Vì sao trường nghề không lo đào tạo lao động mà chỉ nhăm nhăm đòi dạy phổ thông?

16/09/2021 06:51
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia giáo dục, hiện nay các trường nghề không tập trung đào tạo nghề cho lao động, mà họ lại muốn dạy phổ thông.

Mới đây, trong dự thảo Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, có nêu về việc các trường nghề đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trung cấp nghề phải đào tạo 4 môn (2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn; 2 môn tự chọn trong số 5 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý).

Trước dự thảo trên, nhiều trường nghề thuộc Bộ Lao động và Thương binh xã hội cho rằng, điều này gây khó khăn cho họ, bởi để học sinh có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông và học cao hơn là lên Đại học thì học sinh phải được đào tạo 7 môn.

Để dạy văn hóa Trung học phổ thông, trường nghề phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, trường nghề cho rằng họ có đủ khả năng đào tạo học sinh kiến thức trung học phổ thông.

Trái với quan điểm của các trường nghề, nhiều phụ huynh, học sinh lại đặt ra câu hỏi về chất lượng của giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, liệu có thể học một lúc 2 chương trình đào tạo nghề và học trung học phổ thông.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã có những phân tích cụ thể.

Theo Tiến sỹ Lê Đông Phương, về khả năng dạy văn hóa phổ thông thì các trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề không có lực lượng cần thiết cùng chuyên môn để dạy học.

Theo Luật Giáo dục, giáo viên muốn dạy trung học phổ thông thì phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Trong khi đó, đối với trường nghề thì giáo viên chỉ chuyên về lý thuyết nghề như tiện, hàn… và giáo viên thực hành.

“Như vậy thì giáo viên trường nghề không có khả năng, không đủ năng lực dạy học và đứng lớp dạy văn hóa phổ thông theo yêu cầu của Luật”, Tiến sỹ Lê Đông Phương nhận định.

Tiến sỹ Lê Đông Phương phân tích thêm, đối với môi trường sư phạm, để dạy học các môn phổ thông phải là môn chương trình giáo dục thường xuyên (gồm 7 môn). 7 môn này khác hoàn toàn chương trình sư phạm trong các trường dạy nghề nên đòi hỏi sách giáo khoa khác.

Vì vậy, rất hiếm trường nghề có thể dạy được chương trình phổ thông, vì vậy Tiến sỹ Phương đánh giá là các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề không đủ khả năng dạy phần kiến thức văn hóa phổ thông trong chương trình giáo dục thường xuyên.

Tiến sỹ Lê Đông Phương. Ảnh: NVCC
Tiến sỹ Lê Đông Phương. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, đối với các em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở khi theo học các trường nghề cũng không có đủ năng lực để theo học 2 chương trình.

“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, những em vào trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề thì năng lực học tập không phải là cao, một số em có thể học được nhưng rất ít. Bởi lẽ, các em có học lực trung bình trở lên thì đã có thể vào các trường phổ thông hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên", Tiến sỹ Đông Phương chia sẻ.

Vì lẽ trên nên Tiến sỹ Đông Phương sợ nhất là trường nghề sẽ dạy ẩu, giáo viên sẽ dạy rút bớt chương trình, không bắt học nhiều. Điều này làm học sinh có vẻ rất thích nhưng khi các em đi thi liên thông lên đại học, họ sẽ vấp và nói rằng tất cả những gì thầy cô bảo là sai hoặc các em không được học.

Bởi vậy, nên trong Luật Dạy nghề cũ người ta tìm cách đẩy phần kiến thức phổ thông ra khỏi chương trình đào tạo nghề, để cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học. Tuy nhiên, điều này tạo ra sự thiếu hấp dẫn cho học sinh, bởi các em không thể học lên đại học nên trường nghề đã tìm mọi chiêu bài, thu hút đầu vào.

Trước thực trạng trên, Tiến sỹ Đông Phương nhận định, lẽ ra các trường nghề phải đào tạo một lực lượng lao động có kỹ năng và xử lý được các tình huống của cuộc sống lao động. Tuy nhiên, hiện nay họ lại xoay sang đào tạo thế hệ có thể vào được đại học, dù những học sinh này không có cơ hội vào đại học.

“Đó là lý do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trong 4-5 năm nay đang tìm muốn lối thoát cho các trường nghề”, Tiến sỹ Đông Phương nói.

Về nguyên nhân khiến các trường nghề quảng bá khi vào học thì học sinh sẽ được có bằng trung học phổ thông và liên thông lên đại học, Tiến sỹ Đông Phương cho hay, sức hút của đào tạo nghề trong khoảng 20 năm nay là kém nên họ tìm mọi cách để thu hút học sinh.

