Đánh giá nhà trường chỉ bằng điểm thi, giải học sinh giỏi đã làm méo mó giáo dục

26/11/2018 06:16
Văn Công Thành
(GDVN) - Việc đánh giá chất lượng giáo dục không thể chỉ căn cứ vào những con số thống kê như điểm của các kỳ thi, kỳ kiểm tra; số giải trong các cuộc thi học sinh giỏi

LTS: Việc đánh giá học sinh bằng điểm thi và các giải học sinh giỏi đã tạo nên áp lực học tập rất lớn, đồng thời góp phần khiến vấn nạn dạy thêm học thêm diễn ra tràn lan.

Đó là quan điểm của thầy giáo Văn Công Thành được thể hiện trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Việc dạy học trong nhà trường, đặc biệt là ở Tiểu học và Trung học cơ sở, không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh mà còn phải rèn luyện kỹ năng, hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức để các em có một nền tảng văn hóa phổ thông, trở thành người những công dân có văn hóa.

Việc đánh giá chất lượng giáo dục không thể chỉ căn cứ vào những con số thống kê như điểm của các kỳ thi, kỳ kiểm tra; số giải trong các cuộc thi học sinh giỏi.

Kết quả cuối cùng của thầy (cô) giáo và nhà trường là những lứa học sinh được học tập và rèn luyện để trưởng thành lên.

Có thể nói một cách hình ảnh rằng nếu việc ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn giúp các em lớn lên về con người sinh học (phần con) thì việc học các môn văn hóa giúp các em lớn lên về tâm hồn, ý chí hay phần con người xã hội (phần người).

Có rất nhiều hoạt động, công sức của thầy được chuyển hóa vào trò mà không thể đo đếm được bằng điểm thi tuyển sinh hay giải thi học sinh giỏi.

Việc đánh giá chất lượng giáo dục không thể chỉ căn cứ vào những con số thống kê như điểm của các kỳ thi, kỳ kiểm tra; số giải trong các cuộc thi học sinh giỏi. Ảnh mang tính chất minh hoạ: Zing.
Việc đánh giá chất lượng giáo dục không thể chỉ căn cứ vào những con số thống kê như điểm của các kỳ thi, kỳ kiểm tra; số giải trong các cuộc thi học sinh giỏi. Ảnh mang tính chất minh hoạ: Zing.

Do những con số thống kê về điểm thi tuyển sinh; về số giải Nhất, Nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi là cái dễ nhìn, dễ thấy, dễ so sánh nên nó cứ được đọc lên ở hầu khắp các diễn đàn.

Hội nghị tổng kết năm học nhắc, hội nghị phụ huynh nêu, hội nghị làm việc giữa lãnh đạo nghành giáo dục với chính quyền đem ra mổ xẻ.

Những con số thống kê được dẫn để so sánh giữa các trường trong huyện, giữa các huyện trong tỉnh. Nó được lấy làm căn cứ để xếp hạng nhà trường, xếp hạng giáo dục giữa các đơn vị cấp huyện trong tỉnh.

Từ lối nhìn nhận, đánh giá giáo dục như trên dẫn đến những hệ quả tai hại, đó là:

Thi cử nặng nề

Căn bệnh thi cử nặng nề đã được giáo sư Hoàng Tụy gọi bằng cái tên là một trong ba cái u bướu của giáo dục cần cắt bỏ. Thế nhưng với cách đánh giá chỉ nhìn vào điểm thi nó vẫn tiếp tục là áp lực đối với thầy và trò.

Từ khi công nghệ thông tin được ứng dụng vào quản lý thi, việc thống kê điểm thi được thực hiện chi tiết tới từng làn điểm, từng trường.

Đánh giá nhà trường chỉ bằng điểm thi, giải học sinh giỏi đã làm méo mó giáo dục ảnh 2Dịch dạy thêm, học thêm trái phép bắt đầu bùng phát tại Hải Phòng

Người ta dùng điểm này để xếp loại, xếp thứ hạng các trường và liên tục trương lên trên các diễn đàn.

Nếu trước kia việc thi vào lớp 10 chỉ 2 môn Văn và Toán thì sau tăng thêm môn Tiếng Anh.

Dường như thấy vẫn chưa đủ nhiều tỉnh tăng thêm môn thi. Như ở Vĩnh Phúc năm học 2018-2019 tuyển sinh vào lớp 10 với 5 môn, ba bài thi.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 bằng thi nhiều môn được giải thích là để tránh học sinh học lệch, để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới [1].

