Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Muốn phát triển kinh tế xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng bậc nhất, là chìa khóa của cánh cửa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thuỷ Tiên) |
Để làm rõ nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là hướng đi tất yếu, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, thời hạn không còn dài, vậy Việt Nam cần phải tận dụng những lợi thế nào thực hiện được mục tiêu này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Muốn thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, cần phải có cách làm đúng để đi đến thành công và nhất thiết phải có nguồn lực lớn. Biết làm đúng và có nguồn lực, tạo nguồn lực là hai nội dung quan hệ khăng khít với nhau. Biết làm đúng trước tiên cũng là phải biết tạo nguồn lực, rồi sử dụng nguồn lực ấy đúng hướng những mục tiêu ưu tiên, một cách thông minh, tiết kiệm và hiệu quả, không để hư hao lãng phí.
Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế, vì vậy, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước, nguồn lực con người sẽ đóng vai trò quyết định.
Việt Nam vừa đạt quy mô dân số 100 triệu người. Đây là cơ hội giúp tạo ra nguồn lực rất quan trọng để đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Đây là thời cơ tuyệt vời, hiếm có, cần phải tận dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong quá trình phát triển của các quốc gia và nó chỉ trong một thời gian nhất định, không dài lắm, nếu không biết tận dụng, cơ hội sẽ qua đi, dân số sẽ già mà vẫn còn nghèo, tức là thời kỳ sung sức nhất có thể làm nên sự nghiệp đã không còn. Nhiều trường hợp trong số này sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và lùng bùng nhiều thập niên trong đó mà không vượt ra nổi.
Hiện Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, hầu hết các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia. Việt Nam phải biết tận dụng một cách hợp lý, hiệu quả lợi thế của mình.
Cần chuẩn bị chu đáo, bài bản về nguồn lực con người để thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Tuy nhiên cũng cần nhớ, nếu không được đào tạo thì “đông dân” vô tình sẽ trở thành gánh nặng về dân số, chỉ có qua đào tạo chu đáo dân số đông mới trở thành nguồn nhân lực dồi dào, đồng bộ, lành nghề tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của toàn quốc.
Một đội ngũ nhân lực lành nghề và đồng bộ còn tạo nên sức hấp dẫn to lớn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì sử dụng lao động tại chỗ sẽ giảm bớt nhiều thủ tục và chi phí so với phải chuyển lao động từ các nước khác đến.
Như vậy, muốn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thành công thì phải hết sức tranh thủ cơ hội thời kỳ dân số vàng, phải chuẩn bị chu đáo, bài bản về nguồn lực con người, và ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước tiên cho chất lượng của nguồn nhân lực này.
Phóng viên: Chúng ta từng đặt mục tiêu, năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng đã không thực hiện được. Đâu là những vấn đề tồn tại cần nhận diện lại để Việt Nam thực hiện mục tiêu thành nước có công nghiệp phát triển như mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nêu, thưa ông?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta đã không thể hoàn thành mục tiêu “đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và nhiều cấp, nhưng xét về phương diện chuẩn bị nguồn nhân lực thì ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm chính cho dù không phải một mình. Làm sao mà có thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá khi mà không có con người để thực hiện. Đây không chỉ là việc của hôm qua mà còn chuyện của hiện nay và sắp đến. Cho tới nay, chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo ra nói chung vẫn còn nhiều mặt chưa đạt chuẩn và cơ cấu nhân lực còn nhiều bất hợp lý, không đồng bộ.
Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2021 của Tổng Cục Thống kê cho thấy: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc thì 73,9% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trình độ trung cấp, 3,5% trình độ cao đẳng và 11,7% trình độ đại học. Cộng số lao động có trình độ đại học và cao đẳng (thuộc cấp độ giáo dục đại học) thì Việt Nam mới có khoảng chưa được 16% trong tổng số lao động xã hội. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ này là 32-36%. Việt Nam ta như vậy là còn rất thấp.