Khi có học sinh vào trường sẽ giúp các trường nghề có nguồn ngân sách nhà nước để cấp cho đào tạo nghề. Theo tìm hiểu thu thập của tôi, chỉ tính trong 1 năm học, khu vực dạy nghề tiêu nhiều tiền ngân sách hơn khu vực giáo dục đại học.

Chính vì việc tế nhị trên nên rất khó để tìm kiếm số liệu về học sinh theo học nghề trong nhiều năm nay. Tiến sỹ Đông Phương chia sẻ, hiện nay giáo dục đại học có khoảng 2 triệu sinh viên, còn giáo dục dạy nghề có khoảng 1 triệu sinh viên/học viên.

“Chi phí dạy nghề rất là tốn, nếu số học sinh, sinh viên mà giảm thì trường nghề mất ngân sách, cho nên họ phải tìm mọi cách để giữ được số lượng học sinh. Giờ mà họ được dạy kiến thức phổ thông thì họ có thể thu thêm và xin thêm được ngân sách”, Tiến sỹ Phương Đông nhận định.

Quản lý trường nghề có sự chồng chéo?

Thực tế hiện nay, các trường nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục đại học lại thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự chồng chéo trong quản lý nhà nước.

Nói về việc này, Tiến sỹ Đông Phương cho hay, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì không hề có sự đan xen trong việc quản lý nhà nước. Cái sự rối là chính tự họ (Bộ) gây ra.

“Tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, học sinh muốn học lên trung cấp và cao đẳng thì phải có kiến thức văn hóa phổ thông (4 môn). Tuy nhiên việc học 4 môn này chỉ giúp cho học sinh trường nghề học lên được cao đẳng chứ không lên được đại học.

Trong khi đó, luật lại nêu kiến thức giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, còn Bộ thì lại vướng ở chỗ nếu chỉ quy định kiến thức văn hóa có giới hạn để cho các học sinh đi từ trung cấp lên cao đẳng thì vô nghĩa với các cháu.

Bởi vì nếu thi hành đúng các loại luật thì kể cả những bạn học trung cấp liên thông lên cao đẳng, nếu muốn chuyển sang liên thông đại học sẽ không được học, bởi không có bằng trung học phổ thông.

Chỗ này có cái gọi ngấp ngáy, Luật bên kia ghi là kiến thức phổ thông 4 môn, còn giáo dục thường xuyên là 7 môn, nhưng mà trường nghề đang lập lờ rằng tôi thừa sức dạy kiến thức phổ thông. Họ ngại nhất là học sinh đi theo con đường trung cấp lên cao đẳng, mà không có học trung học phổ thông thì các em không liên thông được đại học và sẽ từ chối học”, Tiến sỹ Đông Phương nói.

Tiến sỹ Đông Phương cũng nhận định, hiện nay các trường nghề hiện đang thực hiện không đúng tôn chỉ là đào tạo nhân lực có trình độ để làm việc trong khu vực có tay nghề, trình độ cao. Họ chỉ nhăm nhăm nghĩ ra cách để học sinh vào trường nhanh hơn và vẫn được học đại học.

Thực tế, nhiều trường nghề quảng bá chương trình đào tạo 9+ cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Khi học sinh theo học sẽ có bằng trung học phổ thông, bằng nghề và được liên thông lên đại học.

Về điều này, Tiến sỹ Đông Phương cho hay, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm khi để việc này xảy ra. Bởi lẽ, trường nghề được sự đồng ý về việc thí điểm đào tạo chương trình 9+ nhưng thí điểm thế nào chưa được ban hành thì các trường đã nhao nhao lao vào tuyển sinh.

Ông cũng nhận định đây là sự phân mạch của quản lí nhà nước. Cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là mỗi phân hệ được quản lý bằng khung pháp lý riêng.

Tiến sỹ Đông Phương lấy ví dụ, như bên dạy nghề như thực tế hiện nay quảng cáo thì không cần đầu vào, bất kì ai đều có thể vào học và đều được liên thông lên. Tuy nhiên, nhà trường không nói rõ đầu ra là học sinh làm được điều gì, trong khi đó giáo dục phổ thông và đại học thì lại làm rất là chặt điều này. Đối với một số người năng lực vừa phải thậm chí lười học thì học theo mạch bên Bộ Giáo dục và Đào tạo từ Trung học phổ thông rồi lên Đại học không dễ bởi rất chặt. Trong khi đó, trường nghề tuyển sinh không phải thi gì cả.

Mạnh Đoàn