Hiện nay, việc đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên phổ thông, mầm non đang thực hiện theo các văn bản:
Đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Thông tư số 14/2018/TT- BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Công văn số 4529/BGDĐT- NGCBQLGD ngày 01/10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT;
Đánh giá giáo viên theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 01/10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT.
Thông tư số 25/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 về việc ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non; Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT ngày 08/10/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Với chu kỳ 2 năm đánh giá một lần. Khi triển khai các Thông tư này đã nảy sinh một số bất cập gây bức xúc cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông, mầm non.
Nhà giáo Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, Tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC. |
Nhà giáo Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai (Tỉnh Nghệ An) đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất: “Nội dung các tiêu chuẩn, tiêu chí trong các Thông tư này về cơ bản trùng lặp với các tiêu chí đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm, nên việc vừa đánh giá, xếp loại viên chức, vừa đánh giá, xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp là hình thức, không có tác dụng trong thực tế.
Với phần đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí, nhưng ở phần đánh giá viên chức theo Nghị định 90 lại có 5 nội dung cũng bao hàm tất cả chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, tổ chức kỉ luật, đặc biệt mục 5 là thực hiện kết quả được giao. Như vậy, việc đánh giá chuẩn viên chức của giáo viên theo kết quả được giao đã bao hàm tất cả nội dung ở phần chuẩn nghề nghiệp, vậy là trùng lặp.
Trên thực tế, đã là viên chức thì phải được đánh giá theo chuẩn viên chức, như vậy mới đúng. Ta đã có Luật viên chức, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đặt ra thêm chuẩn nghề nghiệp nữa, theo tôi là thừa, trùng lặp.
Nếu như, đặt ra đánh giá chuẩn nghề nghiệp bị “vênh” với đánh giá viên chức theo Nghị định 90, vậy thủ trưởng đơn vị sẽ xếp loại theo cái nào? Hay nói cách khác cái nào phủ nhận cái nào? Theo tôi phải lấy đánh giá viên chức làm chuẩn, và hiện nay đã có đánh giá viên chức làm chuẩn rồi, vậy không nên làm thêm chuẩn nghề nghiệp nữa.
Đã gọi là nghề nghiệp, người đó là chuẩn rồi mới được tuyển dụng qua một quy trình khắt khe. Còn muốn đánh giá hiệu quả công việc của một viên chức qua hàng năm, từ phẩm chất, đạo đức, lối sống,...thì đã có sự ràng buộc theo Luật Viên chức, đánh giá theo Nghị định 90. Thông tư không thể thay thế cho Nghị định 90 được bởi Nghị định là của Chính phủ, còn Thông tư là Bộ tự đưa ra. Như vậy có thể nói không cần thiết phải đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp nữa, mà bỏ đi cho hợp với thực tế”.
Gây ức chế cho người đánh giá và người được đánh giá
Thứ hai, theo thầy Tuấn Anh: “Quy trình đánh giá qua mấy bước như: Giáo viên tự đánh giá; Đánh giá của đồng nghiệp; Đánh giá của tổ chuyên môn; Đánh giá của hiệu trưởng. Tưởng là chặt chẽ, nhưng trong thực tế là rất hình thức, dễ gây ức chế cho cả người đánh giá và người được đánh giá.
Theo Thông tư đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp 2 năm một lần, giáo viên tự đánh giá bản thân trước. Như vậy giáo viên tự đánh giá theo Luật viên chức rồi, giờ lại chiếu theo 5 tiêu chuẩn của Thông tư 20 chuẩn nghề nghiệp, trong số 15 tiêu chí này mang nặng tính hình thức. Ví dụ: Đạo đức nhà giáo thì Nghị định 90 cũng có rồi, về phong cách nhà giáo, phát triển chuyên môn bản thân,...thì đó là công việc hàng ngày của các nhà giáo, giờ đến cuối năm lại bắt giáo viên ngồi nhớ lại, đánh giá, rồi đưa ra những minh chứng, như vậy theo tôi không thực tế.
Việc đồng nghiệp đánh giá, phải nói thẳng là đồng nghiệp đánh giá thế nào? Khi đánh giá, rõ ràng khi nói chuyện với nhau thì dễ, nhưng để đánh giá nhau thì chắc chắn không có ai dám đánh giá thật lòng, có thể đồng nghiệp của mình chưa được hoàn hảo nhưng cũng không ai nỡ đánh giá. Như vậy là hình thức.