Để nói về cơ cấu nhân lực bất hợp lý này, đã có không ít nhà hoạch định chính sách vin vào lý do “thừa thầy thiếu thợ” để đề xuất kéo tụt tiếp chỉ tiêu tuyển sinh đại học hàng năm, chứ không chịu thừa nhận để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì còn phải tăng thêm nhiều. Phải nhìn thẳng vào thực tế, với cơ cấu nhân lực như trên thì “thầy” vẫn rất thiếu, còn “thợ” lại càng thiếu.
Cần nhìn nhận thật rõ các nguyên nhân trong thời gian qua không hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hoá, để từ đó rút ra bài học cho chính mình hôm nay…Có hai điểm đáng lưu ý:
Thứ nhất, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu chưa được các cấp quản lý, cả ở cấp vĩ mô cũng như ở cấp cơ sở, quán triệt đầy đủ và sâu sắc, dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả (mặc dù nguồn lực đã ít); cũng như vai trò đột phá của giáo dục và đào tạo trong phát triển đất nước còn chưa được quan tâm đúng mức trên thực tế.
Thứ hai, về quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực hiện nay ở cả tầm quốc gia lẫn tầm địa phương đâu đó vẫn còn thiết kế giản đơn, cứng nhắc, chủ quan, mang đậm dấu ấn cảm tính, thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp.
Hệ thống giáo dục của ta hiện nay bị cắt khúc nhiều chỗ, chưa liên thông được.
Việc liên thông đào tạo trong dạy nghề nên chuyên sâu và nâng cao hơn trình độ thành thạo một nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Ở đây có thể thiết kế một chương trình đào tạo liên thông từ thợ bậc 1 đến bậc 7 chẳng hạn, ai học ít thì bậc thấp hơn, học nhiều thì bậc cao hơn, cứ thế mà đi tiếp, từ đó tạo ra những "bàn tay vàng" với mức lương rất cao.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định quy định đào tạo liên thông trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ban hành Thông tư quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Sau khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) việc các cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, liên thông từ cao đẳng đến đại học có nhiều vướng mắc, rào cản.
Hơn nữa giữa dạy nghề với phổ thông, giữa dạy nghề với cao đẳng (chuyên nghiệp) và đại học về cơ bản cũng không liên thông được, không chấp nhận kết quả của nhau do vận hành/áp dụng theo hai hệ thống quy định khác nhau. Nói cách khác là hệ thống giáo dục đã phân thành các hệ thống khác nhau riêng lẻ, phân mảnh. Cần có các "tổng công trình sư" thiết kế cụ thể các chương trình liên thông, kể cả trong dạy nghề, trong dạy nghề và cao đẳng, cao đẳng với đại học, vừa đảm bảo yêu cầu văn hóa, vừa đảm bảo yêu cầu nghề nghiệp theo chuyên ngành.
Cần một chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp để đảm bảo phát triển nhân lực. Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam |
Ở phần lớn các quy hoạch, nhà hoạch định thường không hình dung được trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khi nào sẽ cần có thêm những loại hình nhân lực nào mới, với cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu lãnh thổ,... ra sao; cũng như cần điều chỉnh như thế nào để tác động lên đội ngũ nhân lực đó cho phù hợp với các dịch chuyển kinh tế và những đổi mới về khoa học-công nghệ của đất nước cũng như của từng vùng miền.
Mà một khi bài toán quy hoạch phát triển nhân lực đã không rõ ràng, “bốc thuốc” theo cảm tính và phán đoán chủ quan thì chắc chắn sẽ không có được một chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp. Tóm lại là sẽ rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy vẽ”, “mạnh ai nấy chạy”.
