Ngày 24/7, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhằm góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội, chủ trì tọa đàm; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban Ban phân tích chính sách của Hiệp hội; Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Công tác Hội viên.
Đặc biệt, tham dự tọa đàm có lãnh đạo, đại diện nhiều trường cao đẳng trên cả nước thuộc các câu lạc bộ của Hiệp hội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam diễn ra ngày 15/7 vừa qua, Ban Thường vụ Hiệp hội thống nhất quan điểm tham mưu, đóng góp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo tiếp tục được xác định là một hoạt động trọng tâm của Hiệp hội, đặc biệt là trong việc xây dựng, hoàn thiện các luật về giáo dục như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Do đó, Hiệp hội sẽ tổ chức chuỗi các buổi tọa đàm chuyên đề để đóng góp ý kiến một cách sâu sát, thiết thực cho các dự thảo Luật về lĩnh vực giáo dục.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong thời gian qua, Hiệp hội đã chủ động gửi nhiều kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các cơ quan, ban soạn thảo văn kiện về nhiều vấn đề then chốt như cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, tự chủ và mô hình quản trị các cơ sở giáo dục, …, hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và hiệu quả. Đây là những nội dung từng nhiều lần được đề cập, tuy nhiên việc hiện thực hóa trước đây còn gặp nhiều trở ngại do sự phân tán trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục khi một phần thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và một phần thuộc quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đang được tập trung về Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn nữa đất nước ta đang trong bối cảnh bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây chính là thời cơ quan trọng để xây dựng hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, nhất quán khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các khối đào tạo của hệ thống giáo dục.
Tọa đàm lần này là hoạt động khởi đầu cho chuỗi các tọa đàm chuyên đề do Hiệp hội tổ chức nhằm góp ý xây dựng các dự thảo Luật trong lĩnh vực giáo dục.
Nên kế thừa những điều khoản ưu việt của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014
Góp ý tại tọa đàm, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân khi xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Theo Tiến sĩ Khánh, thực tế cho thấy nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề hiện chiếm hơn 60% trong tổng nhu cầu lao động xã hội. Do đó, Luật sửa đổi cần hướng tới việc mở rộng quy mô đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và đảm bảo tính liên thông hiệu quả giữa các trình độ.
Đồng thời, thầy Khánh cũng đánh giá cao việc dự thảo Luật bổ sung chương trình đào tạo trung học nghề như một hướng mở mới cho người học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Khánh cho rằng cần làm rõ “chương trình trung học nghề sẽ được xác định ở bậc nào trong Khung trình độ quốc gia?” bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức tuyển sinh và lộ trình học tập của học sinh.

Từ thực tiễn quản lý, thầy Khánh đề xuất cần thiết kế một hệ thống thống nhất, đảm bảo sự kết nối hiệu quả giữa trung học nghề và trung cấp nghề. Việc này sẽ giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng tiếp tục học lên các bậc cao hơn, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tiến sĩ Khánh đề cập đến mô hình giáo dục của Singapore mà nước ta có thể tham khảo và áp dụng:

