Liên quan đến việc trường nghề muốn dạy 7 môn trong chương trình giáo dục phổ thông để học sinh trung học cơ sở có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tiếp đó là học lên cao đẳng, đại học, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có chia sẻ về vấn đề này.
Theo Tiến sỹ Chức, nhìn tổng thể thì hệ thống giáo dục phải là một hệ thống nhất, có mối quan hệ khăng khít lẫn nhau chứ không phải là một hay những đơn vị riêng lẻ.
Trong hệ thống giáo dục đã quy định và giao nhiệm vụ rõ ràng, các trường phổ thông đào tạo kiến thức phổ thông, bởi họ có sứ mệnh, có nhiệm vụ, cơ sở vật chất, có cán bộ, cách thức để chuyên môn hóa càng sâu càng tốt.
Trường nghề cũng có khả năng dạy phổ thông nếu như được tổ chức bộ máy, nhân sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của trường nghề là dạy nghề. Nếu trường nghề cũng dạy phổ thông thì không có tính chuyên môn hóa nữa, bởi đào tạo nghề là cực kì khó chứ không phải dễ, không nên ôm đồm.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: CTV) |
Để dạy nghề có chất lượng, trường nghề phải tập trung vào cơ sở vật chất, cách thức đào tạo từ lý thuyết đến thực hành.
“Xã hội càng hiện đại thì sự chuyên môn hóa càng cao, sự phân công nó phải cụ thể và càng sâu càng tốt. Vậy trường nghề hãy đào tạo nghề cho thật hiệu quả và chất lượng”, Tiến sỹ Chức cũng nhận định.
Theo Tiến sỹ Chức, câu hỏi về việc tại sao trường nghề không đưa về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thì trước đây Quốc hội cũng bàn rất nhiều.
Bên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khi đó cho rằng, để bên đơn vị họ làm tốt hơn. Còn Bộ Giáo dục nói Bộ Lao động quản lý trường nghề thì hệ giáo dục và đào tạo không thống nhất…
Cuối cùng, Quốc hội vẫn để Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội quản lý vì nhiều lý do như Bộ Giáo dục quá nhiều việc, và lý do quan trọng nhất là Bộ Lao động quản lý về lao động, nhân lực. Vì vậy, quản lý trường nghề là để Bộ Lao động quản lý với kỳ vọng Bộ hiểu được nguồn lao động, yêu cầu nhân lực cần yếu tố gì để đào tạo trúng cái xã hội đang cần.
“Nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Lao động là ở chỗ đó, vậy thì các trường nghề phải phát huy điều này, chứ không phải dạy phổ thông”, Tiến sỹ Chức nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng, người học nghề phải tự tìm con đường của mình và tự tìm nguồn nâng cao trình độ, chứ không phải là cách các trường nghề đang làm là tìm cách đẩy học sinh vào đại học.
Xã hội hiện nay đang có lối suy nghĩ cứ phải vào đại học, nên trường nghề cũng đặt vấn đề như vậy thì sẽ coi giá trị của đào tạo nghề thua kém.
Từng có chuyên gia của Mỹ nói rằng người Việt Nam chỉ thích làm bàn giấy, không thích làm công việc chân tay. Có thật như thế hay không? Nếu đúng thì đó là một nguy cơ.
Đã phân công việc đào tạo nghề là vì thế, bởi đào tạo nghề là để ra có nghề, giờ rất cần cái đó.
“Chúng ta xuất khẩu lao động đừng xuất khẩu thô, nên chọn người biết làm nghề có tay nghề như hàn, điều dưỡng… để đáp ứng cho nước họ có người biết làm nghề”, Tiến sỹ Chức lấy ví dụ.
Trường nghề nên chú trọng đào tạo ngoại ngữ nghề
Tiến sỹ Chức nhận định, nếu trường nghề cho rằng cần phải làm thêm gì đó thì ông cho rằng có lẽ là trường nghề nên đào tạo ngoại ngữ nghề. Ví như khi nói đến hàn thép trong tiếng Anh, tiếng Pháp… thì người lao động sẽ thông hiểu.
Trường nghề nên tập trung việc này hơn là việc đào tạo phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, để họ lại được học đại học.
"Hướng tốt là hãy để cho chủ thể là học sinh tự chọn, còn các trường thì phải có hướng riêng của mình, trường nghề lại đẩy mọi hướng để học sinh vào đại học thì sinh ra việc học nghề không có ý nghĩa", Tiến sỹ Chức nói.
Giải thích thêm về quan điểm trên, Tiến sỹ Chức cho hay, các trường nên đặt mục tiêu riêng của mình như việc đào tạo nghề hàn ra thợ bậc mấy và chương trình dạy gồm lý thuyết, thực hành như thế nào để đạt mục tiêu. Cần phải chuyên môn hóa sâu trong đào tạo nghề, để mỗi người sau khi ra trường nghề thì sẽ có nghề trong tay, chứ không phải như lao động phổ thông.
Hiện nay, có rất nhiều hướng để trường nghề phát triển, chứ không phải là tập trung “nhét” học sinh vào đại học để sau này khi ra trường chả biết làm gì.
“Xã hội giờ cần chuyên môn hóa cao, thì mỗi trường hãy đáp ứng chuyên môn hóa cao đó. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phải xác định rất rõ cho các trường nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, của các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu lao động. Trường nào đáp ứng tốt việc này thì tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho họ làm, chứ không phải là để họ đi dạy phổ thông, dạy kiến thức ở những trường khác làm được”, Tiến sỹ Chức chia sẻ.
Nói về việc các trường nghề đang “chạy đua” đào tạo song bằng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, Tiến sỹ Chức cho hay, đó là họ đang đào tạo không chuyên môn hóa, họ vẫn cứ nhăm nhăm để học sinh vào đại học.
Việc đào tạo trên dễ làm và có thu nhập trước mắt tốt hơn cho nhà trường so với đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên về lâu dài, các trường nghề muốn có chất lượng thì đào tạo nghề nào phải ra nghề đó, như các cụ ta từng nói "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Vì vậy, chúng ta cần tư duy của những người làm đào tạo. Nhà nước cần có sự thống nhất trong đa dạng của giáo dục đào tạo, hệ thống cần phải đồng bộ, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm.
Trường nghề nào cứ đòi làm những việc khác ngoài đào tạo nghề, tức không tập trung vào chuyên môn sâu.
“Chức năng nhiệm vụ của trường nghề là đào tạo nghề thì trường hãy đào tạo cho thật chuyên sâu, đã chuyên sâu thì phải chuyên sâu hơn nữa. Phải làm sao để cho những người có tay nghề giỏi không chỉ ở Việt Nam mà còn giỏi theo chuẩn khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phân tầng rất sâu sắc nghề nghiệp chuyên môn thì phải đáp ứng việc đó chứ, còn việc đào tạo phổ thông thì đã có hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên người ta làm rồi", Tiến sỹ Chức nhấn mạnh.