Phóng viên: Như ông đã nói, ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Vậy thời gian tới, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo nên thực hiện theo hướng nào, thưa ông?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo suy nghĩ ban đầu của tôi, thời gian tới, việc phát triển giáo dục và đào tạo cần chú trọng một số nội dung như sau:
Thứ nhất, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần theo phương châm: giáo dục phải đi trước một bước để chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, đồng bộ và lành nghề. Việc sử dụng kết quả của giáo dục đào tạo vừa có yêu cầu ngay trước mắt, vừa có độ trễ cho sắp tới. Chủ động chuẩn bị trước về con người thì phải chấp nhận khoản chi phí ứng trước. Trong nhân dân ta, người Việt Nam đã từng bán ruộng bán vườn cho con đi học là chấp nhận ứng trước cho "đại sự" đó thôi. Chính phủ cho sinh viên vay tiền để học cũng là chi phí ứng trước đó.
Đầu tư cho giáo dục bao giờ cũng là đầu tư dài hạn, đầu tư ứng trước. Đứa bé mới 5 tuổi đã cần được đầu tư, nhưng mười mấy năm sau, gần hai mươi năm sau mới phát huy năng lực làm việc. Đó là dài hạn và ứng trước đó.
Nếu không chuẩn bị trước nguồn nhân lực, chẳng lẽ cứ ngồi đó đợi khi nào triển khai các dự án công nghiệp và dịch vụ cụ thể đó thì mới lo đào tạo? Trong khi muốn triển khai lại phải có nhân lực, tức là lại câu chuyện "con gà và quả trứng".
Thứ hai, các ngành kế hoạch đầu tư, tài chính và giáo dục đào tạo cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu chính: Phổ cập giáo dục đến trung học cơ sở (bao gồm giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo từ trung học nghề/trung học kỹ thuật, đến cao đẳng thực hành, đại học và sau đại học), trong đó chú ý khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở, đây là giải pháp cơ bản để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên, chứ không phải bóp nghẹt đầu vào đại học với lập luận “thừa thầy thiếu thợ”, bởi vì tỷ lệ nhập học đại học ở nước ta vẫn còn thấp (vào loại thấp nhất Đông Nam Á), chưa tương thích với mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Thứ ba, đất nước muốn phát triển theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá thì phải tạo được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời với phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, ở từng vùng miền cũng phải có cơ cấu nhân lực (về trình độ và nghề nghiệp) và chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả ba khu vực kinh tế nêu trên.
Thứ tư, xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông và thực học, khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết và hợp tác trong đào tạo, xóa bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, cắt khúc ở từng trường, từng cấp hoặc từng ngành trong hệ thống như hiện nay.
Trong đó chú trọng trước tiên là tháo gỡ những vướng mắc để có thể thực hiện tốt sự liên thông giữa trung học kỹ thuật và cao đẳng, giữa cao đẳng (đào tạo ra các kỹ thuật viên cao cấp) và đại học; giữa một số ngành nghề và lĩnh vực phù hợp nhau trong giáo dục đại học… Sở dĩ tôi phải mở ngoặc nói cao đẳng đào tạo ra kỹ thuật viên (giống như ngày trước có mấy trăm trường cao đẳng chuyên nghiệp) là để phân biệt với cao đẳng nghề (đào tạo ra thợ) như ở nước ta hiện nay đang thực hiện.
Để thực hiện điều đó, quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo phải được tập trung về cùng một đầu mối như rất nhiều nước đã làm (ví dụ như trong Bộ Giáo dục của Thái Lan có 3 Tổng cục là: giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục kỹ thuật/ nghề) và theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương.