Theo đó, tại Singapore, sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, có khoảng 60% học sinh tiếp tục học tại các trường Polytechnic. Sau khi tốt nghiệp các trường Polytechnic, họ có thể học tiếp lên cao đẳng hoặc đại học, tạo nên một hệ thống linh hoạt, liên thông hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Trong khi đó, cô Võ Thị Nga – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Quảng Ngãi cho rằng, cần thiết phải phân biệt rõ giữa trường công lập và tư thục trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 đã có những điều khoản liên quan đến việc giao đất cho các tổ chức và quy định rõ trách nhiệm đi kèm.
Trước thực tế đó, cô Nga đề xuất rằng, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) cần được xây dựng một cách đồng bộ với các luật liên quan như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai,…
Liên quan đến hợp tác quốc tế, cô Nga cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành đã quy định khá đầy đủ và rõ ràng, do đó cần được giữ nguyên để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mở rộng hợp tác đào tạo với đối tác nước ngoài.
Trước đề xuất về mô hình giáo dục của Singapore, Tiến sĩ Lê Việt Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ, hệ thống giáo dục của Singapore có nhiều điểm không tương thích với thực tiễn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Khuyến cũng nhận định dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) chưa kế thừa được hết những điểm tích cực của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và đang tạo nên một mô hình mới chưa nhất quán.
Cụ thể, trung học nghề vốn là cấp đào tạo phổ biến trên thế giới, thể hiện định hướng phân luồng sau trung học cơ sở, với hai hướng đi: vào học trung học phổ thông hoặc vào học trung học nghề, đây là điểm mới thuận lợi. Tuy nhiên, việc quy định chương trình trung cấp dành cho người đã tốt nghiệp trung học phổ thông không chỉ thiếu hợp lý trong hệ thống giáo dục mà còn dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực do có thể phải xây dựng lại chương trình đào tạo.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã đưa ra Sơ đồ khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo) phù hợp với hệ thống giáo dục của Việt Nam:

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, xét về bản chất trình độ, cao đẳng thuộc bậc giáo dục đại học; nhưng nếu nhìn từ góc độ lĩnh vực, thì lại thuộc về giáo dục nghề nghiệp. Do đó, không nên áp đặt một cách cứng nhắc mà cần linh hoạt theo định hướng đào tạo của từng trường thiên về lý thuyết hay thực hành, ứng dụng.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tư – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức – cho rằng, hiện nay hệ thống đào tạo cao đẳng đang bị hiểu và vận hành như một bước trung gian để lên đại học, thay vì là một hướng đi song song.

