Xét GS,PGS lĩnh vực khoa học xã hội: Cần danh mục bài báo tương đương ISI/SCOPUS

19/11/2023 06:45
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành phải đưa ra được danh sách những Tạp chí có thể đăng bài báo khoa học tương đương với các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.

Những năm gần đây, quy mô giáo dục đại học tăng lên nhưng số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư lại tăng giảm thất thường.

Riêng năm 2023, so với năm 2022 thì cả nước giảm 49 giảng viên cơ hữu có học hàm giáo sư, giảm 39 giảng viên cơ hữu có học hàm phó giáo sư.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề số lượng giảng viên học hàm giáo sư, phó giáo sư thấp liệu có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo đại học và quy mô đào tạo tiến sĩ?

Hơn nữa, sự chênh lệch lớn về số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hằng năm giữa các ngành/lĩnh vực cũng là một bài toán đặt ra.

Sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẵn có

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, vấn đề hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam không chỉ là thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư mà còn sử dụng không hiệu quả, không khai thác được tối đa nguồn lực hiện có, dẫn đến hậu quả mất cân đối giữa các ngành, nghề, lĩnh vực khoa học trong toàn hệ thống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính bày tỏ lo ngại tình trạng để lãng phí nguồn nhân lực giáo sư, phó giáo sư ở các ngành khoa học cơ bản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính bày tỏ lo ngại tình trạng để lãng phí nguồn nhân lực giáo sư, phó giáo sư ở các ngành khoa học cơ bản.

Sự thiếu hụt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mở rộng quy mô đào tạo bậc cao, sau đại học và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Nếu số lượng đã ít mà không sử dụng hiệu quả để tạo nên được chất lượng thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của giáo dục đại học

Đặc biệt với hai đại học quốc gia, cần phải mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Để thực hiện được việc này thì chúng ta cần số lượng lớn đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. Chỉ như vậy, các đại học quốc gia mới có thể trở thành “đầu đàn” của hệ thống giáo dục Việt Nam và “sánh bước” với các trường đại học quốc tế.

Theo Phó Giáo sư Phạm Đức Chính, với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, số lượng giáo sư, phó giáo sư những năm gần đây rất ít, đây cũng là vấn đề cần xem xét. Hay với một số ngành khoa học cơ bản đang xảy ra tình trạng chưa tận dụng triệt để và vẫn để lãng phí nguồn nhân lực giáo sư, phó giáo sư.

Bên cạnh tính đến việc đào tạo lâu dài, cần sử dụng hiệu quả đội ngũ sẵn có, phải có cơ chế để trường đại học có chính sách đãi ngộ và tạo cơ hội phát triển cho các giáo sư, phó giáo sư.

Nếu không tận dụng đội ngũ này hiệu quả, về lâu dài, thế hệ kế cận và thế hệ tương lai sẽ mất động lực phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư; còn đội ngũ hiện tại có thể sẽ chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp và đơn vị khác, khi đó trường đại học sẽ “đánh mất” các giáo sư, phó giáo sư.

Thực hiện nhiều giải pháp, ưu tiên chất lượng không chạy theo số lượng

Lý giải tình trạng quy mô giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư không ổn định và tăng không đáng kể trong những năm qua, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô, cho biết, quy chế bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư từ khi có Quyết định 37/2018/QĐ-TTg đặt ra yêu cầu khó hơn so với trước đó.

Theo quy định này, ứng viên cần có bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn sẽ khó hơn nên số lượng giáo sư, phó giáo sư mới được công nhận sẽ giảm so với những năm trước đó.

Trong khi số lượng giáo sư, phó giáo sư nghỉ hưu hằng năm cũng nhiều nên tỷ lệ số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư của các trường không tăng đột biến là điều dễ hiểu.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, số lượng giảng viên giáo sư, phó giáo sư không tăng nhiều khi quy mô đại học tăng không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Nhà nước đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo hướng đẩy mạnh công bố quốc tế, tức là ưu tiên chất lượng hơn số lượng, và hiển nhiên, quy mô đào tạo tiến sĩ giảm cũng là điều bình thường.

Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh, với đào tạo tiến sĩ càng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Còn nếu số lượng đội ngũ tiến sĩ hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học thì cần phải có những giải pháp mới.

Thứ nhất, nhà nước nên tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; có nhiều hơn những đề án hỗ trợ cho giảng viên học tiến sĩ như Đề án 89.

Thứ hai, bản thân trường đại học phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao trình độ giảng viên.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển đội ngũ tiến sĩ học ở nước ngoài về.

“Hiện nay, đội ngũ học tiến sĩ ở nước ngoài rất đông và nhiều người có nguyện vọng trở về nước làm việc. Điều quan trọng là phải có chính sách tốt để thu hút đội ngũ này.

Hay số lượng tiến sĩ đi học nước ngoài nhưng khi về nước không làm việc trong các trường đại học cũng rất nhiều. Vậy bài toán đặt ra là trường đại học phải có chính sách thu hút để họ tham gia cống hiến cho giáo dục đại học.

Hiện, một số cơ sở giáo dục đại học của chúng ta cũng đã thực hiện tuyển giảng viên quốc tế như Đại học Bách khoa Hà Nội, đó là một giải pháp hay, nếu thiếu số lượng đội ngũ chúng ta phải bổ sung, nhưng phải ưu tiên chất lượng chứ không chạy theo số lượng”, Tiến sĩ Hiệp khẳng định.

Riêng với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, một số ngành đang thiếu trầm trọng thì phải có chiến lược hỗ trợ, để nâng tầm đội ngũ máy cái, các trường cũng phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để các giảng viên phấn đấu đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Hơn nữa, quy chế về tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư cần phải thông thoáng hơn. Hi vọng sự ra đời của Luật Nhà giáo sắp tới sẽ giải quyết được vấn đề này, để các trường đại học tận dụng được đội ngũ nhà khoa học giỏi.

Về vấn đề số lượng giáo sư, phó giáo sư các ngành khoa học xã hội và nhân văn ngày càng ít, Tiến sĩ Phạm Hiệp thông tin, hiện nay quy định mới áp dụng trong xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư là có thể thay bài báo khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus bằng các bài báo tương đương.

Chính vì vậy, quan trọng là Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành phải đưa ra được danh sách những Tạp chí có thể đăng bài báo khoa học tương đương với các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Điều này tạo sự công bằng trong công tác xét duyệt, giúp một số ngành đặc thù có ứng viên đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra, tất nhiên vẫn đảm bảo về chất lượng đội ngũ này.

Ví dụ như ngành Luật, ngành Ngôn ngữ, các ngành Văn hoá, Nghệ thuật,… cần có danh sách những tạp chí đăng bài tương đương.

Phạm Minh