Thứ năm, trong lĩnh vực quản lý - quản trị cần kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ thật sự và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường “thực chất”, khẩn trương tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản. Cùng với đó là tăng vai trò giám sát của xã hội.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương thí điểm tự chủ đại học, một số trường đại học nhìn chung đã đạt được những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay khuynh hướng này đang bị chững lại vì những trở ngại chủ quan về tư duy, cơ chế và kể cả do lợi ích cục bộ. Tự chủ đại học là hướng rất đúng, có ý nghĩa đột phá, đã có chủ trương của Trung ương và luật pháp đã cho phép. Một con người cũng vậy, và một trường đại học cũng thế, không tự chủ là không thể trưởng thành. Tư duy quản trị đại học của các nước phát triển, đã là đại học thì đương nhiên phải tự chủ, không tự chủ chưa phải là đại học. Đã tự chủ thì không còn cơ chế chủ quản. Còn cơ chế chủ quản là chưa tự chủ. Vậy mà rất tiếc, cho đến hiện nay, vẫn còn có người chưa thông suốt, muốn níu kéo cái cũ, thậm chí là quay lại như xưa, không có tự chủ gì cả. Có người tư duy còn lạc hậu như vậy đó.
Thứ sáu, đối với nước ta, cần tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu công – tư – dân lập; tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận; trách nhiệm của nhà nước, nhà trường và gia đình; cơ chế chính sách phù hợp với loại hình trường....
Đồng thời, Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích mạnh mẽ các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường hoạt động không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở giáo dục đại học loại này, triển khai Luật đầu tư PPP trong giáo dục...
Phóng viên: Ông có đề cập, chúng ta chưa có cơ cấu nhân lực phù hợp cũng như chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả ba khu vực kinh tế. Ông có thể phân tích cụ thể hơn vấn đề này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Ở cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp; khu vực dịch vụ, tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta vẫn còn ở mức thấp. Nguồn lao động vẫn đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; vừa thiếu thầy, vừa thiếu thợ; nghĩa là cần một cơ cấu nhân lực theo hướng: gia tăng tỷ lệ của giáo dục đại học và gia tăng tỷ lệ học nghề (tôi nói giáo dục đại học là bao gồm cao đẳng chuyên nghiệp).
Ở góc độ nền kinh tế, Việt Nam là một đất nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp nhưng đến nay chúng ta về cơ bản vẫn chưa phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Ngành công nghiệp và dịch vụ cũng chưa phát triển đủ mạnh. Như vậy, nền kinh tế của chúng ta đa phần vẫn sử dụng lao động trình độ thấp, lao động giản đơn.
Cần phải có sự kết hợp ăn ý giữa chính sách giáo dục - đào tạo cũng như chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam |
Muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, muốn có sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động, cần phải có sự kết hợp ăn ý giữa chính sách giáo dục - đào tạo cũng như chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Phóng viên: Vậy muốn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì kinh tế cũng cần phải phát triển theo hướng công nghệ kỹ thuật cao?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đúng thế, nếu ưu tiên thu hút đầu tư những ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao thì thị trường nhân lực sẽ thu hút lao động trình độ cao.
Nhu cầu tăng lên sẽ thúc đẩy hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, đi cùng với các chính sách kinh tế thì hoạt động giáo dục và đào tạo phải chuẩn bị được, tạo ra được nguồn nhân lực lao động trình độ cao để cạnh tranh với các nước, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và thu hút đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao.
Trong thời đại hội nhập ngày nay, chỉ có sử dụng phổ biến công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thì mới có thể tạo ra được thu nhập cao, mới giàu có được. Nếu không thì chỉ là "làm thuê" cho thiên hạ, nhiều giá trị tạo ra sẽ bị người khác chiếm giữ.
Chính sách kinh tế và hoạt động đào tạo nhân lực có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị được cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý cho từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
Hai điểm yếu nghiêm trọng của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay như đã đề cập ở trên là chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo ra nói chung còn nhiều mặt chưa đạt chuẩn và cơ cấu đội ngũ nhân lực còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Điều này có liên quan chủ yếu tới những bất cập ở cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Mặt này kìm hãm mặt kia, trì kéo lẫn nhau cùng chậm lại. Vì vậy, nhất thiết phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân.
