Danh sách 9 cơ sở GDĐH của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022

28/08/2023 06:38
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục đại học.

Theo báo cáo hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học năm học 2022-2023 của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm học 2022-2023, hoạt động khoa học, công nghệ trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước tiếp tục có bước phát triển và giữ ổn định theo định hướng phát triển của các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể:

Về công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế uy tín

Theo kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, trong giai đoạn 2018-2022 Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến nay số lượng công bố hàng năm đều đạt trên 18.000 bài.

Công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 (ảnh cắt từ báo cáo)

Công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 (ảnh cắt từ báo cáo)

Năm 2022, các bài báo của Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế được phân loại theo 27 lĩnh vực chuyên ngành từ 4 lĩnh vực lớn theo phân loại của Scopus: Khoa học vật lý, Khoa học sức khỏe, Khoa học xã hội và Khoa học đời sống, trong đó 10 lĩnh vực chuyên ngành chiếm phần lớn nghiên cứu là: Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Vật lý và thiên văn, Khoa học môi trường, Y học, Khoa học vật liệu, Hóa học, Khoa học nông nghiệp và sinh học. Trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022 thì có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục đại học.

10 tổ chức trong nước có nhiều nhất công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (ảnh cắt từ báo cáo)
10 tổ chức trong nước có nhiều nhất công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (ảnh cắt từ báo cáo)

Về công bố khoa học trên các tạp chí khoa học công nghệ trong nước

Theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khoa học công nghệ, tổng hợp từ 236 tạp chí trong tổng số 334 tạp chí khoa học công nghệ trong nước cho thấy năm 2022 đã có 15.075 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ trong nước. Trong đó, chiếm phần lớn là các nghiên cứu ở lĩnh vực Khoa học xã hội với 7.857 bài báo, kế đến là Khoa học y, dược với 3.226 bài báo, thấp nhất là lĩnh vực Khoa học tự nhiên, với 819 bài báo.

Công bố khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước giai đoạn 2018-2022 (ảnh cắt từ báo cáo)
Công bố khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước giai đoạn 2018-2022 (ảnh cắt từ báo cáo)

Số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực Khoa học y, dược đã tăng đột biến, từ hạng 4 năm 2020 vươn lên hạng 2 trong các năm 2021 và 2022, qua đó cho thấy: Bên cạnh những đầu tư nghiên cứu về khoa học xã hội (giáo dục, kinh tế, pháp luật,…), các nhà khoa học Việt Nam đang có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong y học và chăm sóc sức khỏe, với các nghiên cứu trong chẩn đoán lâm sàng và điều trị bệnh.

Trong đó, các công bố khoa học về ung thư trong năm 2021 và 2022 tăng gấp đôi so với năm 2020 (năm 2020 là 215 bài báo, năm 2021 là 555 bài báo và năm 2022 là 554 bài báo). Đặc biệt, góp phần vào số lượng công bố khoa học trong lĩnh vực y học là các nghiên cứu liên quan đến đại dịch Covid-19, với số lượng liên 3 tục tăng từ 13 bài báo (năm 2020) lên 93 bài báo (năm 2021) và 243 bài báo (năm 2022).

Nhìn chung trong các năm qua, hệ thống giáo dục đại học luôn có vai trò chủ đạo về công bố khoa học trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, đã đóng góp khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS và khoảng 90% trong danh mục Scopus, hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia. Bên cạnh đó, tuy số lượng công bố khoa học trong nước tăng mạnh trong 03 năm gần đây nhưng công bố khoa học quốc tế đang tăng chậm lại.

Về sở hữu trí tuệ

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 2013- 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, bảo hộ giống cây trồng, nhãn hiệu hàng hóa…) tại Việt Nam là 9,1%/năm, trong đó đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của chủ thể Việt Nam đạt trung bình khoảng 150 đơn/năm và đang tăng nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài.

Thực tế này cho thấy, các tổ chức, cá nhân trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sở hữu trí tuệ, đồng thời do chính sách về sở hữu trí tuệ đã có nhiều điều chỉnh tích cực (Luật sở hữu trí tuệ bổ sung sửa đổi, Chiến lược về sở hữu trí tuệ và Chiến lược phát triển Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo đến 2030).

Tỷ trọng số lượng đơn đăng ký sáng chế như sau: Khối doanh nghiệp 40%; cá nhân 34%; trường đại học 15,5%; viện nghiên cứu 10,3%. Như vậy, dư địa đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học trong các trường đại học và viện nghiên cứu còn rất lớn.

Về tạp chí khoa học

Tính đến nay, trong hệ thống giáo dục đại học đã có hơn 20 tạp chí khoa học trong nước gia nhập hệ thống ACI, Scopus và dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới đây nhờ sự quan tâm đầu tư từ các cơ sở giáo dục đại học….

Linh An