Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng vừa tổ chức hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, với chủ đề “Thách thức và cơ hội”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, những sự cố của ngành y tế trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có phần do nguồn nhân lực của ngành y tế chưa giỏi, chưa chuyên nghiệp.
Theo Giáo sư Lê Quang Cường, ngành y là một ngành đặc biệt, nên nguồn nhân lực cung cấp cho ngành này không thể sai, mà phải đúng 100%, đầu vào phải được lựa chọn kỹ càng.
Hiện hệ thống đào tạo ngành y tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập, và khác xa so với thế giới. Ở nước ngoài, Thạc sĩ và Tiến sĩ chỉ tập trung chuyên về nghiên cứu, chuyên khoa thiên về năng lực khám chữa bệnh.
Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế do Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức (ảnh: P.L) |
Trong khi đó, tại Việt Nam đang bị lẫn lộn 2 khái niệm này, phải tách biệt nghiên cứu với thực hành riêng biệt.
Giáo sư Lê Quang Cường nhấn mạnh: “Nước mình chỉ coi Thạc sĩ, Tiến sĩ là bằng cấp quốc gia, còn bằng chuyên khoa, hay bằng do Bộ Y tế cấp không phải là bằng quốc gia, dù bằng này cũng rất là quan trọng.
Do đó đã xảy ra chuyện chuyển hóa bằng chuyên khoa cấp 1 thành bằng Thạc sĩ, bằng chuyên khoa cấp 2 thành Tiến sĩ. Tóm lại, bằng cấp là quan trọng, chứ không phải năng lực quan trọng”.
Ngoài ra, một thực trạng khác trong công tác đào tạo ngành y tế cũng đã được Thứ trưởng Lê Quang Cường nêu lên, đó là việc học chay.
Thầy cô, sinh viên đi học thì chịu sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, còn bệnh viện lại được vận hành theo Luật khám chữa bệnh, dẫn đến việc sinh viên không phải dễ gì đụng vào người bệnh, do sợ nhiễm khuẩn người bệnh.
Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên vấn đề: Dường như hiện nay, giữa hệ thống y tế và các trường đào tạo ngành y là mạnh ai nấy làm.
“Các cơ sở y tế không phản hồi với các cơ sở đào tạo về chất lượng của nguồn nhân lực, có đáp ứng được yêu cầu hay chưa, cần kiến thức và kỹ năng nào.
Còn cơ sở đào tạo thì lại đào tạo những gì mình muốn, mà không tham khảo ý kiến đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, xem họ cần những gì. Giữa cơ sở đào tạo, sử dụng nhân lực chưa có sự tương tác, thảo luận với nhau” - Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ.
Cũng về vấn đề này, Giáo sư Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế đã nói rằng, Việt Nam hiện nay chưa có bộ phận đánh giá năng lực của các trường, mà do các trường tự dạy, tự chấm điểm, tự công bố sản phẩm.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á (ngoại trừ Việt Nam) đều có bộ phận đánh giá năng lực độc lập, được Nhà nước ủy quyền đánh giá, không liên quan gì đến nhà trường,
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã nhìn nhận: Hiện còn có hiện tượng nhiều trường thuê các tổ chức nước ngoài đánh giá, kiểm định, nhưng việc này không quan trọng, mà quan trọng là tên tổ chức nước ngoài nào đã đi kiểm định.
Hiện Bộ Y tế đang đề xuất mô hình đào tạo Bác sĩ theo yêu cầu mới. Đó là tách thành 2 giai đoạn: Học 4 năm được cấp bằng cử nhân y khoa, học thêm 2 năm nữa (tại trường, bệnh viện) cấp bằng bác sĩ y khoa, tương đương với Thạc sĩ nhưng chưa được hành nghề.
Bác sĩ y khoa phải có 1 năm thực tập, hành nghề tại bệnh viện. thi chứng chỉ hành nghề. Nếu đạt mới được khám chữa bệnh, có thể tiếp tục học chuyên khoa.
Hệ nghiên cứu (Thạc sĩ, Tiến sĩ) sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, hệ khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý. Hệ nghiên cứu thì chỉ nghiên cứu, giảng dạy chứ không tham gia khám chữa bệnh.