Phóng viên: Vậy giải pháp nào để tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân, thưa ông?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cơ cấu hệ thống giáo dục hiện nay còn nhiều mặt chưa tốt, không thể yên tâm được, như:
Thứ nhất, trong hệ thống có nhiều đoạn không nhất quán, không khớp nối được, bị đứt gãy. Tức là một hệ thống không thông suốt. Khối giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt (và khối giáo dục lý luận chính trị cũng vậy), không khớp nối với hệ thống chung. Cao đẳng ở Việt Nam hiện nay về cơ bản không thuộc giáo dục đại học, tức là không có cấp độ 5 trong hệ thống giáo dục theo ISCED, tất cả đều quay về cấp độ 4 là giáo dục sau phổ thông trung học nhưng chưa đạt tới đại học. Sự liên thông giữa các bậc trình độ còn những bất ổn như đã nói ở phần trên… Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về mục tiêu và cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau quy định). Ở đây còn chưa nói đến xu hướng một số trường hợp hạ chuẩn các trình độ trung cấp và cao đẳng, xóa bỏ chức danh kỹ thuật viên vì thu hút nguồn tuyển.
Thứ hai, trở ngại việc hội nhập quốc tế. Theo phân loại về trình độ đào tạo của UNESCO (ISCED 2011), thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục Nghề nghiệp không tương ứng với cấp độ nào của ISCED 2011, cao đẳng chuyên nghiệp thuộc giáo dục đại học thì không còn (mất cấp độ 5, thiệt thòi khi hội nhập), trong khi các nghị quyết của ta đã nêu yêu cầu quốc tế hóa là chủ trương đúng đắn.
Thứ ba, chưa làm tốt phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở bị rơi vào “ngõ cụt” không có lối đi thuận lợi để học lên tiếp khi có điều kiện.
Xu hướng chung từ trước đến nay, sau trung học cơ sở người học đều cố đi vào trung học phổ thông (chiếm 78%, số liệu thống kê của năm học 2019-2020); còn sau trung học phổ thông, người học thường cố đi vào đại học vì nếu không như thế sau này sẽ rất khó học tiếp lên. Nay cần thiết kế lại hệ thống để thuận tiện cho người học, tùy hoàn cảnh gia đình mà có thể học liên tục hoặc học qua nhiều giai đoạn, vừa làm vừa học, từ thấp đến cao, nhìn chung các con đường đều rộng mở, có thể liên thông, không có con đường nào tắc nghẽn hoặc là không vinh quang nếu có đủ quyết tâm và nghị lực.
Cần phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục theo hướng, thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo hai nhánh: có thể hơn một nửa theo hướng trung học phổ thông và non một nửa theo hướng trung học hướng nghiệp, bao gồm trung học nghề/trung học kỹ thuật. Từ trung học nghề/ trung học kỹ thuật vẫn thiết kế con đường đi tiếp lên cao cấp nghề hoặc lên cao đẳng (chuyên nghiệp) khi người học có nhu cầu và điều kiện (chứ không để bị cụt đường). Tất nhiên phải bảo đảm tương đối thuận lợi cho người học, và đảm bảo yêu cầu về văn hóa và tay nghề (chứ không nên giảm chuẩn để chạy theo số lượng và thu học phí được nhiều).
Vào giáo dục đại học, hai hướng phân luồng tiếp theo và liên thông với hai hướng trên là: hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng-thực hành.
Cần trả trình độ cao đẳng về cho giáo dục đại học. Phục hồi loại hình trường cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo kỹ thuật viên bằng cách sử dụng lại các trường cao đẳng cũ trước đây đã đào tạo và mở cơ chế cho các trường đại học được đào tạo thêm cao đẳng trong chương trình liên thông với đại học (ngoại trừ các đại học quốc gia, một số đại học vùng và các trường khác cần tập trung cho đào tạo đại học và trên đại học (tức là giao sứ mệnh phải vươn lên chứ không phải vươn xuống cao đẳng); xây dựng hệ thống trường trung học nghề/trung học kỹ thuật bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề thành thạo; đồng thời đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp trong phổ thông và kể cả nghiên cứu lại mô hình trường vừa học vừa làm.
