Chủ tịch HĐGS liên ngành chỉ lý do 3 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét GS, PGS

03/11/2023 06:39
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lý do khiến 3 ứng viên liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm không đạt vì không đủ tiêu chí về số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách 606 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Đáng chú ý, có 56/60 ứng viên vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. Chỉ 4 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có đơn xin rút (chiếm 6,67% so với số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất vào hồi đầu tháng 9).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm cho biết: “Trong 4 ứng viên thì có 1 ứng viên giáo sư xin rút hồ sơ. 3 ứng viên còn lại gồm 2 ứng viên giáo sư và 1 ứng viên phó giáo sư không đủ tiêu chí về số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín mà ứng viên là tác giả chính theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cũng theo thầy Sung về cơ bản các ứng viên thuộc liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm đều có nhiều bài báo quốc tế uy tín, tỷ lệ không đạt chỉ là một phần nhỏ. Đối với ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư yêu cầu rất cao nên họ cũng gặp không ít trở ngại, nhất là yêu cầu về các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín.

“Nhiều thầy cô gặp trở ngại khi xét công nhận chức danh giáo sư vì các bài báo quốc tế uy tín là tác giả chính không nhiều, thường công bố chung với học trò, nghiên cứu sinh, học viên cao học… Mà theo quy định thì ứng viên phải là tác giả chính chứ không phải cùng đồng tác giả”, thầy Sung nhận định.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm cũng cho biết thêm, về ngoại ngữ, các ứng viên đều đạt yêu cầu. Bởi ở liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm ứng viên phải làm việc với các đối tác quốc tế nhiều nên họ rất thành thạo ngoại ngữ.

Tuy nhiên, theo thầy Sung các ứng viên cần chú trọng hơn nữa đến các yêu cầu cao về mặt chuyên môn như: sách giáo trình, sách chuyên khảo.... Đồng thời phải nâng cao chất lượng của các công trình công bố ở các tạp chí quốc tế uy tín.

“Các ứng viên phải chú ý đến các tạp chí quốc tế có uy tín chất lượng cao, tránh những tạp chí mà người ta gọi nó ở trong danh sách đen thì chất lượng sẽ không được đảm bảo”, thầy Sung nhấn mạnh.

So với các năm trước, số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm tăng.

Cụ thể, năm 2021, liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 44 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó có 4 giáo sư, 40 phó giáo sư.

Sau quá trình xét duyệt của Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm chỉ còn 42 ứng viên (4 giáo sư, 38 phó giáo sư) đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thống kê tình hình xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm của liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. (Bảng: Nhật Lệ)

Thống kê tình hình xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm của liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. (Bảng: Nhật Lệ)

Năm 2022, liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 50 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó có 3 giáo sư, 47 phó giáo sư.

Sau quá trình xét duyệt của Hội đồng Giáo sư liên ngành còn 44 ứng viên (1 giáo sư, 43 phó giáo sư, giảm 3 ứng viên).

Các ứng viên đều đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng như: Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; Trường Đại học Cần Thơ;...

Nhật Lệ