Điều này vô hình trung lại tạo ra học lệch ở học sinh, đi ngược với mục tiêu giáo dục toàn diện.

Rõ ràng ở bậc Trung học cơ sở học sinh phải học tới 13 môn học, nếu kể cả môn tự chọn là 14 môn[2], thế mà thi 5 môn lại có thể bảo để tránh học lệch được ư?

Bảo rằng thi nhiều môn để tránh học lệch khác nào ngầm thừa nhận học sinh chỉ học những môn để thi tuyển sinh.

Việc quá chú trọng đánh giá qua điểm thi vào lớp 10 đã tạo áp lực mạnh lên giáo viên và học sinh nên càng tạo ra học lệch nặng nề.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) có làm thăm dò dư luận về số môn thi vào lớp 10 với câu hỏi:

Theo quý vị, tuyển sinh vào lớp 10 nên thi mấy môn? Với ba lựa chọn: thi 2 môn, thi 4 môn, thi 6 môn.

Kết quả bầu chọn đến ngày 20/9/2018 là: Thi 2 môn: 53,9%; thi 4 môn: 33,7%; thi 6 môn: 12,4%. Rõ ràng việc thi nhiều môn đã không được dư luận đồng tình.

Có lợi ích nhóm trong việc thi nhiều môn hay không phải chờ chứng cứ, nhưng rõ ràng với việc thi nhiều môn thì sẽ tốn kém hơn.

Phải ra nhiều đề thi, phải chấm nhiều bài, phải mất nhiều công sức hơn và do đó phải chi nhiều tiền hơn.

Nếu có in tài liệu hướng dẫn ôn thi thì lại phải in nhiều hơn. Tốn kém nhiều mà hiệu quả ít, thiệt hại này ai phải chịu đây?

Học sinh học chỉ để đi thi

Việc quá chú trọng đến kết quả thi học sinh giỏi, điểm thi vào lớp 10, số học sinh tiểu học thi đỗ vào lớp 6 trường chất lượng cao… đã làm cho thầy trò áp lực, luôn quay cuồng với chuyện thi cử, kiểm tra, khảo sát.

Đánh giá nhà trường chỉ bằng điểm thi, giải học sinh giỏi đã làm méo mó giáo dục ảnh 3Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm

Việc có giải học sinh giỏi qua các cuộc thi được các trường coi như nhiệm vụ sống còn.

Để hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên dạy các môn có thi học sinh giỏi phải tìm mọi cách để dạy nhồi, dạy nhét cho học sinh của mình.

Chuyện giáo viên “xin giờ” của những môn không thi để bồi dưỡng đội tuyển dường như ai cũng biết.

Việc lãnh đạo Sở, Phòng quá chú trọng đến thi và điểm dẫn đến sự lo lắng của phụ huynh, của giáo viên, là mảnh đất cho dạy thêm, học thêm tràn lan. Phụ huynh lo lắng dẫn đến nhu cầu học thêm là có thật.

Đáng lẽ học sinh đến trường được học toàn diện thì ở đây các em lại chỉ tập trung vào những môn đội tuyển (thi học sinh giỏi), các môn thi tuyển sinh (vào lớp 10 đối với học sinh Trung học cơ sở, vào Đại học đối với Trung học phổ thông).

Vì học chỉ để thi nên các giờ học đối với các môn không thi thì học sinh không học. Ví dụ, trong giờ âm nhạc, mỹ thuật thì các em đội tuyển hầu như không học. Khi đó dù các em khác muốn học cũng khó để học tốt.

Trong sách Cổ học tinh hoa có câu chuyện về A Lưu. Nó là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố, là một người ngây ngô, không được việc gì, đến nỗi như chuyện kể:

Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ”.

Thế nhưng ông chủ tốt bụng đã phát hiện ra anh chàng A Lưu có khả năng mỹ thuật, chuyện kể tiếp:

Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?"

A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ được." Ông bảo vẽ thì A Lưu vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả.

Tự bấy giờ, ông dùng đến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa”.

Tại sao các cháu không biết hát các bài hát trẻ con? Tại sao lại phải “Sửng sốt vì tỷ lệ người Việt bị trầm cảm, tâm thần”? Có mối liên hệ nào không giữa những chuyện trên với việc các học sinh ở trường luôn luôn phải áp lực thi cử?