Ảnh minh hoạ: Phạm Minh |
Củng cố lại hệ thống trường đại học - cao đẳng địa phương, giữ tính phân tầng trong hệ thống, không nên tập trung hết về Trung ương ở các thành phố lớn. Trong đó các trường cao đẳng sư phạm củng cố theo hướng phát triển đa ngành (giữ sư phạm là một ngành chủ chốt), mở đối tượng tuyển sinh đào tạo giáo viên trung học cơ sở trở xuống (như trước đây đã có kinh nghiệm) và thực hiện các công việc về bồi dưỡng đào tạo cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu của các địa phương.
Cần sớm hình thành hệ thống văn bản khớp nối về kiểm định đầu ra giữa đại học, cao đẳng và dạy nghề nhằm giúp cấp độ sau công nhận cấp độ đào tạo trước để có thể thực hiện liên thông. Để làm việc đó nên thống nhất "tổng công trình sư" về chương trình, chứ không thể mỗi ông ngồi ở mỗi nơi riêng biệt và kẻ vẽ theo suy nghĩ của mình.
Từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu; gắn nghiên cứu vào giảng dạy; xóa bỏ cơ chế chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục đại học; chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục đại học công lập sang hợp tác công tư và trường ngoài công lập không vì lợi nhuận; cho hình thành trở lại các trường dân lập (như trước đây đã làm đúng rồi nhưng sau đó lại xóa đi).
Xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc trung ương;
Tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng cộng đồng; tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống các trường ngoài công lập, trong đó, đặc biệt ưu tiên các trường ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận; nâng cao năng lực các trường đại học mở; triển khai phương thức đào tạo từ xa và tạo điều kiện cho các trường có đầu tư nước ngoài phát triển, thực hiện "du học tại chỗ".
Để bảo đảm cho việc phân luồng và định hướng nghề nghiệp thành công, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật và nghiên cứu các xu hướng và sự chuyển động về cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và các ngành, các cấp đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong công tác thông tin, để đưa chủ trương này của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Vai trò của báo chí lúc nào cũng rất quan trọng, vì thông tin quy định nhận thức và tác động vào hành vi.
Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, nhân dân rất cần báo chí cung cấp những thông tin chính thống, trung thực, đáng tin cậy và kịp thời.
Riêng về nhiệm vụ thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, lâu nay báo chí cũng đã có nhiều bài viết đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân, với các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp các ngành, nâng cao nhận thức của mỗi người.
Báo chí cũng đã đưa nhiều gương điển hình, người thật việc thật và những nỗ lực đáng khích lệ của các tổ chức, đơn vị trên hành trình thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, nhiều bài viết cũng đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, những “nút thắt”, khó khăn và đề xuất cách tháo gỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời báo chí cũng là “tai mắt” của Nhân dân để giám sát, phát hiện những sai phạm còn tồn tại, nhằm “thanh lọc” những tiêu cực trong công việc.
Mười năm qua, báo chí tích cực góp phần rất đáng kể cùng với xã hội và toàn ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tất nhiên không phải cái gì cũng đã làm tốt rồi. Xã hội luôn cần báo chí và những người cầm bút với các yêu cầu ngày một cao hơn. Trong đó, giới trẻ luôn trông mong từ báo chí những thông tin khai mở tư duy có thể giúp cho họ làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách và thành công trong khởi nghiệp. Mỗi tờ báo, mỗi người cầm bút và biên tập viên không ai có thể từ chối trọng trách của mình trong việc tham gia phát triển đất nước và dân tộc, làm cho xã hội ngày một nhân văn hơn, giảm thiểu tối đa những tiêu cực xã hội, kể cả ngay trong làng báo chí.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin được gửi đến các phóng viên, nhà báo và những người làm báo lời chúc thành công, tham gia đóng góp được nhiều công sức cho công cuộc phát triển giáo dục và văn hóa của nước nhà.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng!