Ngày 21/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tổ 6 gồm các Đại biểu Quốc hội ở trung ương, Đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc 7 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp và Hậu Giang. Tại phiên thảo luận các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự báo tình hình quốc tế và trong nước; Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2022; Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phòng, chống dịch năm 2022;…
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 6 (Ảnh: quochoi.vn) |
Qua thảo luận, đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với nhiều nội dung trong báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ.
Góp ý vào dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với 12 nhóm giải pháp Chính phủ đề xuất. Theo đại biểu, các nhóm giải pháp đã hết sức đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý về sự cần thiết của chiến lược hay kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế.
Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược phục hồi này ngay trong năm 2021. Bởi đây, còn là cam kết rất cao của Chính phủ nhằm khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư cùng chung sức phục hồi, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần nêu rõ và khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức, thực hiện các Nghị quyết đặc biệt là Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh covid-19.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình (ảnh: quochoi.vn) |
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhóm 12 giải pháp do Chính phủ đề xuất là hoàn toàn đầy đủ, toàn diện nhưng cụ thể hóa 12 giải pháp như thế nào lại là thách thức lớn. Đại biểu tập trung phân tích và đề xuất 3 nhóm vấn đề: (1) vấn đề tư duy về đại dịch và giải pháp ứng phó linh hoạt; (2) vấn đề lao động việc làm, đào tạo nghề; (3) câu chuyện giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch.
Trong đó, đối với vấn đề lao động việc làm, đạo tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, hiện nay tỷ lệ lao động mất việc làm lớn; việc người dân di cư, hồi hương cho thấy các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động. Đại biểu đề xuất, cần tiếp cận vấn đề giải pháp từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đại biểu, cần quan tâm việc đào tạo lại lao động.
"Do ảnh hưởng của đại dịch sẽ có những ngành phải thay đổi, ngành mới hình thành vì vậy chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải tính tới vấn đề này, trong công tác đào tạo nghề phải dự báo được tình hình chuyển đổi nghề. Công tác dự báo trong lĩnh vực này phải được chú trọng nhằm đảm báo tính định hướng,.." đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ ngay từ quá trình xây dựng Dự thảo. Báo cáo được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình các bước xin ý kiến; các phương án đưa ra được tính toán, cân đối phù hợp cả về đánh giá kết quả thực hiện kinh tế -xã hội năm 2021 và kế hoạch thực hiện năm 2022. “Mục tiêu tăng trưởng đề ra trong báo cáo thể hiện ý chí quyết tâm không chỉ của Chính phủ mà của toàn Đảng, toàn dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trọng tâm tại báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề lùi thời điểm cải cách tiền lương là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là sự chia sẻ của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với khó khăn chung của đất nước. Nguồn kinh phí này sẽ được dùng cho việc chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh;…
“Lùi thời điểm cải cách tiền lương nhưng vẫn giải quyết tăng lương cho đối tượng là cán bộ nghỉ hưu trước năm 1995. Việc giải quyết tăng lương cho nhóm đối tượng này nhằm góp phần giải quyết phần nào khó khăn cho cán bộ nghỉ hưu trước năm 1995,… ” Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.