Nản lòng những người thầy chân chính

Đánh giá nhà trường chỉ bằng điểm thi, giải học sinh giỏi đã làm méo mó giáo dục ảnh 4Gốc gác của bệnh thành tích trong giáo dục bắt đầu từ đâu?

Người thầy chân chính hiểu rằng dạy học là giúp cho trẻ được lớn lên về mặt tinh thần.

Giống như ta cần phải ăn tất các loại thức ăn từ tinh đến thô, từ các chất bổ dưỡng đến các chất xơ để có thể lớn lên về thể xác. Trẻ em đến trường phải được giáo dục toàn diện, phải được học đủ các môn.

Người thầy chân chính dù dạy môn nào cũng muốn dạy cẩn trọng, say mê để học trò nắm được, hiểu được, không hề có ý về môn chính, môn phụ.

Không chỉ học (tiếp nhận kiến thức) mà các em còn phải rèn luyện (để có kỹ năng) từ những chi tiết nhỏ hằng ngày như chào hỏi, trò chuyện, giao tiếp.

Từ những hành vi như đưa cho thầy bằng hai tay, đứng lên chào thầy ngay ngắn khi thầy vào lớp và khi hết giờ học. Tất cả những điều đó phải được các thầy/cô công phu rèn tập, hướng dẫn từng ngày.

Người thầy chân chính hiểu rằng sự cố công gắng sức của thầy có thể làm chuyển biến nhận thức của trò, có thể giúp cho trò có sự tiến bộ so với chính bản thân em ấy.

Với lối đánh giá chỉ nhìn vào các con số thống kê điểm thi tuyển sinh, thống kê số giải học sinh giỏi qua các cuộc thi đã làm nản lòng những người thầy chân chính.

Với việc lãnh đạo Sở, Phòng luôn biểu dương hay phê phán thông qua các con số thống kê nêu trên khiến cho người làm thật mà không bao giờ được ghi nhận, không bao giờ được đoái hoài.

Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong phần nhận định tình hình có nêu “chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc”, trong phần mục tiêu có nêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện”.

Để thực hiện tốt nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, thiết nghĩ các cấp Sở, Phòng trong ngành giáo dục cần có sự đổi mới về cách nhìn, cách đánh giá. Đừng nên quá chú trọng đến các con số thống kê về điểm thi, về số giải học sinh giỏi.

Với một hệ thống quản lý từ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đến hiệu trưởng, hiệu phó trong trường hãy nhìn nhận đánh giá giáo viên bằng sự nỗ lực của họ, bằng sự làm việc hàng ngày của họ.

Đánh giá, ghi nhận, biểu dương để khuyến khích người làm tốt. Kiểm tra, uốn nắn, chỉnh sửa để không còn người làm chưa tốt.

Hãy đánh giá nhà trường và giáo viên bằng cả một quá trình, đừng đợi đến khi có điểm thi rồi mới thống kê chi tiết để xếp hạng từng trường để khen chê. Đừng dùng quá nhiều môn để thi vào lớp 10 khiến cho thi cử nặng nề, áp lực đến học sinh.

Tài liệu tham khảo:

- https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vinh-phucthi-5-chu-khong-phai-9-mon-vao-lop-10-khoi-khong-chuyen-3923007.html

- https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-se-tuyen-sinh-lop-10-bang-bai-thi-to-hop-tu-nam-2019/763495.antd

- http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Thuyet-hy-vong-loai-bo-duoc-nen-giao-duc-ung-thi-tham-can-co-de-post179901.gd

- https://www.tienphong.vn/suc-khoe/sung-sot-vi-ty-le-nguoi-viet-bi-tram-cam-tam-than-1323421.tpo

- https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/doi-sang-tac-moi-tre-em-hat-nhac-that-tinh-135628/


([1]) Báo An ninh Thủ đô dẫn lời ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội  (xem tại đây: https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-se-tuyen-sinh-lop-10-bang-bai-thi-to-hop-tu-nam-2019/763495.antd)

([2]) Các môn học là:

1-Toán

2-Lý

3-Hóa

4-Sinh

5-Công nghệ

6-Tin học (hay môn tự chọn nào đó)

7- Thể dục

8-Ngữ văn

9-Sử

10-Địa

11-Ngoại ngữ

12-Giáo dục công dân

13-Âm nhạc

14-Mỹ thuật

Văn Công Thành