Nếu những cơ quan có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, không cẩn thận việc đánh giá này lại thành “cơ hội” để tăng sự mất đoàn kết, gây chia rẽ nội bộ, chia phe kéo cánh,…Như vậy lợi bất cập hại mà ai cũng dễ dàng nhận thấy.
Rồi đến tổ chuyên môn đánh giá, theo tôi lại càng bất cập bởi nó tạo ra “sức ép” cho các thầy cô tổ trưởng. Ở cấp trung học cơ sở, một tổ chuyên môn có rất nhiều môn, vậy bây giờ nói tổ trưởng đánh giá từng người trong tổ mà lại khác với chuyên môn của tổ trưởng, như vậy không là hình thức hay sao?
Ví dụ: Tổ trưởng chuyên môn là Toán, và trong tổ chuyên môn đó có Lý, Hóa, Sinh,...Vậy làm sao với chuyên môn Toán có thể đánh giá sát được những môn khác. Rồi với tổ Xã hội có tổ trưởng chuyên Văn, làm sao đánh giá được về chuyên môn của tổ viên Địa lý, Nghệ thuật, Lịch sử, Giáo dục công dân,...? Như vậy cũng vẫn là hình thức”.
Thầy và trò học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai (Tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC. |
Giáo viên tìm 15 minh chứng của Bộ nhưng không biết để làm gì?
Thầy Tuấn Anh nhận định: “Cuối năm, giáo viên lại vất vả với yêu cầu có đủ minh chứng cho 15 tiêu chí các cấp tốn nhiều thời gian, công sức rà soát để tải lên hệ thống TEMIS. Điều đáng nói, loạt minh chứng này cũng chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường hiện nay.
Việc thu thập minh chứng cho các tiêu chí là điều bất khả thi. Trong thực tế công việc của cán bộ quản lý và giáo viên rất đa dạng, linh hoạt và không phải lúc nào cũng lưu giữ đầy đủ minh chứng, chưa kể có những minh chứng theo gợi ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không thực tế.
Tôi thấy rất nhiều giáo viên chia sẻ rằng qui trình đánh giá này tốn thời gian và để làm gì? Nhất là giáo viên phải tìm minh chứng cho 15 tiêu chí để nộp cho nhà trường rồi còn phải tải lên hệ thống phần mềm tập huấn trực tuyến TEMIS mà năm nào cũng phải thực hiện. Một số minh chứng cũ như bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ…. năm nào cũng phải nộp.
Những minh chứng bao gồm các loại giấy tờ mà giáo viên phải tìm và nộp là: Bằng tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, kế hoạch giáo dục của giáo viên, chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên, phiếu dự giờ của giáo viên, kết quả giảng dạy, bản đánh giá viên chức hàng năm, các loại biên bản…. Trong đó khó tìm nhất là minh chứng của 2 tiêu chí: Đạo đức nhà giáo và phong cách nhà giáo.
Hơn nữa, việc tải minh chứng này lên hệ thống TEMIS lại càng bất cập, điều bất hợp lý có nhiều loại hồ sơ, giấy tờ giáo viên đã nộp lưu và lưu hồ sơ chuyên môn rồi nhưng vẫn yêu cầu phô tô nộp và tải lên, ngay như bằng tốt nghiệp đại học, năm nay đã tải lên, sang năm lại tiếp tục tải lên hệ thống, rồi hướng dẫn chấm, sổ chủ nhiệm, kế hoạch ngoại khóa…, ngoài ra còn cả những minh chứng như thư khen, thư cảm ơn của phụ huynh, tất cả những minh chứng này tải lên để làm gì thì không ai biết ngay cả trưởng phòng? Như vậy thì càng rõ ràng là hình thức.
Với những lí do trên, nhiều giáo viên bày tỏ nguyện vọng, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét có cần đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư 20/2018 nữa không? Nhất là tiêu chí đạo đức và phong cách nhà giáo và buộc giáo viên tải minh chứng, bởi việc làm này không có tác dụng và cũng không thiết thực, chỉ tốn thêm thời gian của giáo viên”.
Thầy Tuấn Anh chia sẻ: "Theo tôi nên bám sát Nghị định 90, làm thật tốt vai trò của người viên chức ngành Giáo dục, đánh giá theo đúng Nghị định 90 là quá đầy đủ. Toàn ngành Giáo dục đang quán triệt việc sàng lọc, loại bỏ những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất. Vì thế, Bộ cũng nên rà soát bỏ những thứ hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực".