ảnh: Ngọc Mai

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn. Ảnh: Ngọc Mai

Yêu cầu có công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế là đúng với các ngành thuộc Khoa học tự nhiên chứ không phù hợp với một số ngành thuộc Khoa học xã hội và Nhân văn. Từ trước đến nay, phần lớn các nhà khoa học trong nước ở lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn lựa chọn tập trung nghiên cứu về Việt Nam nên khó tìm được tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus phù hợp để công bố, nhất là các bài viết phải đáp ứng được tiêu chí riêng của từng tạp chí quốc tế.

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Chuẩn, ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành/liên ngành thuộc Khoa tự nhiên có thuận lợi hơn khi đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế vì không gặp các vấn đề liên quan đến chính trị, văn hóa, lịch sử. Còn việc nghiên cứu và đăng tải bài viết về lĩnh vực Khoa học xã hội có phần thận trọng hơn trong biên tập, tùy vào đối tượng nghiên cứu, mức độ ra sao thì mới được đăng trên tạp chí quốc tế. Thậm chí, một khi có chi tiết trong bài viết liên quan đến yếu tố chính trị, lịch sử, tạp chí quốc tế sẽ không đăng tải.

Hơn nữa, hiện trong nước có nhiều chuyên gia đứng đầu môn học, hoặc lĩnh vực nào đó nhưng vì họ nghiên cứu vấn đề đặc thù, phục vụ phạm vi trong nước nên không công bố quốc tế được, điều này "rất thiệt thòi cho chính các chuyên gia trong nước" - Giáo sư Chuẩn nói.

Từ những bất cập hiện nay, Giáo sư Chuẩn cho rằng, cần thay đổi quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong Quyết định 37.

“Áp dụng tiêu chuẩn công bố kết quả nghiên cứu khoa học đối với xét công nhận giáo sư tất cả các ngành/liên ngành là quy định chưa phù hợp. Đừng nghĩ rằng tất cả bài báo đăng ở tạp chí quốc tế đều tốt hơn bài báo đăng ở tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước. Một số tạp chí trong nước hiện nay có chất lượng không thua kém gì so với tạp chí khoa học quốc tế. Những bài viết được đăng trên tạp chí trong nước đều phải đáp ứng đủ các điều kiện như: có tính mới, tính khoa học, dẫn chứng đủ căn cứ,...

Do vậy, tiêu chuẩn về công bố khoa học trong Quyết định 37 cần thay đổi theo hướng xem xét các tạp chí nào trong nước được công nhận tương đương với tạp chí nước ngoài (phải có hội đồng đánh giá các tạp chí)”

_Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chuẩn_

Cùng chia sẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh – nguyên Trưởng khoa Khoa Triết học Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình việc bỏ tiêu chuẩn bài báo quốc tế đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, nhất là những nghiên cứu mang tính đặc thù như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, Văn hóa Dân gian Việt Nam, các ngành Hán Nôm, ngành Dân tộc học,...

“Xuất bản bài viết trên tạp chí khoa học quốc tế có phần vừa mang tính hình thức vừa tốn kém. Bởi, không phải ứng viên giáo sư, phó giáo sư nào cũng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nên muốn đạt tiêu chuẩn bài báo quốc tế, có ứng viên phải chi số tiền lớn để thuê, hoặc nhờ người khác dịch bài viết từ tiếng Việt của ứng viên sang tiếng Anh để đăng tạp chí nước ngoài”, Phó Giáo sư Sinh cho biết.

Gỡ khó cho ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn về công bố quốc tế, Phó Giáo sư Trần Đăng Sinh đề xuất không nên áp dụng tiêu chuẩn bài báo quốc tế đối với tất cả các ngành khoa học ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành thuộc Khoa học xã hội và Nhân văn nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề về Việt Nam.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng, vị thế của một số tạp chí chuyên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số tạp chí chuyên ngành ở trong nước có tính phản biện khá chặt chẽ, khó và bài viết có độ sâu. Song, muốn đề cao các tạp chí trong nước thì cần cải tiến chất lượng biên tập và phản biện theo chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, nên khuyến khích các bài nghiên cứu có tính liên ngành đăng ở các tạp chí uy tín nhưng không trong danh mục của hội đồng giáo sư quy định. Ví dụ, các nghiên cứu nhân học, văn hóa,… rất gần gũi với Xã hội học, hội đồng nên tính điểm cho các nhà nhân học có bài đăng trên tạp chí Xã hội học và ngược lại.

“Với bài báo quốc tế, chỉ khuyến khích, động viên nhà khoa học phấn đấu có công bố quốc tế chứ không nên bắt buộc. Ai có bài báo quốc tế sát với chuyên môn nghiên cứu thì cộng thêm điểm khi xét công nhận các chức danh giáo sư, phó giáo sư”

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh_

Cũng theo vị Phó Giáo sư này, nghiên cứu khoa học đối với các ngành thuộc Khoa học xã hội mang tính định tính, có đề tài nghiên cứu phải chờ 30 năm sau mới biết là đúng hay sai, mang tính dự báo, xu hướng. Do đó, không thể muốn đăng tạp chí quốc tế là đăng được ngay.

“Ví dụ, quốc tế muốn đánh giá công trình nghiên cứu về tác phẩm Truyện Kiều (của tác giả Nguyễn Du) phải vừa hiểu tiếng Việt, vừa thạo tiếng Anh và hiểu bản gốc của Truyện Kiều thì mới đánh giá, công nhận đúng chất lượng”, Phó Giáo sư Sinh chia sẻ thêm.

Ngọc Mai