Thầy Tư chỉ ra rằng, hiện nay tính liên thông giữa cao đẳng và đại học dù cùng ngành nghề vẫn chưa có lộ trình nhất quán. Việc thiếu định hướng cụ thể trong mô hình đào tạo khiến cho người học gặp khó khăn trong việc xác định lộ trình phát triển.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) cũng chưa đề cập đến vấn đề xây dựng giáo trình, dẫn đến việc thiếu cơ sở trong triển khai chương trình đào tạo.
Cần chú trọng đến những trường, khoa, ngành đào tạo đặc thù
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đề xuất cần có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để tạo sự tự chủ thực chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong công tác tuyển sinh và mở ngành đào tạo.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, cần trao quyền tự chủ thực chất cho các trường cao đẳng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời, đối với các mã ngành/nghề ở trình độ trung cấp hoặc sơ cấp có nội dung đào tạo, ngành/nghề đào tạo tương đồng với ngành/nghề đang đào tạo ở bậc cao đẳng, nên cho phép các trường chỉ cần gửi hồ sơ và triển khai đào tạo mà không cần chờ phê duyệt, nhằm tăng tính chủ động và linh hoạt trong hoạt động chuyên môn.
Đề cập đến khái niệm “giảng viên/giáo viên đồng cơ hữu” trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), thầy Tân cho rằng, đây là một thuật ngữ dễ gây lúng túng trong triển khai do liên quan đến nhiều yếu tố như mức lương, phân công công việc, ... Đồng thời, việc quy định giảng viên đồng cơ hữu có thể vô tình tạo ra kẽ hở, ảnh hưởng đến tiêu chí mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, đề xuất không đưa khái niệm này vào dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Về thực trạng hiện nay, thầy Tân chia sẻ, nhiều trường cao đẳng đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Nếu các trường đại học được phép đào tạo trình độ cao đẳng, đặc biệt ở nhóm ngành đặc thù như y dược sẽ gây áp lực lớn và làm giảm đáng kể khả năng tồn tại của nhiều trường cao đẳng.
Liên quan đến chiến lược phân luồng sau trung học, dù đã có định hướng phân luồng đạt 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ đi học nghề, nhưng đầu tư cho các trường nghề hiện vẫn rất hạn chế. Do đó, thầy Tân cho rằng cần có sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn từ các cấp có thẩm quyền nhằm hiện thực hóa mục tiêu phân luồng giáo dục một cách hiệu quả. Đồng thời, thầy Tân cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có hướng dẫn chi tiết về cơ chế tự chủ tài chính, cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành để tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển bền vững.
Ngoài ra, liên quan đến Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH về miễn, giảm học phí cho các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, thầy Tân kiến nghị cần bổ sung ngành Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh – một ngành có tính chất công việc đặc biệt vất vả nhưng đang bị bỏ sót trong danh mục. Đồng thời, cần rà soát thêm các ngành nghề khác có tính chất tương tự để có chính sách ưu đãi phù hợp cho người học.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Bình – Trưởng phòng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình cho rằng, việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có nhiều điểm không thực sự phù hợp.
Theo thầy Bình, tại địa phương, rất cần thiết có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đặc biệt là những đơn vị đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực đặc thù. Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu ngay tại địa phương giúp thuận lợi trong quản lý, hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện cho các em phát triển năng lực một cách bền vững, gần nhà dễ di chuyển.
Bên cạnh đó, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thường còn ở độ tuổi rất nhỏ, nếu phải rời quê lên các thành phố lớn để học trong môi trường trường đại học sẽ gặp không ít khó khăn.
Theo chia sẻ từ Thạc sỹ Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) hiện mới chỉ đề cập đến chính sách đối với nhà giáo giảng dạy học sinh là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân tộc nội trú hoặc các khoa dân tộc nội trú, cùng với giáo viên dạy các lớp năng khiếu nghệ thuật, thể thao.
Tuy nhiên, theo thầy Điều, thực tế tại nhiều trường nghề sau sáp nhập như Trường Cao đẳng Gia Lai có sự tồn tại những khoa đào tạo nghề đặc thù như Khoa Văn hóa – Nghệ thuật (trước kia là Trường Trung cấp văn hóa – nghệ thuật Gia Lai) vốn chủ yếu giảng dạy cho học sinh nội trú là người dân tộc thiểu số. Bởi, Trường Cao đẳng Gia Lai nằm ở khu vực Tây Nguyên – nơi vốn có đông người đồng bào dân tộc thiểu số.
Do đó, thầy Điều đề xuất cần xây dựng chế độ đãi ngộ riêng, có tính đặc thù theo vùng miền cho đội ngũ giảng viên, giáo viên tham gia giảng dạy cả ở các khoa đào tạo đặc thù của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thầy Điều cũng đồng tình với nhiều đại diện cơ sở giáo dục đại học về việc các trường đại học nếu đều tham gia vào đào tạo cao đẳng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo chia sẻ từ Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, sau khi tiếp nhận dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), Nhà trường đã tổ chức cho lãnh đạo cùng các đơn vị, phòng/ban chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung dự thảo. Qua đó, tập thể nhà trường hoàn toàn thống nhất với các nội dung sửa đổi, đặc biệt đánh giá cao việc cắt giảm 34 trong tổng số 72 thủ tục hành chính bởi đây là một bước cải tiến mạnh mẽ, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới quản lý hiện nay.

Tuy nhiên, thầy Tuyến cũng bày tỏ băn khoăn về thời điểm công bố và hiệu lực của Luật mới. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương vừa trải qua quá trình sáp nhập với chính quyền 2 cấp, việc dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) dự kiến công bố luật vào tháng 12/2025 và có hiệu lực từ năm 2026 có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường như lập dự toán ngân sách, thực hiện đề án, dự án, ... Bởi, đây vốn là những nhiệm phải hoàn thành ngay trong tháng 12 theo quy định.
Từ thực tế này, thầy Tuyến đề xuất xem xét công bố sớm Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Cụ thể, nếu dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 10 thì nên cho phép luật có hiệu lực ngay từ tháng 11 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch đúng tiến độ, không bị gián đoạn.