Đầu năm 2016, dư luận xôn xao, đưa ra nghi vấn về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khi riêng một cơ sở đào tạo như Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có chỉ tiêu lên đến 350 tiến sĩ/năm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.
Ngày 10/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ”.
Buổi tọa đàm này nằm trong nhiều nội dung được Bộ GD&ĐT triển khai để thăm dò, trưng cầu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục nhằm tiến tới điều chỉnh các quy định liên quan tới đào tạo tiến sĩ.
Tới dự tọa đàm có GS.TSKH Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
Chất lượng luận án tiến sĩ vàng thau lẫn lộn
Mở đầu buổi tọa đàm, một câu hỏi nóng gửi đến Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: “Có một thực tế rõ ràng là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều và có thể vàng thau lẫn lộn.
Nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết... nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ. Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng. Quan điểm của Bộ về nhận định này?”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Xuân Trung) |
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng trước hết phải ghi nhận các cơ sở đào tạo đã nỗ lực để đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu và đào tạo trong nước còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên vẫn có cơ sở đào tạo chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.
“Thực tế, nghiên cứu sinh là các nhà nghiên cứu, sản sinh ra tri thức, trí tuệ mới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ, mục tiêu, không xác định rõ tầm mức hoạt động nghiên cứu của bậc đào tạo tiến sĩ.
Cùng với việc thầy hướng dẫn cùng một lúc hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh. Ngoài ra, mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện cũng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của thế giới”- Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
"Thú thật, tôi rất ngại tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ"(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ là đào tạo người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học, chứ không phải đào tạo quan chức. |
Đề cập tới nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đào tạo tiến sĩ khiến dư luận bức xúc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhắc lại:
“Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước.
6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước trong điều kiện khó khăn. Khó khăn là thế nhưng chất lượng tiến sĩ rất tốt, không có ai kêu ca”.
Tuy nhiên, theo GS.Đức nhận xét: “Trải qua một thời gian dài, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay đang dần tiếp cận với các chuẩn của quốc tế.
Có nhiều nghiên cứu sinh trong nước hiện nay có nhiều bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Nhiều cơ sở đào tạo cũng đã nỗ lực hướng tới việc đào tạo chất lượng. Nhưng phải thừa nhận vẫn có những luận án chưa có chất lượng, chưa đạt yêu cầu”.
Mặc dù cho rằng cơ sở vật chất chưa đầu tư thỏa đáng, điều kiện nghiên cứu, đào tạo còn thiếu thốn là một nguyên nhân nhưng theo GS.Nguyễn Đình Đức, trước đây, cũng khó khăn nhưng ta đã có nhiều tiến sĩ có chất lượng. Bởi vậy, bất cập hiện nay cần nhìn rộng ra ở những nguyên nhân khác.
Định nghĩa về tiến sĩ chưa rõ ràng
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh- phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, có điểm khác biệt trong đào tạo tiến sĩ hiện nay so với trước đây.
Trước đây, đa số tiến sĩ của Việt Nam đều được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô. Còn hiện tại, tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước.
Vì vậy, cần phải đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chất lượng tương đương với các nước trên thế giới.
Bộ Giáo dục thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở ta chưa được như các nước(GDVN) - “Đánh giá chất lượng không thể căn cứ vào số luận án được tổ chức bảo vệ trong một thời gian mà phải trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng…” |
Là người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, GS.TSKH Trần Văn Nhung cho rằng dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng có nhiều điểm mới đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước hết cần phải đưa ra được định nghĩa đầy đủ về khái niệm tiến sĩ. Trên thế giới, các nước đều có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ.
Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ “ai là phản biện, ai nằm trong hội đồng” với những tiêu chuẩn đi kèm không thể thấp được.
GS.Nhung đề nghị tiêu chuẩn tiến sĩ cần đòi hỏi những tiêu chuẩn cụ thể.
Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI.
Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch.
Đồng tình với quan điểm của GS. Nhung, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, Bộ nên cụ thể hóa thế nào là tiến sĩ, với các tiêu chí rành mạch hơn nữa sẽ thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện.
Còn theo PGS.TS Vũ Lan Anh, để nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ, yếu tố thứ nhất là điều kiện tuyển sinh, trong đó có tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ.
Việc xem có tố chất hay không căn cứ vào các công trình khoa học của nghiên cứu sinh. Ngoại ngữ là rất cần thiết, vì vững ngoại ngữ thì nghiên cứu sinh mới có điều kiện tham khảo, đọc tài liệu nước ngoài, tham gia môi trường học thuật thế giới.
Thứ hai là bản thân quá trình đào tạo. Chương trình đào tạo, giáo trình, học liệu, phương pháp nghiên cứu, phương pháp đánh giá theo cách nào.
Thứ ba là yếu tố người hướng dẫn.
Khi nào ta đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó thì chất lượng đào tạo tiến sĩ mới có thể tốt được.
Hiện nay cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có 114 trường đại học, 42 viện nghiên cứu. Quy mô đào tạo tiến sĩ năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |